Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán bị phạt ra sao?
Kể từ ngày 1/1/2021, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ bị phạt nặng theo quy định của pháp luật.
Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực phòng chống rửa tiền, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 22, Luật Phòng, chống rửa tiền, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc; Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền của Quốc hội, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán...; Thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực chứng khoán...
Bên cạnh đó, nhằm góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, trong đó Điều 45 cũng quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Theo đó, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền;
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền, không báo cáo các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại khoản 5 Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền.
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cũng theo Nghị định này, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về kiểm toán nội bộ, rà soát khách hàng trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi không rà soát khách hàng và các bên liên quan theo các danh sách cảnh báo trước khi thiết lập mối quan hệ hoặc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng.
- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi có khách hàng và bên có liên quan nằm trong các danh sách cảnh báo; không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền sau đây: Không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền; Không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật; không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt tiền: Từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền; Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền; Từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền; Từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, tham gia hoặc tạo Điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền.
Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con không lưu giữ và cập nhật thông tin cơ bản về cơ cấu tổ chức, người sáng lập, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về chống tài trợ khủng bố thì bị xử phạt tiền: Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố; Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không tố giác tài trợ khủng bố.
Ngoài các mức xử phạt cụ thể như trên, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán cũng sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều 45 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.