Khuyến khích mua sắm tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước
(Tài chính) Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại cuộc họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định mua sắm tài sản nhà nước hiện hành, góp phần đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ đang yêu cầu ban hành quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung để thay thế cho Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc xây dựng quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Đấu thầu; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung vào dự thảo nội dung khuyến khích mua sắm tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về kinh phí (không sử dụng ngân sách nhà nước); các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Bộ Tài chính được giao khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện mua sắm tập trung theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 129 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9600/VPCP-KTTH ngày 2/12/2014, công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ mua sắm tập trung và quy trình thực hiện mua sắm tập trung để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, với những nội dung đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành do vượt thẩm quyền hoặc cần có hiệu lực pháp lý cao hơn, Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tham gia tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo; lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện nay, chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã được quán triệt tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI).