Kiểm soát chặt chẽ kê khai thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng
Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, một trong những nội dung được Bộ Tài chính chú trọng triển khai thời gian qua là quản lý kê khai, kế toán thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Quản lý chặt chẽ kê khai thuế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Nhằm đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, chống thất thu ngân sách, trong năm 2023, ngành Tài chính tiếp tục chú trọng việc kiểm kê, rà soát mã số thuế, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế.
Qua công tác nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp tăng cường đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế, phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, không nộp kịp thời số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Nhờ đó, công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và có những chuyến biến tích cực.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai diện rộng ứng dụng Hỗ trợ kê khai thuế, Dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác. Ngoài ra, tăng cường đôn đốc kê khai, quyết liệt trong xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.
Ngăn ngừa rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo, quán triệt cơ quan thuế các cấp thực hiện nghiêm công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo giải quyết kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, không gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế mới và bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng.
Song song với đó, Tổng cục Thuế đã khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo tự động hóa trong khâu phân loại hồ sơ hoàn thuế, điện tử hóa các bước giải quyết hồ sơ hoàn thuế đáp ứng quy trình, bộ tiêu chí. Từ đó, đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế cũng như kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng.
Tổng cục Thuế cũng đã triển khai các đoàn công tác trực tiếp xuống nắm bắt, làm việc với một số địa phương có lượng hồ sơ và số thuế đề nghị hoàn tồn lớn để hướng dẫn, cùng rà soát từng hồ sơ cụ thể. Trên cơ sở đó, tổng hợp, đánh giá hiện trạng tình hình, đưa ra các nguyên nhân tồn đọng để tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ và chỉ đạo phù hợp, hiệu quả.
Với việc quyết liệt, khẩn trương của cơ quan thuế các cấp, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng đã có chuyển biến khá tích cực thời gian qua. Trong năm 2023, cơ quan thuế ước ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 7.275 quyết định hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 45.757 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 324 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng cục Hải quan chấn chỉnh các đơn vị trong hệ thống về quản lý thuế, theo đó đã yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tuân thủ các quy định của pháp luật về công tác miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại các văn bản quy phạm pháp luật và các quy trình liên quan. Đồng thời, ứng dụng có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, không để xảy ra tình trạng kéo dài thời gian xử lý.
Cơ quan hải quan đã triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định tại các cơ quan hải quan để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định. 100% Cục Hải quan đã chỉ đạo các bộ phận có liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa. Số lượng hồ sơ giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống miễn, giảm, hoàn trên toàn quốc đạt tỷ lệ 90% tổng số hồ sơ phát sinh gửi đến cơ quan hải quan.