Kịch bản phục hồi thị trường bất động sản: Bài học từ Trung Quốc
Thị trường bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những tín hiệu hồi phục mở ra những triển vọng tốt cho thị trường trong nước.
Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường JLL đã phát đi báo cáo cho thấy thị trường Trung Quốc - quốc gia ghi nhận sự khởi phát của đại dịch COVID-19 trước khi lây lan ra toàn cầu đang có những tín hiệu hồi phục sau thời gian “đóng băng” do dịch bệnh.
Những điểm sáng
Về bối cảnh, Trung Quốc là thị trường đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, JLL ước tính, lệnh đóng cửa biên giới các thành phố và hạn chế đi lại đã làm cho tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 6,8% trong quý đầu năm 2020.
Hai tháng sau khi các biện pháp chống dịch được áp dụng, ổ dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, diễn biến ở các nơi khác trên thế giới cho thấy loại virus khó lường này có thể dễ dàng xuất hiện trở lại. Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc hiện đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong khi cả thế giới đang siết chặt.
Theo thông tin từ JLL thì sau thời gian “đứng hình” khi COVID-19 bùng phát đỉnh điểm thì hiện nay, nhiều ngành công nghiệp truyền thống đang dần trở lại hoạt động bình thường. Các nhân viên văn phòng đã bắt đầu quay lại làm việc ở các thành phố lớn. Điều này giúp khối lượng cho thuê văn phòng tăng trưởng chậm lại và các công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê.
Các trung tâm thương mại tại Trung Quốc ghi nhận việc đang dần quay lại hoạt động với các biện pháp phòng dịch như kiểm tra nhiệt độ và bắt buộc giữ khoảng cách. Hoạt động cho thuê vẫn đang chững lại và tác động của tình hình dịch bệnh lên thị trường bán lẻ dự báo sẽ còn kéo dài đến quý II/2020.
Một số điểm đáng lưu ý cũng được JLL nhắc đến trong báo cáo là việc các thương hiệu quốc tế đang tiếp tục trì hoãn kế hoạch mở rộng, trong khi các cửa hàng tạp hóa và siêu thị đang được hưởng lợi vì là dịch vụ thiết yếu. Các nhà bán lẻ đã đẩy nhanh việc áp dụng bán hàng trực tuyến vì người tiêu dùng ngại đến các khu vực mua sắm đông đúc.
Nhu cầu về kho lạnh được JLL dự báo sẽ tăng cao do xu hướng giao hàng thực phẩm tươi tăng tốc. Ngành hậu cần vẫn tương đối năng động trong thời gian dịch bệnh nhờ nhu cầu thuê từ các công ty thương mại điện tử.
Đối với thị trường du lịch, báo cáo JLL cho thấy có 87% lượng khách sạn tại Trung Quốc hiện đã mở cửa trở lại, mặc dù hầu hết đều báo cáo tỷ lệ lấp đầy thấp (dưới 30%). Chính sách hạn chế di chuyển liên tỉnh và cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài vẫn còn được áp dụng. Các khu nghỉ mát nằm gần các thành phố lớn đang có dấu hiệu phục hồi.
Đối với thị trường vốn, JLL cho biết, các nhà đầu tư vẫn đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc. Trong khi dịch bệnh có thể đã hoãn một số thỏa thuận, các cuộc đàm phán khác vẫn được thúc đẩy với sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư ít quan tâm đến tình hình hiện tại mà chú ý hơn đến tiềm năng dài hạn của một số thành phố.
Theo JLL nhận định, COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp; tuy nhiên nó cũng đã tạo ra các cơ hội tăng trưởng tiềm năng. Tại Trung Quốc, ghi nhận việc các ngành công nghiệp cung cấp các dịch vụ thiết yếu vẫn hoạt động tốt và JLL đánh giá nhóm ngành này sẽ thúc đẩy thị trường cho thuê khi tình hình ổn định.
Kỳ vọng của Việt Nam về sự hồi phục dây chuyền
Cũng giống như tại Việt Nam, thị trường Trung Quốc đang ghi nhận việc đại dịch COVID-19 đã tạo ra một xu thế mới khi các chủ bất động sản cho thuê hiện bắt đầu tập trung hơn vào việc phát triển công nghệ bất động sản, nhất là các ứng dụng liên quan đến sức khỏe cho tòa nhà như camera thân nhiệt và hệ thống điều khiển tòa nhà kỹ thuật số. Song song với đó, người thuê cũng đã được trang bị tốt hơn bằng cách đầu tư vào các giải pháp trực tuyến để khuyến khích làm việc từ xa.
Bên cạnh đó, theo JLL, dữ liệu lớn, nền tảng đám mây và trí tuệ nhân tạo cũng được chứng minh là các dịch vụ thiết yếu trong thời gian dịch. Với một thị trường cơ sở tiêu dùng nội địa khổng lồ, khu vực kinh tế kỹ thuật số thế hệ tiếp theo dường như đã cho thấy sự vượt qua cơn bão COVID-19 tương đối tốt. Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ này cũng được kỳ vọng phát triển.
Những tín hiệu khả quan nhất định của nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới cạnh Việt Nam, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản đang mở ra những kỳ vọng về sự hồi phục dây chuyền cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản trong nước nói riêng khi mà việc giao thương Việt -Trung được khơi thông trở lại và Việt Nam đang là một trong những hình mẫu quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc khống chế đại dịch COVID-19.
Nhận định về những triển vọng này, mới đây, tại Hội nghị Quốc tế online (Webinar) do FIABCI Asia Pacific tổ chức tại Malaysia thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group cũng đã nêu quan điểm thị trường bất động sản Việt Nam dù bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn sẽ có rất nhiều điểm sáng và sẽ là ngành hứa hẹn phục hồi sớm nhất.
Theo đó, những điểm sáng đã được ông Bình chỉ ra cho trị trường bất động sản Việt Nam hậu COVID-19 gồm phương thức làm việc mới theo công nghệ số, online. Bất động sản Việt Nam cũng sẽ thích ứng theo xu thế này (bán hàng online, các dịch vụ online…); các sản phẩm bất động sản xanh, gần gũi với môi trường, có tính riêng tư như nhà ở riêng lẻ (biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng, trang trại) sẽ có cơ hội lớn.
Đặc biệt, hai phân khúc bất động sản công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng trước hết dựa trên sự chuyển dịch sản xuất, nguồn cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...