Không xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do Covid-19
Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thời gian vừa qua, qua phản ánh của nhiều doanh nghiệp, có khoảng 40% doanh nghiệp phải đối mặt với tình hình khó khăn và cần ít nhất một năm nữa để khôi phục sản xuất. Trên thực tế hoạt động hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi các chính sách hỗ trợ cần được triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, một số cục hải quan tỉnh, thành phố có báo cáo gửi về Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ pháp lý quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 5 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP) quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính; Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính giải thích về “Sự kiện bất khả kháng”, thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, nhằm thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố xem xét không xử phạt vi phạm hành chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên và hồ sơ vụ việc cụ thể. Cá nhân, tổ chức phải chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không ngăn được hành vi vi phạm xảy ra do dịch Covid-19...
Trước đó, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04//3/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cảnh báo không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật. Cần hiểu rõ tác động của Covid-19 với doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để đưa ra những chính sách phù hợp, nếu không sẽ có nhiều rủi ro như lãng phí nguồn lực công khan hiếm và phát ra những tín hiệu sai cho thị trường.
Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỉ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%...