Kiểm soát các lô hàng nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan

Nguyễn Trung

Tổng cục Hải quan vừa có Văn bản số 801/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát các lô hàng nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng cục Hải quan cho biết, đối với lô hàng đã đăng ký tờ khai, đã thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản trước ngày ban hành Công văn số 5306/TCHQ-GSQL, nhưng chưa lấy hàng hoặc mới lấy một phần ra khỏi cảng, cơ quan hải quan chỉ dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 37 Luật Hải quan và khoản 2 Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan nhưng được hệ thống phân luồng xanh sẽ thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với các lô hàng vi phạm về thời hạn làm thủ tục hải quan.

Trong quá trình kiểm tra hải quan, nếu phát hiện vi phạm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra theo quy định tại Điều 52d Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính và xử lý vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. 

Đối tượng không áp dụng hướng dẫn tại các Công văn số 5306/TCHQ-GSQL, số 5718/TCHQ-GSQL và số 5943/TCHQ-GSQL, doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp chế xuất; Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ gia công, sản xuất (trừ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất).

Về xác định thời gian hàng hóa đến cửa khẩu đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày hàng hóa đến cửa khẩu là ngày hàng hóa được vận chuyển đến cảng đích ghi trên vận đơn. Cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào ngày hàng hóa Getin vào khu vực giám sát để xác định thời gian hàng hóa đến cửa khẩu. 

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có hợp đồng mua bán gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh mà người nhận là doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam thì thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5306/TCHQ-GSQL. 

Đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh mà người nhận là cá nhân ở Việt Nam hoặc hàng hóa xuất nhập khẩu không có hợp đồng mua bán (phi mậu dịch): Thủ tục tái xuất thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 được sửa đổi tại khoản 11 Điều 2 Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 của Bộ Tài chính. 

Đối với hàng hàng lạc tuyến, không có người nhận tại Việt Nam: Thủ tục tái xuất thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 được sửa đổi tại khoản 11 Điều 2 Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 của Bộ Tài chính, không yêu cầu phải tái xuất về nước xuất khẩu ban đầu.