Kích cầu tiêu dùng mùa... COVID!
Như thường lệ, cứ đến quý IV hàng năm, làn sóng kích tiêu dùng cầu cuối năm lại dấy lên mạnh mẽ.
Từ kích cầu cả nước do Bộ Công Thương phát động, đến kích cầu ở các tỉnh thành phố do Sở Công Thương đề xướng. Đây là dịp cuối năm, những người có tiền hy vọng sẽ mua được những món hàng nào đó trong dịp kích cầu này.
Qua kinh nghiệm các năm quan sát trên thị trường ta thấy, các tuần lễ kích cầu, các tháng khuyến mãi được tuyên truyền thật là rầm rộ và hoành tráng với số lượng hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.
Điều mà dư luận xã hội quan tâm đó là kích cầu sao cho có hiệu quả, những giá trị và hiện vật mà người tiêu dùng tham gia mua hàng được hưởng thêm lợi ích một cách thực chất đó là vấn đề cần phải quan tâm.
Qua các bản tổng kết hàng năm của đợt kích cầu mà các Sở Công Thương tại các tỉnh thành phố công bố nổi lên một vấn đề, đó là báo cáo chủ yếu trình bày thiên về mặt định tính, rất ít có định lượng của 1 đợt khuyến mại kích cầu nào đó.
Ngoài những ưu điểm của các đợt kích cầu khuyến mãi trong thời gian trước đây thì vẫn còn những hạn chế không phải là ít trong quá trình thực hiện vấn đề này.
Việc vi phạm quyền lợi của người mua hàng vẫn còn khi tham gia mua hàng khuyến mại kể cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online mà báo chí, dư luận xã hội đã lên tiếng.
Vậy, làm thế nào để kích cầu hiệu quả? Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ, chi tiết và dễ nhận biết trong các đợt kích cầu khuyến mãi để mọi người tìm hiểu cặn kẽ và nếu có điệu kiện thì hưởng ứng.
Các cơ quan tổ chức khuyến mại cần lựa chọn những đơn vị tham gia làm ăn tử tế, có trách nhiệm, có thương hiệu và có niềm tin của người tiêu dùng từ trước đến nay, tiếp theo đó phải rà soát các mặt hàng tham gia khuyến mại, các hình thức khuyến mại mà nhà nước cho phép. Đó là cơ sở để trong đợt khuyến mại các lực lượng quản lý thị trường công an kinh tế kiểm tra đánh giá và kết luận, tìm ra một cách chính xác những đơn vị nào làm tốt, chưa tốt cần khắc phục.
Về đợt kích cầu cuối năm 2021, điều người tiêu dùng quan tâm là những mặt hàng kích cầu phải thiết thực, hướng đến những mặt hàng thiết yếu, phù hợp với điều kiện sức mua xã hội còn thấp do dịch dã.
Nếu thời gian khuyến mãi kích cầu hàng tháng thì nên có những đợt sơ kết đánh giá hàng tuần để làm cơ sở cho việc tổng kết cả đợt khuyến mại kích cầu.
Trong quá trình thực hiện khuyến mại cần thực việc lấy ý kiến khách hàng, thông qua hòm thư góp ý được công bố 1 cách công khai và minh bạch tại của hàng hằng ngày.
Khuyến mãi kích cầu không chỉ dành riêng cho người tiêu dùng ở 1 tỉnh thành nào đó, mà phải tạo thành những đợt khuyến mại kích cầu thường xuyên trong năm của doanh nghiệp để khách hàng gần xa lui tới mua hàng, kể cả khách du lịch nước ngoài.
Muốn thu hút được khách hàng, thứ nhất, phải lưu ý yếu tố quan trọng nhất đó là giá cả hợp lý thấp hơn giá thị trường trước khi có đợt khuyén mại. Thứ hai, chất lượng hàng hóa tham gia khuyến mại và chất lượng hàng hóa hiện vật tham gia khuyến mại tặng cho khách hàng. Thứ ba, doanh nghiệp cần tạo dựng được thương hiệu của mình trong đợt khuyến mại cũng như khi doanh nghiệp kinh doanh bình thường cả năm.
Không để mất niềm tin của người tiêu dùng qua đợt khuyến mại, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa kinh doanh, văn hóa khuyến mại phải đặt lên hàng đầu.
Hàng hóa có thể có lúc chưa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu, nhưng thái độ phục vụ, tính chuyên nghiệp trong bán hàng phải được đề cao thường xuyên.
Chúng ta tin tưởng rằng bản thân mỗi doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ kinh doanh trong cả nước tự giác nhận thức những điều cần phải làm nêu trên để thực hiện tốt các đợt khuyến mại hàng năm mà Bộ Công Thương và các thành phố phát động, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội ngày càng văn minh hiện đại và chuyên nghiệp.