Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp:

Khuyến khích chứ không phải là ban phát ngân sách

Theo Hồng Nhung/baokiemtoannhanuoc.vn

Đã qua 7 năm thực hiện, trong đó có 4 năm nhận được nhiều ưu đãi bổ sung, thế nhưng cho đến nay, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp vẫn gặp khó.

Tính đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Nguồn: internet
Tính đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Nguồn: internet
Với 16 bước thực hiện và được điều chỉnh bởi khoảng 40 văn bản liên quan để triển khai một dự án đầu tư vào nông nghiệp, có thể nói, đây là một quy trình khiến các DN rất dễ nản lòng, trong khi lĩnh vực này còn bị đánh giá là có mức độ rủi ro cao. Hệ quả tới thời điểm này, chỉ có dưới 1% DN đầu tư vào nông nghiệp. Những quy định gây nản lòng

Sự ra đời Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210) thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy công nghệ sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn chỉ là những con số khiêm tốn. 

Theo báo cáo của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tính đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số DN cả nước. Năm 2015, số DN ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cao hơn 11,3% so với số DN thành lập mới. Phần lớn các DN nông nghiệp có quy mô vốn nhỏ và vừa, thậm chí có tới 50% DN nông, lâm, thủy sản có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động.

Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của các DN này thấp, 75% DN đang sử dụng máy móc hết khấu hao, DN siêu nhỏ vẫn loay hoay với những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ. Đặc biệt, năng lực kết nối với nông dân, đối tác, khả năng tìm kiếm và tiếp cận thị trường, thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế... của các DN này cũng rất hạn chế.

Đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước. NSNN giải ngân cho lĩnh vực này cũng rất hạn hẹp. Nếu như năm 2015, ngân sách trung ương hỗ trợ thí điểm 200 tỷ đồng cho 21 địa phương thực hiện thu hút 40 dự án nông nghiệp với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng thì năm 2016 con số này chỉ là 185 tỷ đồng, được giải ngân thông qua chương trình mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng chưa tương xứng với tiềm năng.

Kết quả khảo sát cuối năm 2016 của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đối với các DN nông, lâm, thủy sản về mức độ khó khăn, vướng mắc trong các chính sách liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, có tới 80,9% DN gặp khó trong tiếp cận khoa học công nghệ (56,2% đặc biệt khó khăn), 63,5% DN khó khăn trong tiếp cận đất đai, 70,1% DN khó khăn khi vay vốn tín dụng (49,4% rất khó hoặc không thể vay), 49,7% DN vướng mắc trong thực thi các chính sách thuế, phí (26% đặc biệt khó khăn), 65,4% DN khó khăn khi triển khai chính sách thương mại và thị trường (44,3% đặc biệt khó khăn)…

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập từ chính các quy định của Nghị định 210, một nghị định vốn được đặt ra với không ít kỳ vọng trước đó.

Theo Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc, Nghị định trên chỉ giới hạn đối tượng là DN, trong khi chưa huy động được sự tham gia phù hợp của các thành phần kinh tế khác. Điều kiện được thụ hưởng chính sách khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định, chẳng hạn: để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu (khoản 2 Điều 16) hay quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương (Điều 14 đến Điều 16)…

Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần và DN phải sử dụng cả nguyên liệu của các địa phương khác. Cùng với đó, nguồn kinh phí ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách còn thấp và chậm; nhiều dự án không nhận được ưu đãi do ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ dự án trên 2 tỷ đồng. Trong khi đó, đa số DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 

Thực tế, số vốn hỗ trợ từ NSNN, kể cả trung ương và địa phương trong 3 năm qua thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Hầu hết các địa phương còn khó khăn trong cân đối ngân sách nên chưa quan tâm dành từ 2-5% ngân sách để thực hiện quy định tại Điều 17 của Nghị định 210. Đặc biệt là năm 2017, khi Chính phủ có chủ trương giao tổng số vốn ngân sách trung ương để các địa phương chủ động bố trí thì phần ưu tiên thường được dành cho các dự án phát triển hạ tầng, rất ít phân bổ cho các dự án nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cho việc đầu tư vào nông nghiệp còn phức tạp, đặc biệt là các “giấy phép con” vẫn tồn tại khá nhiều. Những chính sách thiết thực mà DN rất cần lại chưa được đề cập đầy đủ và toàn diện, như: chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực…

Đừng để chính sách khuyến khích biến thành chính sách ban phát 

Có thể thấy, những hạn chế và vướng mắc nêu trên đã và vẫn đang tạo ra những rào cản, khó khăn khiến Nghị định 210 chưa thực sự đi vào cuộc sống cũng như không đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra của Chính phủ khi xây dựng chính sách này. Chính vì vậy, việc đánh giá, xem xét sửa đổi và xây dựng khung chính sách mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn là rất cần thiết.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, chính sách cần thay đổi cách tiếp cận bởi lâu nay đó là cách làm mang tính ban phát. Ông Thiên đề xuất, việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nên theo hướng giảm bớt xin - cho bằng tiền. Thay vào đó, chúng ta nên chuyển sang chính sách khuyến khích chứ không phải cơ chế ưu đãi vốn được áp dụng lâu nay. “Cách hỗ trợ bằng tiền dễ sinh tệ nạn. Hướng cơ chế, chính sách làm sao để khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, DN thấy đó là không gian phát triển chứ không phải kiểu ưu đãi nông dân. Nhà nước yêu nông dân, ưu đãi, cho rất nhiều, nhưng cứ cho mãi thì biến thành nền nông nghiệp giải cứu”.       
  
Là DN đầu tư vào lĩnh vực giống cây trồng, thủy sản, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Nguyễn Khắc Hải cũng cho rằng, xây dựng chính sách theo hướng kiến tạo chứ không phải phân bổ nguồn lực, chính sách phải tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch. “Quan trọng là yếu tố khả thi, tính thị trường, chứ để lấy được 5-10 tỷ đồng từ tiền hỗ trợ mà phải qua hàng chục bước như thế thì rất mất thời gian” - ông Hải nói.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cũng chia sẻ, việc sửa đổi chính sách là để thúc đẩy, không phải theo hướng cho tiền. Theo ông Báo, để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, bên cạnh việc coi DN là chủ thể của nền sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt miễn thuế VAT cho tất cả các loại nông sản, miễn phí nhập khẩu, xuất khẩu các loại nông sản, thiết bị phục vụ nông nghiệp…

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn kiến nghị: Nghị định cần hạn chế hỗ trợ trực tiếp từ NSNN, xóa bỏ cơ chế xin - cho thông qua việc bỏ quy trình phê duyệt dự án, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, tạo cơ chế để các bên chủ động tham gia. Cùng với đó, loại bỏ toàn bộ các thủ tục phải trình lên cấp Bộ phê duyệt.

Tại cuộc Tọa đàm “Tích tụ ruộng đất, được và mất?” diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, điều quan trọng là phải rà soát, điều chỉnh chính sách về đất đai. Thực tế hiện nay, theo nhìn nhận của các chuyên gia, đất công không còn. Khi có nhu cầu sử dụng, Nhà nước hay DN đều phải mua lại quyền sử dụng đất của người dân nhưng lại né tránh khi dùng cụm từ “đền bù, bồi thường”. Chính sự “lửng lơ” này đã khiến cho việc tích tụ, tập trung đất đai gặp nhiều khó khăn. 

Bài học từ những vụ việc đã qua cho thấy, dịch chuyển đất không tạo ra bất ổn nếu Nhà nước không can thiệp quá sâu vào giao dịch tự nhiên của thị trường. Vì thế, để hạn chế xảy ra xung đột, Nhà nước tránh dùng mệnh lệnh hành chính để hỗ trợ DN trong tích tụ đất đai, ngược lại cần để việc này diễn ra một cách tự nhiên, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan theo đúng quy luật kinh tế thị trường. 

Mới đây, tại Hội thảo: “Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Cần phải khẳng định DN là chủ thể dẫn dắt trong liên kết chuỗi giá trị của nông nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, ở tầm Nghị định này, phải tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, tháo nút thắt và cách tiếp cận cơ chế về tín dụng và chính sách đất đai.

Cơ quan quản lý cần nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, nhất là thủ tục hành chính không gây khó khăn phiền hà, tiếp tục phân cấp và minh bạch, không để trục lợi về chính sách”. Hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Nghị định và tham vấn ý kiến các bên liên quan, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9/2017.

Chính sách luôn có vai trò đặc biệt quan trọng để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp hay bất kỳ một lĩnh vực nào của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu cứ tái diễn tình trạng “thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà” như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, thì e rằng những mục tiêu của chính sách vẫn mãi nằm trên giấy.

Tóm lại, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nên theo hướng kiến tạo hơn là phân bổ nguồn lực, tức là cần hạn chế tối đa việc sử dụng hỗ trợ bằng ngân sách mà nên tập trung nguồn lực thông qua ưu đãi về chính sách thuế (vốn không dùng đến ngân sách). Chỉ khi nào các giải pháp được triển khai đồng bộ và môi trường kinh doanh tạo lập được sự công bằng, bình đẳng thì chủ trương thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp mới có thể đạt mục tiêu một cách bài bản, thực chất.