Khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vấn đề tài khoá đối với Việt Nam
TCTC Online - Dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ trạng thái phát triển nóng sang suy giảm vào các tháng cuối năm 2008 khiến Chính phủ phải chuyển mục tiêu quản lý từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Với các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, NSNN đã chịu tác động như thế nào?
Đặc thù của nền kinh tế và hoạt động NSNN trước khủng hoảng
Đặc thù nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, vào khoảng 700-800 USD các năm 2006, 2007, tương ứng khoảng 1/3 mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc, thấp hơn ¼ mức thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan, và bằng khoảng 1/50 đến 1/40 thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản. Cơ cấu kinh tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vào cuối năm 2008, ngành nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm trên 22% tổng sản phẩm quốc nội.
Nếu tính theo tiêu chí lao động, thì tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghịêp vẫn chiếm trên 50% và trong nền kinh tế vẫn có tới trên 70% dân số sống bằng nghề này.
Do ở trình độ phát triển thấp và mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam theo đuổi mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng, tăng tốc đầu tư xã hội, nhưng tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật chất. Tổng vốn đầu tư xã hội liên tục tăng ở mức rất cao, luôn trên 10% kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cho tới nay, đặc biệt năm 2007 đã lên tới trên 27% (tính theo giá so sánh năm 1994). Nếu tính theo tỷ trọng GDP, thì mức tăng tổng vốn đầu tư xã hội là rất ấn tượng, từ dưới 20% vào những năm 1995, 1996 lên tới trên 45% vào năm 2007, đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có mức đầu tư cao nhất trên thế giới.
Đầu tư xã hội tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng; nông, lâm, ngư nghiệp và các dịch vụ phát triển các ngành sản xuất vật chất. Tổng đầu tư vào các ngành này luôn chiếm tới 2/3 tổng đầu tư xã hội, trong đó riêng đầu tư vào ngành công nghiệp và xây dựng là trên 40%. Bùng nổ đầu tư xã hội vào các ngành sản xuất vật chất giúp Việt Nam đạt được các thành quả đáng ghi nhận về tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, đóng góp của đầu tư vốn vào tổng sản phẩm quốc nội hiện đang ở mức trên 52,7%, lao động là 19,1%... Tuy nhiên, mở rộng đầu tư trong một thời gian ngắn, với các điều kiện của một nền kinh tế chuyển đổi, ở đó cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, khó có thể tránh khỏi những bất cập nhất định về chất lượng tăng trưởng: Chi phí sản xuất gia tăng; thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề; trình độ quản lý, quản trị hạn chế; sức cạnh tranh thấp; các hoạt động thương mại quốc tế chủ yếu dừng ở mức độ gia công, xuất khẩu hàng hoá thô, giá trị gia tăng thấp; các vấn đề môi trường nảy sinh...
Mở rộng đầu tư xã hội trong điều kiện khu vực tài chính của đất nước chưa phát triển, các thành phần kinh tế phi nhà nước còn non trẻ, nên đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng lớn.
Mặc dù tiết kiệm nội bộ nền kinh tế ở mức tương đối cao, song do nhu cầu đầu tư lớn, nên nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tăng nhanh chóng và chiếm tới 31,4% tổng đầu tư xã hội vào năm 2008.
Theo đuổi định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và hội nhập kinh tế thế giới, độ mở và sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thị trường thế giới cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, là một nước đi sau và trình độ phát triển còn nhiều hạn chế, nên thương mại quốc tế hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công và xuất khẩu hàng hóa, nguyên liệu thô.
Đặc thù NSNN
Nguồn thu
Nhờ tăng trưởng kinh tế ở mức cao với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế và sự bùng nổ thương mại quốc tế, cùng giá dầu leo thang, nguồn thu NSNN của Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng nguồn thu luôn trên 20%, trừ năm 2007, 2005 và thường cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế cộng chỉ số giá bình quân năm, trừ năm 2007, 2008.
Do tốc độ tăng trưởng nguồn thu tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá bình quân, nên qui mô thu tính theo % GDP cũng tăng mạnh, từ khoảng 23% năm 2002 lên 28,7% và hạ chút ít vào các năm 2007, 2008, ở các mức tương ứng là 27,6% và 27% GDP.
