Kiểm toán ra tay, doanh nghiệp bay khỏi sàn

Theo Khắc Lâm/tinnhanhchungkhoan.vn

Yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi số liệu tuân theo các chuẩn mực kế toán, chấp nhận toàn phần nhưng vẫn nhấn mạnh để người đọc lưu ý về những vấn đề tiềm tàng, đưa ý kiến ngoại trừ, thậm chí từ chối đưa ra ý kiến là những nét vẽ khác trong mỗi mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của doanh nghiệp. Tiếng nói của kiểm toán là điều mà nhà đầu tư cần nhất bởi nhà đầu tư thì không thể, còn kiểm toán thì được thực thi vai trò giám sát, phản biện thông tin tài chính của các doanh nghiệp trên sàn.

Tiếng nói của kiểm toán là điều mà nhà đầu tư cần nhất.
Tiếng nói của kiểm toán là điều mà nhà đầu tư cần nhất.

Rời sàn vì kiểm toán từ chối đưa ý kiến

Ngày 12/05/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam từ ngày 9/6/2020.

Nguyên nhân là do tại Báo cáo kiểm toán ký ngày 31/03/2020 do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC hợp nhất và riêng năm 2019 của PVX. Theo đó, cổ phiếu PVX rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.

Có tới 11 căn cứ được Deloitte đưa ra về việc không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán, như Tổng công ty có lỗ lũy kế lớn, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán nợ đến hạn…

BCTC của một số công ty con không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán về các số liệu cũng như ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ năm trước lên BCTC kiểm toán của PVX…

Như vậy, PVX là cổ phiếu thứ hai tại sàn HNX bị hủy niêm yết do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến sau khi công bố BCTC kiểm toán 2019.

Trước đó, ngày 08/05/2020, HNX cũng đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu DNY của CTCP Thép Dana - Ý từ ngày 05/06/2020, do bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.

Cụ thể, tại Báo cáo kiểm toán độc lập số 690/2020/BCKT-AAC ký ngày 08/04/2020 do Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC thực hiện, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến do không thể thu thập được bằng chứng thích hợp về tính hiện hữu của 489 tỷ đồng hàng tồn kho đến cuối năm 2019.

Ngoài ra, DNY có 397,8 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình và 297,1 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang đã bị hoen rỉ và suy giảm chất lượng, công năng do tác động của môi trường sau khi Công ty đã ngừng hoạt động trên 12 tháng và kiểm toán viên không thể định lượng được giá trị.

Cùng với đó, còn khoản 15,8 tỷ đồng nợ phải trả của DNY cũng chưa được đối chiếu xác nhận tại thời điểm 31/12/2019.

Tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (VIETVALUES) cũng đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC hợp nhất và riêng năm 2019 của CTCP Landmark Holding (LMH).

Nguyên nhân được đưa ra là đến thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán chưa nhận được thư xác nhận của hàng loạt khoản mục như: phải thu ngắn hạn của khách hàng (53,5 tỷ đồng), trả trước cho người bán ngắn hạn (214,2 tỷ đồng), người mua trả tiền trước ngắn hạn (134,8 tỷ đồng),...

Cùng với đó, LMH chưa hạch toán khoản lãi phát sinh do chậm thanh toán của Công ty TNHH TM DV Nam Song Anh với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. Nếu hạch toán sẽ làm chi phí tài chính hợp nhất tăng lên và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ giảm với số tiền tương ứng.

Với quy chế niêm yết hiện nay, án hủy niêm yết với LMH là chuyện khó tránh.

Các cấp độ lên tiếng của kiểm toán

Đối với nhà đầu tư trên TTCK, việc một BCTC bị kiểm toán viên “Từ chối đưa ra ý kiến” là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao về chất lượng tài sản, dòng tiền, lợi nhuận mà doanh nghiệp công bố là không đủ độ tin cậy, tương ứng rủi ro lớn khi đầu tư vào những doanh nghiệp này.

Bên cạnh những doanh nghiệp bị đưa ý kiến từ chối, trường hợp phổ biến hơn là kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ, hoặc nhẹ hơn nữa là chấp nhận toàn phần nhưng vẫn nhấn mạnh để người đọc lưu ý về những vấn đề tiềm tàng, có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp…

Công ty kiểm toán chắc chắn không dễ dàng gì khi đưa ra các ý kiến ngược về những ghi nhận tài chính tại doanh nghiệp.

Trường hợp CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) là một ví dụ. Sau khi lợi nhuận trên BCTC được Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam thực hiện có chênh lệch lớn với báo cáo tự lập, CII giải trình cho biết: “Bản thân Công ty cũng rất bất ngờ về kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán. Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán, đã có khá nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí, nếu CII giữ nguyên quan điểm, chấp nhận cho đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với CII và các cổ đông của CII”.

Với vị trí là bên độc lập kiểm tra, đánh giá số liệu tài chính, kế toán của doanh nghiệp, công ty kiểm toán có vai trò giúp thị trường nhìn ra bức tranh thực về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Những trường hợp kiểm toán đưa ý kiến buộc doanh nghiệp phải thay đổi như tại CII, đưa ý kiến ngoại trừ hay thậm chí từ chối đưa ý kiến như tại PVX, LMH hay DNY, là những thông tin thiết thực với nhà đầu tư, cho thấy đơn vị kiểm toán đã thực thi được vai trò giám sát, phát hiện và nêu ra những điểm bất thường trên báo cáo tài chính tự lập của các doanh nghiệp.

Từ câu chuyện kiểm toán lên tiếng, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi có bao nhiêu DN thực sự làm nghiêm túc và chuẩn mực báo cáo tài chính? Có nhiều công ty kiểm toán chỉ ra những câu chuyện bất thường tại doanh nghiệp hay không và có nên coi đó như một thông số đánh giá mức độ minh bạch và liêm chính của TTCK hay không?

Tháng 2/2017, cổ phiếu ATA của CTCP NTACO đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE do Công ty Kiểm toán A&C từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2015. Cũng trên báo cáo này, khoản hàng tồn kho 400 tỷ đồng tồn tại từ nhiều năm trước đã bốc hơi về 0 đồng, Công ty ghi nhận lỗ trên 426 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng.

Tháng 7/2016, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đột ngột báo lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016 khi Công Ty TNHH Ernst & Young Việt Nam phát hiện những sai lệch trong kiểm kê hàng tồn kho với giá trị lên đến 1.051 tỷ đồng và BCTC 2015 bị điều chỉnh hồi tố một số khoản mục.

Sai sót trong số liệu của ATA hay TTF được đánh giá không thể diễn ra trong một sớm một chiều, tuy vậy trong các báo cáo kiểm toán, soát xét trước đó bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đất Việt (với ATA) Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam (với TTF) đều đưa ý kiến chấp nhận toàn phần.

Đáng kể hơn là trường hợp CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) bị phát hiện gần như không có hoạt động kinh doanh, thực hiện buôn bán hóa đơn với nhiều công ty khác sai lệch tài chính… nhưng vẫn được kiểm toán chấp thuận toàn phần làm cơ sở đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

ATA hay TTF, MTM hay trước đó là câu chuyện tại Dược Viễn Đông chỉ là những ví dụ đơn cử, còn rất nhiều trường hợp báo cáo dù đã được kiểm toán chấp nhận toàn phần, nhưng sau đó doanh nghiệp vỡ ra những sai lệch trọng yếu và gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi tin theo những số liệu trên các BCTC đã được kiểm toán.

TTCK Việt Nam hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đại chúng, có cổ phiếu đang giao dịch trên 3 sàn, nhưng số lượng các báo cáo bị phát hiện có vấn đề còn rất thấp.

Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của các công ty kiểm toán chủ động nói ngược với báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp, nhà quản lý cần có thêm những giải pháp thúc đẩy tính chuẩn mực và liêm chính trong việc ra báo cáo kiểm toán đánh giá doanh nghiệp đại chúng hàng năm.

Những nỗi đau quá khứ cho thấy, khi để sai sót chồng lên sai sót, hậu quả cho thị trường, cho nhà đầu tư đại chúng là rất lớn. Thị trường mất uy tín, còn nhà đầu tư, cổ đông đại chúng mất trắng khoản đầu tư vào các DN bị che đậy sức khỏe thật.