Kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản


Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 5155/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.

Cần thực hiện quản lý việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn Hà Nội. Ảnh:VA
Cần thực hiện quản lý việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn Hà Nội. Ảnh:VA

Theo Công văn, Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro.

Rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản

Bộ cho biết, đã có tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Đặc biệt tại Hà Nội xảy ra tình trạng giá căn hộ chung cư tại một số dự án và nhà ở riêng lẻ tại một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức… tăng cao bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân.

Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các nhiệm vụ trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản.

Theo đó, kiểm tra rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa phương; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường; thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như: Chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua; chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá bất động sản nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương nhằm đảm bảo chỗ ở cho mọi công dân.

Dấu hiệu thao túng thị trường bất động sản

Thời gian gần đây, tại Hà Nội, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Những phiên đấu giá này đã nhận nhiều quan tâm từ dư luận và lo ngại gây nhiều hệ lụy. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty SBLaw cho biết, xét về các yếu tố cơ bản như hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, cũng như các dự án đầu tư lớn có khả năng thu hút nhân lực và tăng nguồn thu ngân sách, không có sự thay đổi đột biến nào để biện minh cho sự tăng vọt này.

Thêm vào đó, cách tổ chức các phiên đấu giá cũng chứa đựng nhiều điểm bất hợp lý. Thay vì tổ chức đấu giá trong một lần với hình thức bỏ phiếu kín và công khai ngay tại chỗ, một số khu vực lại áp dụng phương thức bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng, tối thiểu là 6 vòng. Việc kéo dài thời gian đấu giá như vậy có thể dẫn đến giá trúng thầu bị đẩy lên một cách bất hợp lý, ông Hà cho biết.

Ông Hà cho rằng, hiện tượng này có thể được xem là dấu hiệu của hành vi thao túng thị trường bất động sản, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến tình trạng “bong bóng” bất động sản, khiến giá cả vượt quá giá trị thực tế.

“Mức giá trúng thầu cao có thể gây ra những tác động sâu rộng đến mặt bằng giá đất chung của các khu vực xung quanh. Khi một lô đất được trúng thầu với giá vượt xa giá khởi điểm, nó thường thiết lập một chuẩn mực mới cho giá đất trong khu vực, dẫn đến việc các lô đất lân cận bị định giá cao hơn so với giá trị thực tế.

Điều này tạo ra một hiệu ứng lan tỏa, khiến giá đất trong khu vực tăng lên đồng loạt, ngay cả khi điều kiện hạ tầng và tiềm năng sử dụng của những lô đất khác không thay đổi” – ông Hà chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Cũng theo Luật sư Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia pháp lý dự án bất động sản, đây là một thực trạng đáng buồn bởi chính quyền đấu giá đất để mang lại nguồn thu và để giải quyết vấn đề an cư cho người dân có nhu cầu ở thực, nhưng lại trở thành "miếng mồi ngon" cho giới đầu cơ trục lợi.

“Hiện nay không ít nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá này với mục đích “lướt sóng" và không quan tâm giá trị thật là bao nhiêu, cứ trúng đã rồi mua bán sang tay ngay để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không hưởng ứng”, ông Nghĩa nhận định.

Hậu quả của tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá của đất đấu giá tăng cao, “vượt xa" giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn