Kịch bản sáp nhập ngân hàng 2015
(Tài chính) Sau đợt chững lại của thị trường M&A ngành ngân hàng (NH) năm 2014, với những tín hiệu được phát đi từ cơ quan quản lí và cái đích 2015 trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH đã cận, nhiều thương vụ đang hứa hẹn khuấy động sóng mua bán, hợp nhất trên thị trường.
Trong một bản tin đăng tải trên website chính thức của NH Nhà nước sbv.gov.vn hôm 15/1/2015, NHNN đề cập đến 6 thương vụ M&A dự kiến có thể diễn ra vào năm 2015.
Kịch bản mở
Trước đó, nhiều nguồn tin, dẫn từ Reuter cũng cho biết NHNN đã dự kiến có 6 thương vụ và nêu khá cụ thể các thương vụ dự kiến này sẽ được diễn ra. Tại thời điểm hiện nay thì danh tính các thương vụ, dẫn theo các nguồn tin, đã không còn hiện diện nội dung trên internet.
Thứ nhất, SaigonBank có thể về cùng một nhà với Vietcombank. Ngoài SaigonBank – NH Sài Gòn Công Thương, nơi mà Vietcombank đang là cổ đông lớn nắm sở hữu 5% vừa chẵn, một ứng cử khác có thể sáng giá cho thương vụ được hợp nhất vào Vietcombank là NH Xây dựng VNCB.
Thứ hai, cũng có nhiều cơ hội lựa chọn vì bản thân khỏe và “danh giá”, NH có tổng tài sản lớn nhất hệ thống nhà băng hiện nay, Vietinbank đang có thể ngắm nghía các đối phương là: PGBank và Ocean Bank.
Thứ ba, BIDV, một NHTMCP Quốc doanh cũng nằm trong “tứ trụ” có thể sẽ nên duyên với NHTMCP Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).
Thứ tư, một tình huống ngoài dự đoán gần như quay ngược thông tin 180 độ, là GPBank sẽ có thể không bán cho NH ngoại mà về cùng một nhà với LienViet Post Bank.
Ngoài ra, là hai thương vụ đã có chủ trương và đang trong lộ trình xúc tiến, là Phương Nam Bank về cùng một “chủ” là NHTM Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NHTMCP Hàng Hải (MaritimeBank) tiếp tục quá trình nhận hợp nhất NHTMCP Me Kong (MDB).
Vì sao lại là các thương vụ này và cái lí nào cho những “kịch bản mở”? Chúng ta thử cùng phân tích từng trường hợp để có thể đưa ra những nhận định riêng mình về “bộ mặt mới” của thị trường ngân hàng trong thới gian tới.
Vietcombank - SaigonBank
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Vietcombank hôm 16/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định đối tượng mà Vietcombank sẽ nhận hợp nhất chính là SaigonBank.
Trước đó, trong một bản tin vào năm 2014, CTCK Bản Việt có đề cập đến chủ trương M&A của Vietcombank và dự kiến NH này sẽ xúc tiến thương vụ cùng năm. Tuy nhiên, phía Vietcombank dường như chưa có động tĩnh khẳng định hoặc phủ định nguồn tin. Có lẽ ở thời điểm đó, bản thân Vietcombank chưa “ngã ngũ” được đối tượng.
Song với mối quan hệ sở hữu lâu năm và gắn bó giữa Vietcombank và SaigonBank, kể từ khi SaigonBank được thành lập hơn 26 năm qua, và việc ông lớn Vietcombank nắm 5% của SaigonBank trong nhiều năm, phần nào đã hé mở một mối quan hệ tương liên hữu ý. Đặc biệt, khi xét về việc cùng tạo tiếng nói đồng thuận, dù rằng, ở góc độ sở hữu thì Vietinbank đang nắm tỷ lệ cổ phần chi phối tại SaigonBank còn lớn hơn cả Vietcombank, nhưng các thế hệ lãnh đạo của SaigonBank lại phần lớn xuất thân là từ Vietcombank.
Ông Dương Xuân Minh đến từ Vietcombank. Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc hiện tại, từng nhiều năm công tác tại Vietcombank. Văn hóa quản trị NH thương mại cổ phần có tính chất quốc doanh ở cả hai NH khá tương đồng và hơn nữa năm 2014, hai bên đã rậm rạp lên lịch nhiều cuộc gặp gỡ tìm hiểu nhau. Do đó, đây sẽ là một trong những thương vụ M&A lớn khó có cục diện bất ngờ khác.
Một rào cản có thể khiến thương vụ này phải chậm lại đôi chút, chính là Vietcombank phải làm sao để thuyết phục được các đối tác Nhật, đến từ NH Mizuho với quyền sở hữu 15%. Các đối tác Nhật xưa nay nổi tiếng là “từ tốn” và “kĩ tính” khi tính toán các thương vụ đầu tư, hợp nhất và chắc chắn cho dù có bàn tay “quốc doanh” chi phối, họ cũng sẽ phải cân đong việc nhận SaigonBank sẽ mang đến lợi ích gì cho khoản đầu tư của họ tại Vietcombank.
Tuy nhiên, một chuyên gia Tài chính Đầu tư cho rằng với giá trị tài sản thực chủ yếu là bất động sản mà SaiGonBank đang sở hữu, và đã được khấu hao gần hết thông qua việc mua đứt trụ sở các chi nhánh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh từ lâu mà không phải là tài sản đi thuê, SaigonBank khá sáng giá để có thể có tiếng nói trọng lượng trên bàn đàm phán, chốt lại tỷ lệ cổ phần hoán đổi, nếu hợp nhất vào Vietcombank.
“Cái chính và vẫn quan trọng nhất, là quyết tâm của ngành để xóa sở hữu chéo, xóa các NH nhỏ và gia tăng sức mạnh để có những NH ngày càng lớn, ngày càng mạnh mẽ hơn. Bản thân SaigonBank cũng là NH có yếu tố quốc doanh, do đó việc thực hiện quyết tâm này cũng là “trách nhiệm” của SaigonBank”, vị này nói.
Với vốn điều lệ nằm trong top NH nhỏ chỉ có hơn 3.000 tỷ đồng, tuy không hoạt động thua lỗ và nợ xấu không cao nhưng nếu không sáp nhập, thực tế SaigonBank cũng khó có cơ hội để cạnh tranh được với sự bành trướng của các NH quốc doanh và cả các NHTMCP nhờ xu thế sáp nhập mà đang ngày một lớn.
Do đó, việc SaigonBank sáp nhập Vietcombank chỉ là yếu tố thời gian và cái lợi lớn nhất cho một NH sau sáp nhập trong tương lai, là Vietcombank ở cương vị một ông lớn rất mạnh mảng “ngoại thương” có thể bao quát được sâu rộng hơn nữa cả mảng khách hàng là các DNNVV, các đối tượng khách hàng là các cá nhân, hỗ trợ sự phát triển các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề truyền thống tại các địa phương trong cả nước – thế mạnh mà SaigonBank đang có.