Kiểm soát rủi ro dòng vốn đầu tư
Chỉ số VN-index liên tục xác lập đỉnh mới tạo sức hút mạnh mẽ khiến dòng tiền đổ vào chứng khoán. Nguồn vốn này đến từ đâu? Là kênh cung ứng vốn lớn nhất cho nền kinh tế, ngân hàng có vai trò như thế nào trong dòng chảy này? Nhiều mã cổ phiếu tăng chóng mặt trong thời gian ngắn, song đây cũng là lúc đặt vấn đề kiểm soát thị trường vốn để ngăn ngừa tình trạng đổ vỡ theo hiệu ứng domino.
Mọi ngả vốn đều đổ về chứng khoán
Để hỗ trợ khách hàng, theo yêu cầu của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã, đang tiến hành cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay cả khoản cũ và mới… Để giảm lãi suất cho vay, bên cạnh việc ngân hàng tiết giảm chi phí, yếu tố đóng góp lớn nhất vẫn là giảm lãi suất huy động. Hiện mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhất trong vòng chục năm trở lại đây. Lãi suất tiết kiệm thấp, cộng với sản xuất, kinh doanh khu vực tạo ra hàng hóa cho xã hội ngưng trệ, thiếu việc làm… trong khi thị trường bất động sản, chứng khoán ngày càng sôi động, giá vàng ở mức phi mã, đã dẫn đến hiệu ứng tất yếu-người dân đầu tư vào nơi có nhiều cơ hội sinh lời hơn. Giá cổ phiếu của rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ vẫn tăng, đã tạo thành "ma lực" thu hút nhà đầu tư F0. Người người, nhà nhà lao vào đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh đó, dù lãi suất đã giảm sâu, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực tế là không chỉ cá nhân mà không ít doanh nghiệp đã chọn kênh chứng khoán làm nơi đầu tư để cầm cự trong lúc hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa trở về trạng thái bình thường. Ngay cả ngân hàng cũng đang thu lợi không nhỏ từ đầu tư chứng khoán (bao gồm cả trái phiếu, tín phiếu, các giấy tờ có giá…). Đơn cử trong chín tháng năm 2021, ở mục lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đầu tư chứng khoán Vietcombank báo lãi 118,140 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có dư nợ cho vay chứng khoán cao, cùng với các ngân hàng khác như BIDV, Techcombank...
Báo động hiệu ứng domino
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán chín tháng năm 2021 ước tính đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm trước. VN- index liên tục tăng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tranh thủ phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn. Đây là điểm có lợi cho nền kinh tế. Nhưng nguy cơ rủi ro từ sự tăng trưởng quá nóng của thị trường cũng đang ngày càng tăng.
Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, chỉ khuyến khích tổ chức tín dụng đầu tư vào các ngành sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, BOT… Tại cuộc họp báo công bố kết quả hoạt động kinh doanh chín tháng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra con số tăng trưởng tín dụng mà không công bố số liệu tăng trưởng huy động vốn: Đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Còn theo số liệu chúng tôi nắm được, tính đến cuối tháng 7/2021 so cuối năm 2020: Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,88%, chiếm 20,11% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,47%, chiếm 19,87%; tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 1,3%, chiếm 0,47% (cùng kỳ năm 2020 giảm 15,83%, chiếm 0,3%); tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 6,37%, chiếm 20,02% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,25%, chiếm 20,09%)...
Ngoài kênh rót vốn chính thức từ cho vay chứng khoán của ngân hàng (có thể bao gồm cả từ cho vay tiêu dùng), nhà đầu tư còn vay margin từ các công ty chứng khoán. Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Yuanta, tăng trưởng margin của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức kỷ lục, lên đến hơn 154.049 tỷ đồng, chiếm tới 2,75% vốn hóa của HOSE tính tới cuối quý III/2021. Để có vốn cho nhà đầu tư vay, các công ty chứng khoán không chỉ vay từ ngân hàng mà còn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Hình thức là phát hành trái phiếu, nhưng lãi suất lại được tính theo kỳ hạn tuần, thậm chí có cả kỳ hạn từ hai đến bảy ngày. Các công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay margin tối đa hai lần vốn chủ sở hữu; có công ty đã, sắp đụng trần.
Trước nhu cầu dùng đòn bẩy tài chính như vay margin (vay tiền từ công ty chứng khoán để đầu tư) quá lớn của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đang tính phương án tăng vốn. Lượng tiền vay margin lớn như vậy, nếu bị rút ra thì sụp đổ là tất yếu. Vốn "đánh chứng" của nhà đầu tư chủ yếu là đi vay, khi thị trường giảm sâu thì rủi ro không chỉ đối với nhà đầu tư mà sẽ theo hiệu ứng domino lan đến công ty chứng khoán, doanh nghiệp, ngân hàng…
Yếu tố quan trọng khác là vĩ mô. Những tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu do đại dịch; hiệu ứng từ những gói hỗ trợ khổng lồ trên khắp thế giới đã khiến giá cả hàng hóa tăng, nguy cơ lạm phát tăng cao ngày càng hiện hữu. Kiểm soát lạm phát thông qua thắt chặt tiền tệ là biện pháp phổ dụng nhất, Việt Nam không ngoại lệ. Và xin nhắc lại lịch sử: năm 2008, khi cơ quan quản lý áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát đã tạo nên cú sốc thanh khoản, tác động đến toàn bộ thị trường và bất động sản, chứng khoán đã rơi vào chu kỳ giảm sâu, kéo dài nhiều năm. Từ bài học trong quá khứ, cơ quan quản lý sẽ phải cân nhắc để sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa, tiền tệ với liều lượng phù hợp, tránh gây cú sốc lớn cho thị trường. Tuy nhiên, tác nhân lớn nhất, khó dự báo nhất của chúng ta hiện vẫn đang là đại dịch COVID-19.
Cho đến thời điểm hiện tại chúng ta mới chỉ đang làm quen với "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Chưa thể khẳng định khi nào Việt Nam và thế giới mới đưa Covid trở thành bệnh cúm mùa thông thường. Nhưng, rõ ràng nền kinh tế cần vận hành và phát triển theo quy luật Hàng-Tiền-Hàng chứ không phải là sự tăng trưởng của những con số trên bảng điện tử chứng khoán!