Không tiếp tục kéo dài giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước


Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất trình Chính phủ không tiếp tục xem xét kéo dài việc giảm phí trước bạ đối với ô tô khi thời điểm Nghị định số 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14246/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 14247/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm gia hạn thêm 06 tháng đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong năm 2020.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, thực hiện chủ trương hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thực hiện quy định pháp luật phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, khẩn trương, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền (hoặc trình Chính phủ ban hành) văn bản quy định miễn, giảm phí, lệ phí.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2020 về lệ phí trước bạ. Nghị định này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính ban hành 21 Thông tư điều chỉnh mức thu (giảm) phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng;... Các Thông tư này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số phí, lệ phí ước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng; đồng thời việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ khiến tổng thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 3.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm phí trước bạ đối với ô tô chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Đáng lưu ý, trong quá trình thực hiện, Đại sứ quán một số nước (Indonesia, Thái Lan) và Hiệp hội Eurocham có ý kiến và gặp Bộ Tài chính kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.

Chính vì thế, Bộ Tài chính trình đề xuất Chính phủ khi Nghị định số 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực (từ ngày 1/1/2021) không tiếp tục xem xét kéo dài việc giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đồng thời, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 20/11, Bộ Tài chính cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hai chủ trương sau:

Thứ nhất, đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm năm 2020 (tại 21 Thông tư của Bộ Tài chính) được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 30/6/2021. Bộ Tài chính ban hành Thông tư để có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 đảm bảo tính liên tục.

Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày ký, để kịp thời tiếp tục hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.