Kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn luôn là một giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Giải pháp này, dù đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng được đánh giá là “mang nặng tính hình thức”. Nghĩa là, hiệu quả của nó trong việc góp phần vào ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng còn khá thấp. Vấn đề hiện nay đang được quan tâm trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
Cho đến hiện nay, chúng ta mới quan tâm nhiều đến việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà chưa thực sự quan tâm đến việc kiểm soát tài sản của những người này. Điều đó có nghĩa rằng, pháp luật mới chỉ quan tâm nhiều đến việc kê khai tài sản đi vào nề nếp, đúng pháp luật mà chưa có biện pháp để bảo đảm việc kê khai đó giúp cho Nhà nước và xã hội kiểm soát được tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức. Qua đó phát hiện những dấu hiệu bất minh và có biện pháp ngăn chặn sự tẩu tán và cuối cùng là có thể thu hồi tài sản đó khi chứng minh được mối quan hệ của nó với hành vi tham nhũng.
Chưa hề có việc tài sản của những người bị coi là kê khai không trung thực được đụng đến. Những khối tài sản “sừng sững” mà dường như pháp luật đang bất lực đứng nhìn. Điều đó cho thấy, nhận định việc kê khai tài sản của chúng ta hiện nay mang nặng tính hình thức qua tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí và 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, là hoàn toàn chính xác.
Vướng mắc từ đâu? Và giải pháp nào cho vấn đề này? Xin được nêu một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Về đối tượng kê khai tài sản
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể thấy số lượng những người kê khai là rất lớn và trong số đó có những đối tượng theo chúng tôi là không thực sự cần thiết.
Hơn một triệu bản kê khai tài sản đối với những người có chức vụ từ phó phòng cấp huyện trở lên và tương đương (phụ cấp trách nhiệm là 0,2) cùng một số chức danh khác nữa. Đó là con số quá lớn mà chúng ta khó có thể có một cách nào đó để bảo đảm về tính trung thực của những người kê khai.
Về lý thuyết, bất kể ai có chức vụ quyền hạn đều có nguy cơ tham nhũng và cần phải được kiểm soát nhưng không phải vì vậy mà chúng ta cần phải và có thể kiểm soát tất cả một cách có hiệu quả.
Thử lấy một đối tượng cụ thể là hiệu trưởng các trường phổ thông mà phân tích. Đối với các thành phố, đô thị lớn, nơi mà tình trạng chạy trường, chạy lớp diễn ra phổ biến, khi mà tiền chạy vào những trường điểm, lớp chọn phải tính bằng ngoại tệ mạnh, khi mà tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan không thể kiểm soát thì thu nhập của các thày cô, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo quản lý ở những nơi đó là rất lớn.
Ngược lại, một hiệu trưởng ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, những nơi đời sống hết sức khó khăn lại thường xuyên chịu thiên tai, nơi mà thày cô phải chia sẻ cả đồng lương ít ỏi của mình cho bữa ăn của các em có thêm miếng thịt, thì mới thấy việc buộc họ phải kê khai tài sản, thu nhập là không thực sự cần thiết.
Không ít ý kiến cho rằng, phải chăng thay vì xác định đối tượng kê khai theo phụ cấp chức vụ thì cần xác định đối tượng kê khai từ vị trí công việc “có nguy cơ tham nhũng” hoặc là kết hợp cả việc xác định người có chức vụ cao và những vị trí có nhiều cơ hội tham nhũng để đưa vào diện phải kê khai tài sản, thu nhập.
Trung Quốc, một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế chính trị cũng như trong đấu tranh chống tham nhũng, với 1,4 tỷ dân, trong đó có gần 90 triệu đảng viên, nhưng chỉ thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ từ lãnh đạo cấp huyện trở lên với số lượng khoảng 500.000 người mà thôi.
Việc kê khai tài sản của những người thân của người có nghĩa vụ kê khai
Có một lỗ hổng rất lớn mà chúng ta đều nhìn thấy trong hệ thống quy định hiện hành: Người có nghĩa vụ kê khai chỉ phải kê khai tài sản của mình, vợ hoặc chồng mình và con chưa thành niên. Vậy thì, việc tuồn tài sản bất chính của quan chức cho những người khác, trước hết là con thành niên, họ hàng, thậm chí cả vợ bé, bồ nhí như một đại biểu Quốc hội lo ngại, là điều ai cũng thấy.
Công luận có ồn ã về một dinh thự khủng thuộc sở hữu của một ái nữ mới tuổi đôi mươi mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nhắc đến đã thể hiện sự bất bình thậm chí có phần bất lực của quy định hiện hành khi họ không thuộc diện phải kê khai tài sản và như vậy cũng có nghĩa họ không có nghĩa vụ giải trình với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước về khối tài sản đó.
Tuy nhiên, việc buộc người có chức vụ, quyền hạn kê khai những tài sản của người thân trong gia đình sẽ không khả thi khi mà tài sản đó không thuộc sở hữu của họ.
