Khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang diễn biến phức tạp
(Tài chính) Trong 8 tháng đầu năm 2014, cả nước có 47.450 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 289.792 tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến phức tạp
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm 2014, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 8 tháng là 6,11 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Đồng thời, trong 8 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm trong kỳ là 658.502 tỷ đồng, bao gồm số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 289.792 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp là 368.710 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2014, cả nước có 10.924 doanh nghiệp, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Số lao động dự kiến được tạo công việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm là 708.530 lao động, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp, hoặc không đăng ký của cả nước là 44.509 doanh nghiệp, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 6.365 doanh nghiệp giải thể, 7.641 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 30.503 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Hình thành xu hướng rõ rệt giữa các vùng, lĩnh vực kinh tế
Trong 8 tháng đầu năm 2014, khu vực doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trong cả nước vẫn chia làm hai xu hướng rõ rệt.
Tại vùng Tây Nguyên, quá trình gia nhập, sàng lọc và đào thải doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ với xu hướng biến động cùng tăng của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 21,5% và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình một số địa phương như: Gia Lai (tăng 15,6%; tăng 40,1%); Lâm Đồng (tăng 46,2%; tăng 85,8%).
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp tại các vùng Đồng bằng Sông Hồng; Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung; Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có chiều hướng giảm, đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể là: Hà Nam (doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,4%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 109,5%). Hòa Bình (doanh nghiệp thành lập mới giảm 33%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 61,9%). Hà Tĩnh (doanh nghiệp thành lập mới giảm 8,8%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 89,2%). TP. Hồ Chí Minh (doanh nghiệp thành lập mới giảm 11,3%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 16,1%)...
Đáng chú ý, trong bức tranh còn nhiều khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, một số địa phương có những tín hiệu tích cực khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể như: Đắc Nông (tăng 82,4%; giảm 22,6%); Bình Phước (tăng 35,4%; giảm 39,3%); Bến Tre (tăng 22,2%; giảm 44,5%); Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 5%; giảm 23,6%).
Giống với khu vực doanh nghiệp tại các vùng kinh tế, doanh nghiệp chia theo lĩnh vực hoạt động cũng có những phân tách rõ ràng. Cụ thể là:
Ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 12,4%; giảm 27,9%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 3,6%; giảm 15,9%).
Bên cạnh đó, một số ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập, cũng như số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước, gồm: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (thành lập mới tăng 46,5%, dừng hoạt động tăng 26,2%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 23,9%; tăng 6,3%); Kinh doanh bất động sản (tăng 21,5%, tăng 11,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 18,8%, tăng 30,9%); Thông tin và truyền thông (tăng 7,9%; tăng 30,9%).
Ngược lại với xu hướng trên, một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (thành lập mới giảm 18,4%%; dừng hoạt động tăng 15,81%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 13,7%; tăng 5,4%); Xây dựng (giảm 12,1%; tăng 12,9%).