Kích cầu nền kinh tế nhìn từ góc độ “hành vi kinh tế”
Nền kinh tế sẽ đi nhanh và vững khi có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Trên thế giới, theo công bố của Chính phủ Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 đã giảm 2.2 điểm (từ 257,95 điểm tháng 03/2020 xuống còn 255,9 điểm), điều này đang tạo thành một xu thế giảm trong ngắn hạn; trong đó, CPI nhóm tiêu dùng liên quan đến nhà ở giảm nhẹ (từ 270,27 điểm vào tháng 03/2020 xuống còn 270,18 điểm) và CPI nhóm vận tải hàng hóa tiếp tục giảm mạnh 10.1 điểm (từ mức 203,85 điểm tháng 03/2020 xuống còn 193,73 điểm).
Tại khu vực các nước sử dụng đồng Euro, CPI tháng 3/2020 đạt 105,13 điểm, giảm nhẹ (0.01%) so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, CPI nhóm tiêu dùng liên quan đến nhà ở giảm nhẹ 0.53 điểm (từ 105,42 điểm vào tháng 02/2020 xuống còn 104,89 điểm) và CPI nhóm vận tải hàng hóa giảm 1.64 điểm (từ mức 106,33 điểm tháng 02/2020 xuống còn 104,69 điểm).
Tại Trung Quốc, CPI tháng 3/2020 giảm 0.9 điểm từ mức (từ mức 105,20 điểm vào tháng 2/2020 xuống 104,30 điểm).
Tại Việt Nam, theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 04/2020 đã giảm tới 1,54% so với tháng trước. Sức mua giảm mạnh đã khiến CPI giảm (đây là mức thấp nhất của CPI tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020); trong đó: Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 13,86%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,33%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%; nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,13%.
Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 của Việt Nam giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6%. Tuy nhiên, điểm sáng là doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước) do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây….
Như vậy, nhìn chung CPI của một số nền kinh tế lớn trên thế giới trong quý I và tháng 4/2020 đều sụt giảm, trong đó CPI nhóm tiêu dùng liên quan đến nhà ở và CPI nhóm vận tải hàng hóa đều giảm, đặc biệt là CPI nhóm vận tải hàng hóa. “Sụt giảm” là 02 từ phản ánh một bức tranh tổng thể về nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dự kiến trong quý II/2020 sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2019. Vậy nguyên nhân là gì???
Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số các hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân phải tạm dừng do thực hiện việc giãn cách xã hội. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa và một số nền kinh tế đóng cửa các hoạt động vận tải…
Còn một nguyên nhân sâu xa nữa là sự phản ứng “quá mức” của thị trường đối với các thông tin xấu (cụ thể là các thông tin do đại dịch Covid 19) dẫn đến việc giảm “quá mức” thói quen mua sắm, tiêu dùng của xã hội (theo mô hình Thaler của nhà kinh tế học Richard Thaler đạt giải Nobel kinh tế năm 2017).
Có thể nói dịch bệnh Covid đã gây ra một tác động kép lên cả “tổng cung” và “tổng cầu” làm Chính phủ phải kịp thời tung ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu như: gói hỗ trợ lãi suất cho nghiệp, miễn giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để kích thích nhu cầu người dân, thí điểm biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con...
Tuy nhiên, để triển khai các chính sách này một cách hiệu quả và an toàn trong giai đoạn tới giúp nền kinh tế đi nhanh và vững, cần sự phối hợp của 03 nhóm chủ thể sau:
Các cơ quan quản lý nhà nước: Nghiên cứu đưa ra các biện pháp thực thi chính sách một cách linh hoạt, sáng tạo hơn nữa để thay đổi các hành vi của toàn xã hội (trong đó có hành tiêu dùng) được gói gọn vào bốn chữ viết tắt là EAST: Easy, Attractive, Social and Timely tức là đưa ra các chính sách: dễ thực hiện, dễ gây chú ý, mang tính xã hội và hợp thời điểm (theo lý thuyết kinh tế học hành vi của Thaler); trong đó một số các biện pháp mạnh mẽ như cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất…
Các doanh nghiệp: Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp cần xác định tư duy: phát huy nội lực, đổi mới mạnh mẽ; hợp tác với các đối thủ để tận dụng các ưu điểm của nhau và khắc phục các nhược điểm; triển các giải pháp marketing và marketing số để tiếp cận gần hơn nữa với khách hàng, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán để chấp nhận sự “thua thiệt” - hy sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt để thu về những lợi ích lớn hơn trong tương lai...
Người dân: Hãy trở thành người tiêu dùng “thông thái”: cần xác định đây là thời điểm để đầu tư, lựa chọn những hàng hóa có chất lượng tốt; thoã mãn nhu cầu của bản thân và gia đình và cũng là một cách để chung tay cùng Chính phủ thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
NCS. Vũ Hồng Thanh - Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV