Khủng hoảng cướp cơm người nghèo

TRUNG VIỆT (Theo VnEconomy)

Số người bị thiếu ăn trên toàn thế giới hiện đã lên tới hơn 1 tỷ, tương đương 1/6 dân số thế giới, một con số cao lịch sử. Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm nay, số người thiếu đói có thể tăng thêm 11%.

Đó là cảnh báo mới nhất về nạn đói trên thế giới mà Tổ chức lương nông Liên hợp quốc (FAO) vừa đưa ra. Theo FAO, nguyên nhân khiến số người thiếu ăn trên thế giới tăng mạnh là do chịu tác động của "bão" tài chính, đang làm chao đảo nền kinh tế nhiều nước, khiến thu nhập giảm và thất nghiệp tràn lan.

Đứt bữa trên diện rộng

Theo thống kê của FAO, với khoảng 642 triệu người, các nước khu vực châu Á- Thái bình dương có số người thiếu ăn cao nhất thế giới. Tiếp đến là khu vực Nam sa mạc Sahara với 265 triệu người, Mỹ Latinh và Caribe - 53 triệu người. Trung Đông và Bắc Phi có tổng cộng 52 triệu người thuộc diện này. Ngoài ra, cũng có tới 15 triệu người tại các nước phát triển phải sống trong cảnh đứt bữa.

Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, do kim ngạch xuất khẩu và các nguồn vốn đầu tư trực tiếp giảm mạnh. Theo số liệu thống kê, người dân các nước nghèo phải chi tới 60% thu nhập để mua lương thực - thực phẩm.

Tuyên bố của FAO cảnh báo đói nghèo là cuộc khủng hoảng thầm lặng, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Vì thế, FAO nêu rõ các nước cần chung vai góp sức hướng tới mục tiêu xóa đói nghèo. FAO cho rằng, 75% số người nghèo ở các nước đang phát triển sống ở nông thôn, vì vậy tăng trưởng nông nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Ngoài khoản viện trợ quốc tế có hiệu quả hơn, chính phủ các nước có thể hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong nước thông qua các chính sách như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết lập các hệ thống nghiên cứu, phát triển hữu hiệu, đồng thời khuyến khích  sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.

FAO dự định sẽ công bố báo cáo thường niên "Thực trạng bất ổn lương thực thế giới" vào tháng 10 tới. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italy) năm ngoái, các nước thành viên tổ chức này đã tái khẳng định cam kết đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc, theo đó tới năm 2015 giảm 1/2 số người bị thiếu ăn trên toàn cầu. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay, các chuyên gia hàng đầu của FAO cho rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được vào năm 2050.

Nguy cơ giá lương thực tăng đột biến

Trong một báo cáo khác mà Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và FAO phối hợp công bố mới đây, hai tổ chức này cũng cảnh báo, mặc dù việc sản xuất, tiêu thụ và buôn bán nông sản dự kiến sẽ tăng ở các nước đang phát triển, song tình trạng mất an ninh lương thực và đói kém sẽ là một vấn đề ngày càng nan giải đối với những nước nghèo trên thế giới.

Báo cáo của OECD, FAO nhận định, mặc dù khu vực nông nghiệp đang phục hồi khá nhanh sau “bão” tài chính, song nguy cơ giá lương thực tăng mạnh vẫn đang hiện hữu. Khi kinh tế bắt đầu quá trình hồi phục, nhu cầu lương thực của các nước đang phát triển tăng lên và các thị trường nhiên liệu sinh học đang nổi lên sẽ là những động lực chủ chốt hỗ trợ giá và các thị trường nông sản trong thời gian trung hạn.

Theo đó, trong những năm tới, không thể loại trừ mức tăng giá tột đỉnh tương tự như mức tăng trong năm 2008, đặc biệt là khi giá lương thực, thực phẩm ngày càng gắn chặt với giá dầu mỏ và năng lượng. Bên cạnh đó, các chuyên gia môi trường còn cảnh báo điều kiện thời tiết sẽ trở nên "đỏng đảnh" hơn cũng ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực. Các tổ chức này cho rằng giá cả của mùa vụ trung bình trong thập kỷ tới sẽ cao hơn 10-20% giá thực từ năm 1997 tới năm 2006.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo rằng, trong năm 2009 và 2010 tới đây, giá lương thực chưa thể tăng đột biến. Theo dự báo của FAO, năm 2009 thế giới sẽ có một vụ ngũ cốc bội thu lớn thứ hai trong lịch sử. Theo đó sản lượng ngũ cốc năm nay sẽ đạt 2 tỷ 219 triệu tấn so với mức kỷ lục 2 tỷ 287 triệu tấn năm 2008, lượng cung lương thực khá dồi dào. Bên cạnh đó, lượng gạo tồn kho của thế giới hiện rất lớn và tiếp tục tăng. Thay vì chỉ bảo đảm được 9,30 tuần lễ năm 2005, tồn kho gạo thế giới năm 2010 sẽ đủ bảo đảm tiêu dùng của thế giới trong 11,13 tuần lễ, tức là an ninh lúa gạo thế giới đã được cải thiện rất đáng kể.

Trong bối cảnh đó, việc giá lương thực tăng mạnh khó xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, những cảnh báo về giá lương thực nêu trên của FAO và OECD là có cơ sở.