Hãy hình dung một người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu tất cả những người thân trong gia đình (anh chị em, con đã thành niên, thậm chí là họ hàng) phải cho họ thông tin về tài sản của những người này, thì sẽ khó khăn đến mức nào.
Thậm chí có buộc công chức phải kê khai tài sản ba đời như sáng kiến của một đại biểu Quốc hội đi chăng nữa thì người có tài sản vẫn có thể nhờ vả người khác ngoài dòng họ đứng tên và rồi pháp luật cũng chỉ đứng ngoài bất lực.
Điều đó cho thấy, muốn thực sự kiểm soát được tài sản của công chức phải có biện pháp toàn diện, từ việc chống rửa tiền đến việc quản lý sự dịch chuyển của tài sản, tiền bạc, với nghĩa kiểm soát cả nơi đi và nơi đến, kiểm soát cả công chức và toàn xã hội thông qua các công cụ quản lý (thuế, đăng ký tài sản, chuyển tiền qua hệ thống tài khoản…). Các biện pháp này đòi hỏi tính toàn diện, đồng bộ, cần có thời gian và cả những điều kiện hạ tầng kỹ thuật chứ không thể chỉ trông cậy vào những quy định về kê khai tài sản của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Những khó khăn trong việc kiểm soát thu nhập
Pháp luật quy định ngoài tài sản, người có chức vụ phải kê khai thu nhập. Đây chính là một quy định mà việc kiểm soát tính trung thực khó khăn nhất do thu nhập thực tế và tiền lương của cán bộ, công chức còn có khoảng cách khá lớn.
Tài sản bắt nguồn thu nhập. Trong khi đó, khác với hầu hết các nước trên thế giới - thu nhập đồng nghĩa với tiền lương, ở Việt Nam, lương công chức chỉ là một phần của thu nhập. Mức lương cao nhất ở nước ta hiện nay không quá 16 triệu. Với đồng lương đó thì bất cứ ai có tài sản có giá trị cũng có thể bị đặt dấu hỏi.
Thực tế thì hoàn toàn khác. Đồng lương hiện nay đối với nhiều người dường như chỉ là khoản thu ổn định nhưng tối thiểu trong tổng thu nhập. Các công việc dù là trong khuôn khổ nhiệm vụ cũng đều có cơ hội mang lại những khoản “bổ sung” cho nguồn thu nhập của công chức. Đơn giản là tiền họp. Hầu như cuộc họp nào cũng có phong bì, mà các cuộc họp thì không mấy ngày không có. Một lãnh đạo cấp sở của một thành phố lớn tính trung bình một tháng có đến trên dưới 40 cuộc họp! Rồi đủ thứ việc phát sinh, mà việc nào cũng có thù lao, thêm thu nhập: Hội thảo, hội nghị, dự án, đề án, tham gia giảng dạy, hội đồng…
Đó là chưa kể những khoản thu nhập khác mà có sự không công bằng ngay giữa các ngành nghề do chính sách về thâm niên, phụ cấp nghề, trích lại từ các khoản thu (thuế, hải quan, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, thanh tra…) được sử dụng dưới hình thức tăng thu nhập hay thưởng vào các dịp lễ, Tết…
Ngoài ra, sự lên xuống trồi trụt của thị trường bất động sản, chứng khoán và cả những lĩnh vực khác nữa là cơ hội để tất cả mọi người tham gia và kiếm lợi, mà gần như không có bất kỳ sự kiểm soát nào do các thiết chế quản lý kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn yếu kém.
Giải pháp cho vấn đề này là hãy kiểm soát những thu nhập của công chức, trước hết nguồn từ ngân sách theo nguyên tắc mọi khoản chi cho công chức từ ngân sách, kể cả 100 ngàn tiền họp, cũng phải được chuyển khoản. Mỗi công chức có thể có nhiều tài khoản, nhưng phải có một tài khoản để nhận mọi khoản thu nhập từ ngân sách. Làm như vậy, chúng ta dễ dàng có ngay một hình dung đáng tin cậy về thu nhập của công chức nói chung và người có chức vụ, quyền hạn nói riêng. Những khoản thu khác của công chức như tham gia kinh doanh, góp vốn, mua đi bán lại bất động sản, cổ phiếu… sẽ được quản lý bằng cơ quan thuế (thuế kinh doanh, thuế thu nhập…) và cơ quan quản lý khác. Chừng nào chúng ta chưa kiểm soát được nguồn thu nhập (đầu vào) thì khó có thể nói đến việc kiểm soát có hiệu quả tài sản của công chức.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp với quan điểm: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững” chính là giải pháp triệt để nhất, tạo cơ sở để xây dựng “cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng” trong tương lai.
Về công khai bản kê khai tài sản nhằm phát huy sự giám sát của xã hội đối với tài sản của người có chức vụ, quyền hạn
Một trong những kênh kiểm soát quyền lực nói chung và tài sản của công chức nói riêng chính là từ phía xã hội, trong đó báo chí và người dân là lực lượng chủ yếu. Đây là điều mọi người đều thừa nhận và thực tế vừa qua cho thấy, chính báo chí và công luận, kể cả mạng xã hội, đã góp phần phanh phui những khối tài sản khổng lồ, giúp cơ quan Đảng và Nhà nước đưa ra ánh sáng và xử lý người vi phạm.
