“Kích cầu” hay “Tháo gỡ khó khăn”: Lựa chọn nào?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong các chuyên gia hiện có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần kích cầu, luồng ý kiến thứ hai thì chỉ nên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Vậy nên lựa chọn giải pháp nào?

Việc lựa chọn giải pháp cần căn cứ vào 2 điểm, đó là hiện trạng và mục tiêu tổng quát đề ra cho cả năm.

MỤC TIÊU CẢ NĂM 2014 VÀ KẾT QUẢ QUÝ I (%)

 “Kích cầu” hay “Tháo gỡ khó khăn”: Lựa chọn nào? - Ảnh 1
Nguồn: Kế hoạch năm: Nghị quyết của Quốc hội;
Ước quý I: Tổng cục Thống kê


Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh…

Đi vào các cặp chỉ tiêu, mục tiêu và ước thực hiện quý I/2014, cân nhắc lựa chọn nào trong các ý kiến chuyên gia?

Trước hết là kinh tế vĩ mô, quý I/2014 không những tiếp tục được ổn định mà còn có sự cải thiện.

Sự cải thiện này được thể hiện trên một số mặt chủ yếu, trước hết, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế xuất siêu; mức suất siêu đạt quy mô trên 1 tỷ USD, được coi là cao nhất của 1 quý từ trước tới nay.

Do tỷ giá ổn định, xuất siêu và lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn (FDI, ODA, chi tiêu của khách du lịch, kiều hối…), do tâm lý găm giữ USD của doanh nghiệp và người dân đã giảm xuống…, nên cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư, Ngân hàng Nhà nước trong quý I/2014 (theo công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) đã mua được một lượng khá lớn ngoại tệ (7,7 tỷ USD), tăng dự trữ ngoại hối, góp phần bảo đảm an toàn tài chính, tăng tính thanh khoản của quốc gia, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, ổn định tỷ giá (bình quân năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 tăng 0,66%, 3 tháng 2014 tăng 0,94%).

Thu, chi ngân sách quý I/2014 không còn khó khăn như cùng kỳ năm trước, trái lại có một số tín hiệu khả quan. Tổng thu ngân sách đạt 195,07 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% dự toán năm, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 133,68 nghìn tỷ đồng, đạt 24,8% dự toán năm và tăng 16,5%; thu từ dầu thô đạt 26,09 nghìn tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán năm; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,55 nghìn tỷ đồng, đạt 23,5% dự toán, nếu trừ đi phần hoàn thuế thì thu cân đối 34,55 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán năm và tăng 29%.

Tổng chi đạt 232,16 nghìn tỷ đồng, bằng 23,1% dự toán năm (thấp hơn của tổng thu), tăng 5,4% (thấp hơn của tổng thu). Trong đó, chi đầu tư phát triển 33,32 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4% dự toán năm, giảm 4,9% so với cùng kỳ; chi viện trợ, trả nợ 29,16 nghìn tỷ đồng, bằng 24,3% dự toán và tăng 11,5%; chi sự nghiệp 169,69 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán năm và tăng 6,7%. Bội chi 37,09 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm (thấp hơn các tỷ lệ của tổng thu, tổng chi) và bằng 4,9% GDP (thấp hơn tỷ lệ theo dự toán năm).

Một mục tiêu quan trọng tiếp theo là kiểm soát lạm phát thì quý I đã đạt được kết quả khả quan - vừa thấp so với cùng kỳ hàng chục năm trước, vừa thấp so với mục tiêu đề ra cho cả năm. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra con số cả năm phấn đấu ở mức dưới 6%, có nghĩa là CPI thấp xuống trong năm thứ 3 liên tiếp (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04% và 2014 phấn đấu dưới 6%).

Diễn biến giá tiêu dùng trong quý I đã làm xuất hiện dự đoán CPI có thể sẽ lặp lại việc tăng thấp, thậm chí còn giảm trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 so với cùng kỳ 2 năm trước. Do dự đoán về xu hướng có thể xảy ra thiểu phát nên đề cập đến kích cầu?

Thực ra, cần đánh giá cho đúng, dù CPI tháng 3 có giảm so với tháng 2 và tăng thấp so với tháng 12/2013, thì CPI sau 1 năm - tháng 3/2014 (tức là so với tháng 3/2013) vẫn tăng tới 4,39% và bình quân quý I/2014 so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng tới 4,83%- đó là những tốc độ tăng vẫn thuộc loại cao (gấp đôi so với mức lạm phát của thế giới khoảng trên 2%), nên chưa thể coi là thiểu phát được.

Ngay Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 cũng vẫn chủ trương “tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát”. Với chủ trương như vậy, nếu kích cầu sẽ là ngược, bởi không ai kiểm soát lạm phát bằng kích cầu.

Một mục tiêu quan trọng khác của năm 2014 là tăng trưởng hợp lý. Theo lô gíc thông thường, thì “tiến độ” thực hiện của quý I so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là còn chậm (tăng 4,96% so với tăng 5,8%). Tuy nhiên, đây là tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ của 2 năm trước (quý I/2012 tăng 4,75%, quý I/2013 tăng 4,76%); hơn nữa đây lại là thông lệ của Việt Nam trong nhiều năm qua, do thời gian nghỉ Tết kéo dài, việc triển khai thực hiện kế hoạch cả năm thường chậm.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP chỉ có 28,4%, liên tiếp giảm và ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước mới đạt 17% kế hoạch năm và chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước mới đạt 18,6% và giảm 2,3%; vốn trái phiếu Chính phủ mới đạt 15% và giảm 14,8%..., nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn… Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm bị giảm, từ tháng 3 mới tăng nhẹ. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, thì vẫn còn thấp hơn cùng kỳ những năm trước đây.

Như vậy, từ hiện trạng quý I và theo mục tiêu đề ra cho cả năm về những chỉ tiêu chủ yếu đều không nhất thiết phải kích cầu, mà chủ yếu là có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Bởi kích cầu tuy có làm cho tăng trưởng kinh tế cao lên, nhưng dễ gây ra hiệu ứng phụ là lạm phát và bất ổn vĩ mô. Vì thế nên đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng trên cơ sở hạ tiếp lãi suất, nhất là hạ lãi suất các khoản vay cũ…

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 cũng coi việc nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ là nội dung đầu tiên trong 4 nội dung quan trọng trong thời gian tới (nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ; xây dựng cầu dân sinh ở vùng khó khăn, vùng cao; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; chú trọng thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng).