Kiểm soát hiệu quả nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
Năm 2024 tiếp tục ghi nhận thành công trong việc kiểm soát hiệu quả nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến cuối năm 2024, chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép.
Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công
Năm 2024, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 31/3/2024 phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2024-2026; trên cơ sở đó đã giao kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện. Đồng thời, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2025.
Bộ Tài chính cũng đã kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn và ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục tái cơ cấu lại danh mục nợ theo hướng bền vững.
Năm 2024, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Cả 03 tổ chức xếp hạng gồm: S&P, Fitch, Moody’s và S&P đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững.
Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn chủ yếu từ 10 năm trở lên. Theo đó, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành kỳ hạn 5 năm chiếm 14,8%; kỳ hạn 07 năm chiếm 0,2%; kỳ hạn 10 năm chiếm 59,8%; kỳ hạn 15 chiếm năm 19,9%; kỳ hạn 20 năm 1,8%; kỳ hạn 30 năm chiếm 3,4% tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành năm 2024. Như vậy, kỳ hạn phát hành bình quân đạt khoảng 11,12 năm, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 là từ 9-11 năm.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã tập trung hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, góp phần bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Trong năm 2024, tiếp tục không cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay trong nước và nước ngoài mà chỉ cấp bảo lãnh phát hành cho các ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn hàng năm. Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, trong phạm vi dự toán được duyệt.
Theo bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), công tác thu nợ và xử lý rủi ro các dự án cho vay lại có nợ quá hạn cũng được tiếp tục chú trọng tăng cường. Năm 2024, Bộ Tài chính đã thu hồi khoảng 17,52 tỷ đồng từ các dự án có nợ quá hạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh lãi suất tham chiếu từ Libor sang Sofr đối với các khoản vay lại...
Nhờ đó, tính đến cuối năm 2024, chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép.
Liên quan đến nợ công, trước đó, Chính phủ cũng đã có báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024 và dự kiến năm 2025. Theo đó, trên cơ sở ước thực hiện vay, trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2024 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định. Cụ thể, ước thực hiện nợ công/GDP là 36-37%, nợ Chính phủ/GDP là 33-34%. Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2024 dự kiến ở mức khoảng 32-33% GDP (mức trần theo quy định của Quốc hội là 50% GDP).
Theo báo cáo của Chính phủ, các khoản nợ này được vay chủ yếu từ nguồn trong nước. Tỉ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt khoảng 62,5% tổng dư nợ. Còn lại là các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác.
Vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài ước đạt 31.280 tỷ đồng. Trong đó vay về cho vay lại ước đạt 10.745 tỷ đồng. Các khoản vay nước ngoài chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ. Đây là các khoản đã ký với kỳ hạn dài, lãi suất thấp (bình quân 1,9%/năm), từ các nhà tài trợ đa phương và song phương, gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc, AFD (Pháp).
Cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững
Trong năm 2025, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục quản lý, kiểm soát hiệu quả bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ của chính quyền địa phương. Đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; các khoản vay mới vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Bố trí thanh toán trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Bên cạnh đó, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hàng năm. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Bộ Tài chính cũng tập trung rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nợ công và viện trợ, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp, tập trung vào Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn, đảm bảo khung pháp lý đồng bộ và hiệu quả.
Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội quy định: (i) Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP; ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; (ii) Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; (iii) Trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; (iv) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.