Tăng hiệu quả quản lý thuế, hải quan qua chuyển đổi số, hiện đại hóa
Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số, hiện đại hóa. Qua đó, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, vừa tăng hiệu quả quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng các quy định về chính sách, quy trình quản lý thuế phù hợp với Luật Quản lý thuế. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai, nộp, hoàn thuế điện tử, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử; triển khai hóa đơn điện tử… nhằm thực hiện các mục tiêu về Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Để chống thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai và kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử. Đến ngày 31/12/2023, tổng số lượng hóa đơn dự kiến tiếp nhận và xử lý ước đạt 6,28 tỷ hóa đơn, trong đó 1,78 tỷ hóa đơn có mã; hơn 4,5 tỷ hóa đơn không mã.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc; triển khai Chương trình hóa đơn may mắn để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực triển khai hóa đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Có thể nói, việc triển khai hóa đơn điện tử là một bước cải cách lớn trong công tác quản lý thuế, không chỉ thuận tiện mà còn giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn nhằm trục lợi bất chính. Để ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử, chống thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng phân tích rủi ro theo Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Cơ quan thuế đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ không mã sang có mã đối với 618 doanh nghiệp, đưa 4,8 nghìn doanh nghiệp vào danh sách cần kiểm tra công tác quản lý và sử dụng hóa đơn. Tổng cục Thuế cũng đã nghiên cứu áp dụng một số công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích trên dữ liệu hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng từ ngày 15/5/2023 và triển khai ứng dụng phân tích, đưa ra danh sách xuất khống hóa đơn theo hệ số K phục vụ cho công tác kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống từ ngày 15/6/2023.
Dịch vụ thuế điện tử cũng được ngành Thuế đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng Bản đồ số Hộ kinh doanh để nâng cao hơn hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh được triển khai trên ứng dụng eTax Mobile giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của người dân và giữa các hộ kinh doanh với nhau, tạo công bằng, minh bạch.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang chỉ đạo các cục thuế địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu để đẩy vào ứng dụng, phục vụ công tác lập bộ thuế khoán năm 2024 cho hộ, cá nhân kinh doanh trên phạm vi toàn quốc.
Hiện đại hóa lĩnh vực hải quan
Thực hiện chủ trương đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hải quan, chống thất thu ngân sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành khảo sát, xác định vị trí, địa điểm bố trí máy soi container và máy soi hành lý để xây dựng kế hoạch trang bị theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng tập trung tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hàng hoá, đặc biệt đối trong việc phòng chống buôn bán ma tuý; Xây dựng hệ thống barie điện tử, hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ và thiết kế, quy hoạch hệ thống barie điện tử tại các cửa khẩu, cảng biển...
Tổng cục đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan tại 35 cục Hải quan tỉnh, thành phố với tổng số lượt seal định vị điện tử sử dụng trong năm 2023 là gần 125.000 lượt.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cho đến khi triển khai chính thức hệ thống công nghệ thông tin mới và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Trong năm 2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 66,7 nghìn doanh nghiệp. Kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.
Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung; chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Nhờ những nỗ lực trong triển khai cải cách, hiện đại hóa, 2023 là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2014 đến năm 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 89,76%. Về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%.
Chuyển đổi số, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan cũng đã đóng góp quan trọng nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, giúp ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước năm 2023 trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức.