Kiểm toán hoạt động góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kiểm toán hoạt động là một hình thức khó do đòi hỏi kiểm toán viên phải am hiểu nhiều lĩnh vực bên cạnh kiến thức về tài chính, kế toán. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xác định sẽ đẩy mạnh kiểm toán hoạt động gắn với tăng cường kiến nghị hoàn thiện chế độ, chính sách, nhằm góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Kiểm toán hoạt động góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Kiểm toán hoạt động là một hình thức khó do đòi hỏi kiểm toán viên phải am hiểu nhiều lĩnh vực bên cạnh kiến thức về tài chính, kế toán. Nguồn: internet

Có thể thấy, trong năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiệm vụ khá nặng nề dù giảm 12 đầu mối so với kế hoạch năm 2012 (kiểm toán tại 151 đầu mối). Bởi các cuộc kiểm toán đều tăng quy mô do lồng ghép một số nội dung kiểm toán trọng tâm về những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội quan tâm, cũng như những bất cập lớn được phát hiện qua kết quả kiểm toán từ những năm trước. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã lồng ghép kiểm toán công tác quản lý và sử dụng đất, bất động sản, phát triển nhà và đô thị; khai thác, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản... vào các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền, tài sản của nhà nước hay kiểm toán tài chính của doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, kết quả kiểm toán năm 2013 được tổng hợp từ 118 báo cáo đã phát hành cho thấy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính là 16.117 tỷ đồng, lớn hơn số kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xem xét hủy bỏ 28 văn bản của các bộ, ngành, địa phương không phù hợp với quy định hiện hành, thiếu tính thực tiễn. Không chỉ vậy, một số kết quả kiểm toán được công bố vào thời điểm thích hợp đã tạo dựng ấn tượng tốt với dư luận xã hội như công bố lương của lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích TP. Hồ Chí Minh, việc sử dụng trái phiếu Chính phủ...

Bên cạnh các con số về kiến nghị xử lý tài chính, văn bản không phù hợp, hay vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra, thì việc Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện quy trình, kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng cần được ghi nhận. Cụ thể, Tổng kiểm toán Nhà nước đã quyết định sửa đổi, bổ sung 4 quy trình kiểm toán, 9 đề cương, hướng dẫn và một số văn bản để góp phần chính quy, chuyên nghiệp hóa hoạt động kiểm toán.

Để kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã bổ sung Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tham gia thẩm định kế hoạch kiểm toán, dự thảo báo cáo kiểm toán, kiểm soát kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán. Các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực đã chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, thực hiện kiểm tra chéo giữa các tổ kiểm toán; kiên quyết xử lý, thay thế những trưởng đoàn, tổ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là những tiền đề để nâng cao chất lượng, kiểm soát hiệu quả kiểm toán trong thời gian tới.

Kết quả và các cải tiến, đổi mới về phương thức kiểm toán trong năm 2013 là một tiền đề thuận lợi cho xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, việc địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp (sửa đổi) đã tạo nhiều thời cơ mới cho cơ quan này.

Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh, năm 2014, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất và thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương pháp kiểm toán, xác định trọng yếu để tập trung kiểm toán theo chiều sâu; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động gắn với tăng cường kiến nghị hoàn thiện chế độ, chính sách, nhằm góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Đồng thời, thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỷ luật, kỷ cương của công chức kiểm toán viên để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí; phối hợp tốt với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Kiểm toán hoạt động là một hình thức kiểm toán khó so với kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ vì thay đổi hoàn toàn về quy trình, thủ tục thực hiện, đòi hỏi mỗi kiểm toán viên phải có kiến thức tổng hợp. Song có thể thấy, Kiểm toán Nhà nước có một thuận lợi lớn khi tại Phiên họp thứ Hai mươi hai của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tán thành với đề nghị thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII chuyên về kiểm toán hoạt động.

Tất nhiên, Kiểm toán Nhà nước phải đánh giá việc thực hiện kiểm toán hoạt động trong năm 2013 và 2014, có căn cứ vững chắc cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét việc thành lập cơ quan chuyên môn về kiểm toán hoạt động. Và với nỗ lực của đơn vị này trong năm 2013 và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ của năm 2014, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII chuyên về kiểm toán hoạt động có nhiều khả năng sẽ sớm được thành lập, góp phần giúp bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.