Tín dụng đen từ “bóng tối” đến công khai hoành hành: Hướng nào xử lý?
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, tín dụng chính thức mà cụ thể là tài chính tiêu dùng – tài chính vi mô sẽ là giải pháp hữu hiệu, góp phần đẩy lùi tín dụng đen và cũng tránh thất thu thuế cho nhà nước.
Tín dụng đen và nỗi lo “chị Dậu mới”
Tín dụng đen trong nhiều năm qua vẫn luôn được nhắc tới như một trong những nhân tố gây nhiều hệ lụy cho an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng này có dấu hiệu bùng phát tại nhiều địa phương, thậm chí công khai hoạt động thay vì giấu diếm, bí mật như trước kia.
Thượng tá Trần Quốc Trung, phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội lý giải, theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu tiền và việc sử dụng vốn của các cá nhân - đặc biệt là với người tiêu dùng dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng, các tổ chức rất lớn dẫn đến sự ra đời của tín dụng đen.
Theo Thượng tá Trung, có nhiều hình thức tín dụng đen tồn tại. Tuy nhiên, với hình thức cầm đồ, cho vay tài chính có trưng biển hiệu đều có giấy phép, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước nhưng có những cửa hàng không trưng biển hiệu, chỉ có một phòng nhỏ, kê bàn ghế, máy tính để cho vay tiền thì không có cơ quan nào quản lý.
Về nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chỉ ra rằng, đầu tiên phải kể tới đối tượng cho vay rất tinh vi trong khi đối tượng đi vay giấu diếm không chịu nói ra đến khi xảy ra sự việc thì cơ quan chức năng mới biết. Ngoài ra, các quy định theo Luật tuy đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể và trong quá trình xử lý điều tra gặp khó.
“Đối tượng vay tín dụng đen là những người có công việc không ổn định, thu nhập không ổn định, phát sinh nhu cầu thậm chí liên quan hành vi không lành mạnh với xã hội… từ đó dẫn đến việc người ta không nhận thức được về tín dụng đen. Khi điều kiện kinh tế xã hội càng phức tạp thì càng là mảnh đất màu mỡ để cho tín dụng đen phát triển”, ông nói thêm.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng diễn ra hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành một thời lượng khá lớn khi nhắc đến việc xử lý tín dụng đen - vấn nạn ngày một nhức nhối trong xã hội hiện nay.
Theo Thủ tướng, thời gian qua tín dụng đen xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Thủ tướng dẫn lại phát biểu của Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) trên diễn đàn Quốc hội cho rằng, "tình trạng tín dụng đen, lãi suất cho vay cắt cổ đang bủa vây người dân từ thành thị tới nông thôn và khiến nhiều người trở thành những "chị Dậu mới".
Tài chính tiêu dùng – tài chính vi mô: Giải pháp “Một mũi tên trúng hai đích”
Đồng tình với báo động của Ngân hàng Thế giới về tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng của Việt Nam hiện khá cao, Thủ tướng chỉ đạo: "Vấn đề này có phần trách nhiệm của ngân hàng khi chưa mang dịch vụ ngân hàng được đến vùng sâu xa, nông thôn. Các đồng chí cần chủ động hơn trong phối hợp với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn chính thức".
Bàn về câu chuyện tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân như Thủ tướng đề cập tới, nhiều chuyên gia trước đó chỉ ra rằng, tín dụng chính thức mà cụ thể là tài chính tiêu dùng thông qua các công ty tài chính sẽ là giải pháp hữu hiệu, góp phần đẩy lùi tín dụng đen và cũng tránh thất thu thuế cho nhà nước
Theo các chuyên gia, hoạt động của công ty tài chính đang rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân khi có thể đáp ứng nhu cầu cho vay từ các khoản vay nhỏ vài triệu đồng cho tới cả trăm triệu đồng. Thêm vào đó, người dân cũng dễ dàng tiếp cận hơn lại không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản và giải ngân nhanh chóng.
Cùng với đó, khi vay qua công ty tài chính – một định chế được sự quản lý của cơ quan chức năng – người dân sẽ có hợp đồng vay mượn rõ ràng, thông tin minh bạch theo quy định Nhà nước. Nhất là, lãi suất vay của công ty tài chính thì thấp hơn rất nhiều lần so với vay tín dụng đen bên ngoài.
Trong một bài viết mới đây, TS. Phan Minh Ngọc cũng đề xuất tới giải pháp khuyến khích sự thành lập của các công ty tài chính cho vay tín chấp (hoặc có tài sản thế chấp) có đăng ký kinh doanh. Đáng chú ý, vị chuyên gia cho rằng, liên quan tới hoạt động của các công ty tài chính, các thông tin như lãi suất và điều kiện cho vay – là những yếu tố nên để thị trường quyết định và Nhà nước không cần phải can thiệp bằng việc đưa ra, ví dụ, trần lãi suất cho vay tín chấp.
“Giải pháp thích hợp và bền vững đẩy lùi tín dụng đen phải là giải pháp dựa vào thị trường đặt dưới sự kiểm soát thích ứng của pháp luật để nhu cầu vay tín chấp của người dân được thỏa mãn chủ yếu bởi người dân và các tổ chức tài chính hợp pháp”, vị chuyên gia nhận định.