Đảng và Nhà nước đã nhận thức rất sâu sắc về việc phát huy vai trò của người dân và xã hội trong cuộc chiến khó khăn này. Tại Kết luận 21, ngày 25-5-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã yêu cầu công khai bản kê khai tài sản của công chức tại nơi cư trú và nơi làm việc. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta mới chỉ làm được một phần nhỏ, tức là chỉ công khai tại nơi làm việc với yêu cầu là mọi người trong cơ quan, tổ chức đơn vị biết như quy định tại Nghị định 78/NĐ/CP.
Vì sao chúng ta chưa thực hiện được việc công khai rộng rãi hơn? Có hai nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Một là, về mặt kỹ thuật, với một số lượng bản kê khai tài sản quá lớn như hiện nay thì việc công khai tại nơi cứ trú là điều không hề đơn giản. Công khai ở đâu? Hình thức như thế nào? Ai là người thực hiện? Chi phí sẽ là bao nhiêu để công khai hơn một triệu bản kê khai?...
Thứ hai, quan trọng hơn, là sự lo ngại về việc bảo đảm an toàn cho người có tài sản cả về tinh thần và vật chất. Việc bất kỳ một người nào đó biết được tài sản công chức sẽ có thể dẫn đến nguy cơ sử dụng thông tin đó với dụng ý xấu hay vào việc bất minh.
Chẳng hạn, kẻ xấu sẽ dễ dàng đưa thông tin không đầy đủ, mập mờ gây nghi ngờ trong dư luận về sự thiếu liêm chính của người có tài sản hoặc tệ hơn nữa là thực hiện hay tổ chức thực hiện các hành vi phi pháp để chiếm đoạt tài sản đó.
Đây là lo ngại có cơ sở trong điều kiện trật tự an toàn xã hội ở nước ta chưa được bảo đảm. Những khó khăn này cần được nghiên cứu để có giải pháp trong thời gian tới. Đây là yêu cầu cần được thể chế hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng (Sửa đổi), vừa bảo đảm sự tiếp cận của xã hội đối với thông tin về tài sản của công chức lãnh đạo, quản lý, vừa bảo đảm an toàn cho người kê khai.
Định hướng chung về giải pháp cho vấn đề này là thực hiện quyền tiếp cận của công dân đối với thông tin về tài sản của cán bộ công chức nhưng có sự kiểm soát việc sử dụng thông tin đó, được thực hiện bởi một cơ quan có tính chất chuyên trách sẽ bàn đến dưới đây.
Về cơ quan thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
Việc kiểm soát tài sản thu nhập hiện nay thiếu tính chuyên nghiệp. Có thể tóm tắt tình hình hiện nay là như vậy. Có quá nhiều chủ thể tham gia nhưng lại không có cơ quan đầu mối. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc kiểm soát không mang lại hiệu quả mong muốn.
Việc kê khai mang nặng tính hình thức một phần quan trọng là chúng ta thiếu một tổ chức có trách nhiệm chính. Tình trạng phổ biến là người có trách nhiệm nhận bản kê khai (thường là một cán bộ trẻ trong đơn vị quản lý cán bộ) không có thời gian và cũng không đủ chuyên môn để có thể đọc, đánh giá và phát hiện những điều bất hợp lý trong các bản kê khai.
Số lượng bản kê khai quá lớn cũng là yếu tố khiến cho họ không thể thực hiện công việc này.
Việc tiến hành xác minh lại quá phức tạp dẫn đến số bản kê khai được xác minh là rất ít (cần phải có căn cứ theo luật định, có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, có quyết định xác minh rồi xác định cơ quan tiến hành xác minh…).
Thêm nữa, xác minh tài sản của một cá nhân là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi người xác minh phải có nghiệp vụ, thậm chí là các biện pháp nghiệp vụ điều tra, thu thập thông tin bí mật…
Điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta có một cơ quan hay đơn vị chuyên trách, từ việc tiếp nhận và rà soát bản kê khai đến việc thẩm tra xác minh trong mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan đến quản lý các loại tài sản, thu nhâp (thuế, đăng ký bất động sản…).
Cơ quan này phải được quyền chủ động đánh giá và tiến hành xác minh khi có nghi ngờ về tính trung thực trong các bản kê khai tài sản và khi cần thiết đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Đây cũng là nơi mà người dân có thể tiếp cận thông tin về tài sản công chức một cách có kiểm soát và nơi người dân phản ánh những biểu hiện bất bình thường về tài sản của công chức để giúp cho cơ quan Nhà nước phát hiện ra những sự thiếu minh bạch trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức.
Dự thảo Luật lần này dự kiến giao cho cơ quan thanh tra trách nhiệm là đầu mối trong việc quản lý bản kê khai tài sản, nghiên cứu tính xác thực của việc kê khai cũng như chủ động trong việc thẩm tra xác minh khi có dấu hiệu nghi ngờ về tính trung thực là điều hợp lý.