Kiểm soát "tiền bẩn" chảy vào bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa lưu ý, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".
Theo HoREA, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường. Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng” hiện nay đến từ đâu?
Báo cáo của HoREA nêu rõ, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền “kiều hối” (khoảng 20% “kiều hối” đầu tư vào bất động sản), và "đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để “rửa tiền”.
Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất kiểm soát chặt “tín dụng tiêu dùng”, ngăn chặn việc chuyển một phần nguồn vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà, để “lướt sóng” khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”.
Cụ thể, tỷ trọng vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà để ở chiếm khoảng 13% tín dụng tiêu dùng, nhưng khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”, thì sẽ có một phần vốn không nhỏ được sử dụng để “lướt sóng”.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay tiêu dùng đúng mục đích vay, để góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi có dấu hiệu đầu cơ, sốt bất động sản, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện các giải pháp đề xuất nói trên. Đồng thời, xem xét nâng lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm ngay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn để cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản...
"Hiện nay, ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản. Khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng “bong bóng” bất động sản, Hiệp hội đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham khảo cách làm của một số nước, như có thể xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, “lướt sóng”.
Ông Châu cũng khuyến cáo, khi sử dụng các giải pháp tiền tệ, nên tham khảo kinh nghiệm của Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng vào thời điểm tháng 2.2008 và tháng 2.2011. Chính phủ dùng biện pháp mạnh, thắt chặt tiền tệ, siết chặt tín dụng đã cắt được ngay cơn sốt “bong bóng”, nhưng hệ quả là đẩy thị trường bất động sản vào tình trạng “đóng băng” ngay lập tức, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong năm 2017-2018 để xử lý các cơn sốt đất, một số địa phương dùng các biện pháp mạnh như tạm cấm phân lô bán nền; hoặc tạm dừng tách thửa đất; hoặc tạm dừng không chứng nhận giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp...
Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường cung cấp thông tin quy hoạch, thông tin dự án chính xác, đi đôi với xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ cơ sở tiếp tay, “chống lưng” cho đầu nậu, cò đất, nên đã giúp hạ nhiệt cơn sốt đất.
"Từ đó, Hiệp hội nhận thấy, chỉ nên sử dụng công cụ hành chính khi thực sự cần thiết" - ông Châu khẳng định.