Kịch bản nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2018?
Liệu trong năm 2018, nếu tín dụng tăng không cần quá cao thì nền kinh tế có thể sẽ vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao như năm 2017 hay không?
Có thể tăng 18%-20%?
Năm 2017, thị trường kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh và đạt được tỷ lệ trên 20% để hỗ trợ thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, những con số ước tính mới đây lại cho thấy, dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt mức nới room là 21% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt kế hoạch 6,7%.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Tăng trưởng ngoạn mục năm 2017, điều kỳ diệu sẽ tiếp tục năm 2018?” mới đây, TS. Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) cho rằng, mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%.
“Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, năm 2017 này, ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 đến 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng”, TS. Phước nhận định.
Theo Chủ tịch NFSC, vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng là như thế nào. Thời gian qua có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều.
“Vốn vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Vốn FDI, FII vào Việt Nam tương đối lớn. Tương quan giữa tín dụng và lạm phát có nhiều nhân tố. Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ”, ông Phước đánh giá.
Liên quan đến câu hỏi, liệu trong năm 2018, nếu tín dụng tăng không cần quá cao thì nền kinh tế có thể sẽ vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao như năm 2017 hay không, TS. Phước cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng và đương nhiên, tuy nhiên, năm nay, chúng ta nên chủ trương tập trung chỉ đạo tăng cường sản xuất kinh doanh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
“Chúng tôi tính toán và thấy rằng trong vài ba năm tới, nếu tín dụng ở Việt Nam tăng ở mức 18-20%, đương nhiên là với giả định kinh tế thế giới như hiện nay, thì không áp lực nhiều cho ổn định vĩ mô. Vì đối với đất nước chúng ta, nguồn lực vốn cho đầu tư vẫn là một nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế”, TS. Phước cho biết.
Nói về vấn đề tỷ giá trong năm qua, Chủ tịch NFSC cho biết, có một hiện tượng khá thú vị là năm nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã tăng lãi suất 3 lần, nhưng đồng USD lại mất giá bình quân 7% trong rổ tiền tệ.
“Điều này có thể được giải thích bằng chủ trương hạn chế nhập siêu của Mỹ. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố mong muốn một đồng USD yếu như là công cụ để thực hiện việc cân bằng cán cân thương mại. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam, đồng USD tăng xấp xỉ 1,4%, theo tôi, đã góp phần tạo ra lợi thế cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam”.
Dự báo về tỷ giá năm 2018 của đồng USD so với VNĐ, TS. Phước cho rằng, điều này phụ thuộc nhiều vào đồng USD trên thị trường thế giới, vào cán cân thương mại Việt Nam, các dòng vốn vào ra,…
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, USD tăng 1,5 đến 2% là có thể chấp nhận được.