Cũng như các nền kinh tế khác ở giai đoạn đầu phát triển, thu NSNN của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thu hải quan, thu từ các cơ sở SXKD. Bên cạnh đó, là nước xuất khẩu dầu thô, nên thu từ dầu thô cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu của Chính phủ. Thu từ tài sản, từ thuế thu nhập cá nhân, các khoản phí tương đối hạn chế. Cho tới năm 2008, tỷ trọng thu dầu thô và thu hải quan trong tổng thu NSNN vẫn chiếm tới 48%, trong đó thu từ dầu thô chiếm 25% và thu hải quan chiếm 23%. Điều này cho thấy thu NSNN phụ thuộc đáng kể vào thị trường thế giới.
Tỷ trọng thu từ các cơ sở kinh tế trong nước năm 2008 chiếm 39% tổng thu NSNN, trong khi đó thu thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm 3%, các khoản phí, lệ phí và thu từ nhà đất chiếm khoảng 10% tổng thu, do vậy nguồn thu trong nước cũng rất nhạy cảm với các biến động kinh tế.
Đặc thù chi NSNN và cân đối NSNN
Do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, thể chế tài chính chưa hoàn thiện và do tốc độ tăng giá trong nền kinh tế tương đối cao, nên áp lực tăng chi NSNN là rất lớn.
Với các điều kiện tương đối thuận tiện về nguồn thu NSNN, chi NSNN thực tế cũng tăng nhanh, với tốc độ cũng cao hơn tăng trưởng kinh tế cộng chỉ số giá bình quân trong năm, trừ năm 2008. Hệ quả là qui mô chi tính theo % GDP từ 24,7% năm 2000 đã lên tới 32% năm 2008.
Chi đầu tư phát triển, 90% là chi XDCB là đối tượng ưu tiên của chi NSNN. Tuy nhiên, do các vấn đề xã hội nảy sinh cùng với những biến động về giá cả và tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới các vấn đề xã hội, nên đã có những điều chỉnh đáng kể trong thời gian trước khủng hoảng. Tuy nhiên, vào năm 2008, chi đầu tư vẫn chiếm tới ¼ tổng chi NSNN.
Chi thường xuyên chủ yếu mới tập trung vào việc cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó chi giáo dục là khoản chi chính, chiếm tới ¼ chi thường xuyên vào năm 2008. Tiếp đó là chi lương hưu, bảo đảm xã hội; chi quản lý hành chính; chi y tế. Chi an sinh xã hội chủ yếu là chi lương hưu. Chi cho các đối tượng xã hội do biến động kinh tế xã hội còn hạn chế và phụ thuộc vào những điều chỉnh cơ chế, chính sách, chế độ chi hơn là những thay đổi có tính chất tự động.
Mặc dù nguồn thu tăng mạnh, nhưng do nhu cầu chi lớn, nên áp lực cân đối NSNN là vấn đề thường trực. Cộng với qui trình ngân sách nhà nước truyền thống, theo năm và giới hạn bội chi NSNN là 5% GDP, nên mức bội chi thực tế luôn tiệm cận ở giới hạn cho phép. Nói cách khác, khả năng điều chỉnh ngân sách theo các biến động kinh tế xã hội trong và ngoài nước rất hạn chế. Chi NSNN nói chung tăng khi điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi và khó tăng để hỗ trợ nền kinh tế trong các giai đoạn kinh tế khó khăn.
Tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới NSNN.
Các tác động đối với nền kinh tế
Tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nền kinh tế Việt Nam có độ trễ đáng kể. Trong khi khủng hoảng đã diễn ra ở nhiều nền kinh tế công nghiệp phát triển trên thế giới, thì ở Việt Nam, tăng trưởng nóng với chỉ số giá các tháng đầu năm luôn ở mức cao buộc Chính phủ phải áp dụng hàng loạt các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, hạ nhiệt nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự đảo chiều đã diễn ra vào giữa năm, khi tốc độ tăng chỉ số giá các tháng bắt đầu giảm (từ tháng 7) và chuyển sang giảm vào những tháng cuối năm. Những bất thường đã diễn ra trong khu vực hoạt động thương mại, khi kim ngạch xuất khẩu giảm vào các tháng cuối năm (trừ tháng 12) trong khi đây thường là thời điểm tăng trong năm. Tăng trưởng kinh tế các quí 2,3,4 năm 2008 cũng đã giảm hẳn so với mức tăng trưởng 7,49% trong quí 1 của năm, đưa tăng trưởng cả năm 2008 xuống 6,18%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 8,44% năm 2005; 8,23% năm 2006 và 8,46% năm 2007.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, đã có điều chỉnh ở cả chính sách thu và chi theo hướng giảm bớt gánh nặng đóng góp cho các chủ thể kinh tế, giảm bớt chi phí SXKD; đồng thời tăng chi đầu tư, chi an sinh xã hội.
Mặc dù vậy, suy thoái kinh tế vẫn diễn ra. Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 3/2009, trong 13 mặt hàng chủ lực thì kim ngạch xuất khẩu của 12 mặt hàng đều giảm mạnh từ 10 đến trên 20. Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng ước chỉ đạt 13497 triệu USD (nếu loại trừ xuất khẩu vàng thì chỉ đạt 11210 triệu USD)… Nhập khẩu cũng giảm mạnh, với kim ngạch nhập khẩu 3 tháng là 11832 tỷ USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2008 .
Tổng vốn đầu tư xã hội quí 1/2009 cũng chỉ đạt 116,3 nghìn tỷ đồng; tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (con số đó năm 2008 là 15,9%). Nguyên nhân chính là do đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh (giảm 32% so với cùng kỳ). Nguồn FDI đăng ký mới trong quí 1 năm 2009 giảm tới 69,7% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng kinh tế quí 1/2009 chỉ đạt 3,1%, mức thấp nhất so với nhiều năm trước đây và chỉ bằng 41% tốc độ tăng trưởng quí 1 năm 2008.
Nền kinh tế đã có những cải thiện nhất định và được đánh giá là đã vượt qua đáy của suy giảm kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế quí 2 là 4,5%; quí 3 là 6,04%; quí 4 là 6,9%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm cũng chỉ đạt 5,32%, thấp hơn nhiều so với dự kiến khi xây dựng dự toán NSNN là 6,5%. Xuất nhập khẩu cũng không đạt dự kiến. Xuất khẩu cả năm giảm 9,7% (dự kiến tăng 13% ); nhập khẩu giảm 14,7 % (dự kiến tăng 16%).
Tác động tới NSNN
Tác động tới thu NSNN:
Khủng hoảng trước hết ảnh hưởng tới dự toán thu NSNN. Khác với các năm trước, dự toán thu NSNN năm 2009 được xây dựng khá khiêm tốn. So với thu NSNN thực hiện năm 2008, dự toán thu NSNN năm 2009 giảm 2,3%, thu dầu thô giảm 35% và thu hải quan giảm 3,1%, song thực hiện dự toán thu NSNN vẫn rất khó khăn.
Quí I thu NNSN chỉ đạt 18,5% dự toán cả năm, trong đó thu dầu thô đạt mức thấp nhất, khoảng 16%. Thu dầu thô giảm mạnh là do giá dầu thô trên thị trường thế giới tụt dốc, bình quân quí 1 chỉ đạt 45USD/thùng (dự toán là 70USD/thùng) mà nguyên nhân là vì kinh tế thế giới thu hẹp, nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh. Thu xuất nhập khẩu quí 1 cũng chỉ đạt 18,4% dự toán.
Cùng với những tiến triển của nền kinh tế, nguồn thu NSNN cũng được cải thiện. Thu NSNN quí 2 đạt 43,9% dự toán, quí 3 đạt 70,4% dự toán và cả năm hoàn thành dự toán thu NSNN. Nguồn thu từ dầu thô cũng có những tiến triển tích cực do giá dầu thô tăng dần. Tính chung cả năm thu dầu thô đạt 86,7% dự toán. Thu hải quan vượt dự toán 1,5%.
Như vậy, khủng hoảng đã có tác động rõ rệt tới thu NSNN năm 2009. Trong khi tốc độ tăng trưởng thu NSNN thực hiện hàng năm trước đó luôn trên 20%/năm (trừ năm 2005 là 19,5%; năm 2007 là 13%), thì thu NSNN năm 2009 lại giảm 2,1% so với năm 2008. Kết quả này là có thể hiểu được trong bối cảnh nguồn thu phụ thuộc đáng kể vào thu dầu thô, thu hải quan mà khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm thu dầu thô giảm tới 41% so với thu dầu thô thực hiện năm 2008. Năm 2009 cũng là năm có tốc độ tăng trưởng thu hải quan âm trong nhiều năm trở lại đây (-4,4%).
Tác động tới chi NSNN:
Mặc dù chưa có tác động rõ ràng, tuy nhiên, do nguồn thu giảm, do các tác động thu hẹp hoạt động kinh tế xã hội và do mặt bằng giá ở mức tương đối cao, nên dự toán chi NSNN năm 2009 được xây dựng ở mức tương đối thấp, chỉ tăng so với thực hiện năm 2008 là 3,6%, chi đầu tư giảm 4,2% so với thực hiện năm 2008, còn chi thường xuyên tăng 4,18%, trong đó số tăng chi này tập trung cho các nhiệm vụ chính như chi thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; chi điều chỉnh tiền lương.
Trong quá trình điều hành, do khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra trầm trọng hơn nhiều so với các dự đoán ban đầu, Chính phủ đã ban hành các chính sách chi tiêu kích cầu đầu tư, tiêu dùng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và được Quốc hội cho phép tăng bội chi NSNN tới 7%, nên chi NSNN đã được điều chỉnh tăng, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 22.700 tỷ đồng, kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh tăng 26.705 tỷ đồng (so với dự toán). Tổng chi NSNN năm 2009 ước đạt 533.005 tỷ đồng, tăng 8,5% (41.705 tỷ đồng) so với dự toán và tăng 12,4% so với chi thực hiện năm 2008.
Về chi đầu tư phát triển, do đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, đầu tư khu vực Nhà nước đã được định hướng điều chỉnh tăng nhằm hỗ trợ tổng cầu trong nền kinh tế. Tổng chi đầu tư phát triển từ NSNN thực tế đạt 135.500 tỷ đồng, tăng 20,1% (22.700 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó chi XDCB đạt 128008 tỷ.
Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các dự án ODA và mở rộng tín dụng nhà nước, nguồn vốn đầu tư nhà nước đã tăng mạnh, tới 40,5% so với cùng kỳ năm trước, bù trừ phần lớn các tác động giảm đầu tư khu vực có vốn nước ngoài. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư xã hội theo giá thực tế cả năm 2009 vẫn đạt 704,2 tỷ đồng, tương ứng 42,8% GDP.
Chi thường xuyên đạt 332.605 tỷ đồng, tăng 23,5% so với dự toán. Số tăng chi ngoài dự toán chủ yếu là kinh phí phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chi bù lỗ kinh doanh dầu năm 2008 chưa xử lý hết, chi hỗ trợ của NSTW cho các địa phương để bù giảm thu cân đối NSĐP do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế theo chương trình kích thích kinh tế và thực hiện chế độ khuyến khích cho các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu theo quy định của Luật NSNN.
Trong khi bội chi NSNN dự toán được xây dựng trong giới hạn 5% cho phép của Luật NSNN, thì việc tăng chi do các chính sách kích thích kinh tế mà nguồn thu không tăng đã làm cho bội chi NSNN vọt lên 6,9% GDP, tăng 28.600 tỷ đồng so với dự toán.
Một số vấn đề NSNN hiện nay
Có thể nói, về cơ bản, việc điều hành chính sách tài khóa năm 2009 đã đáp ứng được các yêu cầu cấp bách của nền kinh tế. Các giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã nhận được sự đồng thuận và tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, gói kích thích kinh tế đã phát huy tác dụng, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua được khó khăn, bước đầu có những chuyển biến tích cực và có dấu hiệu phục hồi: tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm ước đạt 4,56%, quý sau cao hơn quý trước , mức tăng trưởng cả năm đạt 5,32%, cao hơn chỉ tiêu đề ra (tăng 5%); kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bảo đảm được các cân đối lớn; sản xuất công nghiệp, xây dựng dần phục hồi và liên tục tăng; khu vực dịch vụ giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh; tình hình chính trị, xã hội ổn định, công tác an sinh xã hội được chú trọng, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững...
Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính đã đặt ra một số vấn đề đối với NSNN của Việt Nam:
- Thách thức lớn trong cân đối NSNN:
Nguồn thu NSNN chưa có khả năng tăng nhanh trở lại, một mặt do bản chất thu NSNN có độ trễ, thu NSNN hôm nay được tính theo các kết quả hoạt động kinh tế đã diễn ra trước đó; mặt khác khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự thu hẹp thương mại quốc tế tiếp tục có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các nguồn thu nội địa, thu hải quan. Thêm vào đó, giá dầu vẫn ở mức thấp so với mức đỉnh điểm năm 2008 và sự suy giảm sản lượng dầu xuất khẩu, nhập khẩu (cùng với sự ra đời của các nhà máy lọc dầu trong nước) cũng hạn chế nguồn thu từ dầu thô và thu thuế nhập khẩu xăng dầu trong các năm tới (khoản hụt thu này có thể được bù đắp phần nào bằng nguồn thu từ các nhà máy lọc dầu trong nước).
Trong khi đó, các áp lực chi có xu hướng mạnh hơn. Một mặt, việc triển khai chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nới lỏng đã gây áp lực lên việc điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tạo nguy cơ lạm phát trong thời gian tới. Nguy cơ lạm phát, đến lượt nó, lại tạo áp lực đối với tăng chi an sinh xã hội, chi tiền lương.
Mặt khác, các mất cân đối trong mô hình đầu tư theo chiều rộng, với các nút thắt về cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải, điện nước, về lao động có kỹ năng và trình độ quản lý nền kinh tế đặt ra các yêu cầu chi không thể trì hoãn do các nút thắt này đang tạo áp lực lớn đối với chi phí sản xuất kinh doanh và chất lượng hàng hóa sản phẩm trong nền kinh tế. Bội chi NSNN năm 2009 lên tới 6,9% và dư nợ chính phủ lên 40% GDP cũng tạo các áp lực chi trả nợ lớn hơn trong thời gian tới.
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động tiêu cực tới quá trình cải cách
Chính sách kích cầu của Chính phủ, như đã đề cập, đã có tác dụng tích cực trong việc bù đắp những sụt giảm về đầu tư nước ngoài và hoạt động thương mại quốc tế, duy trì tổng cầu và tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, các chính sách kích cầu và việc mở rộng đầu tư khu vực nhà nước có tác động nhất định tới quá trình cải cách trong nước. Qui mô đầu tư nhà nước tăng trở lại, từ 28,9% tổng đầu tư xã hội năm 2008 lên 34,8%. Sự gia tăng này sẽ tiếp tục trong vài năm tới vì nhiều dự án đầu tư là các dự án dài hạn. Vì hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước thấp nhất trong nền kinh tế, nên việc gia tăng nguồn vốn đầu tư xã hội vào khu vực kinh tế nhà nước năm 2009 có thể làm trầm trọng hơn tính kém hiệu quả của nền kinh tế hiện nay.
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng cho thấy rõ hơn các bất cập của khu vực NSNN Việt Nam
Thứ nhất, quản lý ngân sách ngắn hạn hạn chế khả năng sử dụng công cụ NSNN trong bình ổn nền kinh tế trước các biến động kinh tế- xã hội trong và ngoài nước. Việc điều hành NSNN hàng năm, theo đó các quyết định thu – chi được thực hiện ở giới hạn bội chi tối đa cho phép, hạn chế khả năng tăng chi NSNN hỗ trợ nên kinh tế khi các điều kiện kinh tế - xã hội trở nên khó khăn. Ngay cả khi Quốc hội đồng ý cho phép tăng bội chi NSNN, thì việc đề xuất, thảo luận, phê chuẩn của Quốc hội cũng hạn chế tính kịp thời của công cụ NSNN. Thêm vào đó, việc luôn duy trì bội chi ở mức cao, khủng hoảng diễn ra với việc tăng hơn nữa bội chi NSNN có thể làm cho nợ chính phủ trở nên nghiêm trọng.
Thứ hai, tính tự ổn định của công cụ chi NSNN của Việt Nam còn rất hạn chế, do thiếu vắng các chế độa n sinh xã hội với các điều kiện thụ hưởng tùy thuộc vào các biến động kinh tế - xã hội.
Thứ ba, mô hình đầu tư phát triển theo chiều rộng không chỉ làm tăng sự phụ thuộc của nên kinh tế vào nguồn đầu tư nước ngoài, mà những bất cập về trình độ, kỹ năng lao động, về chất lượng sản phẩm cũng hạn chế nền kinh tế phục hồi trong khủng hoảng khi cạnh tranh trở nên gay gắt hơn với các rào cản kỹ thuật được dựng lên.
Thứ tư, nguồn thu hạn chế, chưa ổn định vững chắc có ảnh hưởng đáng kể tới việc quản lý, điều hành chi NSNN, tới hiệu quả, hiệu lực của công cụ NSNN.