Không thể để 90% số doanh nghiệp bị phá sản... oan!

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Luật Phá sản (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Song, đến nay, vấn đề quan trọng nhất là khi nào thì doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) bị coi là lâm vào tình trạng phá sản vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khoa học kinh tế đã chứng minh rằng: DN, HTX bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi đã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Song, vấn đề là ở chỗ, hiểu thế nào là mất khả năng thanh toán.

Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) giải thích: "Mất khả năng thanh toán là tình trạng DN, HTX không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu". Và từ đó, dự thảo luật quy định tiếp "Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi DN, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu".

Những quy định nêu trên là không chính xác. Bởi đã có sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng giữa mất cân đối dòng tiền, không thanh toán và mất khả năng thanh toán.

Mất cân đối dòng tiền là khi nợ phải thu của DN quá lớn, nên số thu không đủ trang trải một số khoản chi, trong đó, có cả nợ đến hạn. Song, nợ phải thu vẫn là tài sản của DN nên DN không bị mất khả năng thanh toán. Đây là hiện tượng xảy ra rất phổ biến hiện nay.

Không thanh toán là hiện tượng cố tình chiếm dụng vốn của đối tác mặc dù DN có đủ khả năng thanh toán. Mất khả năng thanh toán xảy ra khi, nếu bán toàn bộ tài sản của DN theo giá thị trường nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn. Chỉ trong trường hợp này, DN mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Khi xảy ra những trường hợp nêu trên, DN, HTX sẽ có những biện pháp khắc phục khác nhau. Cụ thể, khi mất cân đối dòng tiền, chủ DN,HTX sẽ phải đàm phán gia hạn nợ, tích cực thu nợ, tạm vay để có thể thanh toán nợ.

Khi gặp trường hợp khách nợ cố tình không thanh toán nhằm chiếm dụng vốn, DN, HTX chủ nợ có thể khởi kiện ra toà hoặc trọng tài thương mại để giải quyết. Chỉ khi DN, HTX mất khả năng thanh toán mới phải áp dụng đến việc tuyên bố phá sản.

Từ phân tích trên có thể thấy, việc giải thích về mất khả năng thanh toán một cách quá đơn giản và không đúng như trong dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ dẫn đến có rất nhiều DN, HTX bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi Luật được ban hành.

Sau 9 năm thi hành Luật Phá sản 2004, tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp (trong đó toà án quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản). Đó là thực tế. Song, không vì mục tiêu "có nhiều hơn nữa các quyết định tuyên bố phá sản DN, HTX" mà đưa ra khái niệm phản khoa học.

Việc các DN, HTX không làm thủ tục tuyên bố phá sản do rất nhiều nguyên nhân từ thủ tục đến hậu quả pháp lý. Hơn nữa, khá nhiều chủ nợ (chẳng hạn các ngân hàng) cũng không muốn thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu DN, HTX mắc nợ tuyên bố phá sản để bị phá sản... theo.

Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, khi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến, sẽ có rất nhiều chủ nợ nộp đơn yêu cầu DN, HTX là đối tác của mình phá sản.

Khi những thông tin "bị nộp đơn yêu cầu phá sản" được đưa ra công chúng, uy tín, thương hiệu của DN, HTX đang bị mắc nợ sẽ bị tan theo... mây khói. Và, nếu giải quyết được thì "được vạ, má đã sưng", không loại trừ sẽ phải phá sản, phải "chết oan"!

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội - đã nói: "Với quan niệm quá đơn giản về tình trạng mất khả năng thanh toán như dự thảo luật, có thể 90% DN, HTX đang hoạt động hiện nay sẽ bị phá sản". Và, hậu quả đó là từ một định nghĩa sai trong văn bản luật. Đó là điều không thể chấp nhận được!