Nhận diện rõ những tồn tại trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đơn cử như: Còn vốn chưa phân bổ chi tiết; chưa phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước; bố trí vốn chưa phù hợp... dẫn đến tình trạng xin trả lại vốn, điều chỉnh vốn.
Còn 53.049,202 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Tài chính nhận định, pháp luật về đầu tư công đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền, quản lý thống nhất. Bên cạnh việc Luật Đầu tư công đã phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 Luật đã tiếp tục phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn nước ngoài cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...
Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong triển khai sử dụng vốn. Trong 03 năm 2021-2023, hàng năm, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Chỉ thị và nhiều công điện của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn có các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và duy trì tổ chức các Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Những tồn tại của việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa được khắc phục trong giai đoạn 2021-2025.
Điển hình như việc chưa phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương chưa bố trí thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 7.890,595 tỷ đồng.
Hiện nay, nguồn ngân sách trung ương (dành tối đa không quá 30% vốn ngân sách trung ương) bổ sung có mục tiêu cho địa phương cơ bản đã được dự kiến phân bổ hết cho các dự án. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguồn vốn, phương án thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước cho các địa phương và thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cũng theo Bộ Tài chính, số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.049,202 tỷ đồng, chiếm 4% số vốn ngân sách trung ương được phép phân bổ chi tiết phải đưa vào dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, có trường hợp dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng chưa đủ điều kiện để giao kế hoạch năm do chưa đủ thủ tục đầu tư trong khi kế hoạch hằng năm đã dành nguồn cho dự án này. Có thể kể đến Dự án Đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.500 tỷ đồng cho tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện. Kế hoạch năm 2021 là 300 tỷ đồng, năm 2022 là 538 tỷ đồng; số vốn kế hoạch hằng năm nêu trên đều không phân bổ được cho dự án và tỉnh Cao Bằng đã phải hoàn trả ngân sách trung ương. Đối với kế hoạch năm 2023 là 500 tỷ đồng, đến nay cũng chưa phân bổ.
Bố trí vốn còn chưa phù hợp
Việc giao kế hoạch đầu tư công chậm cũng gây khó khăn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư. Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bắt đầu lập từ cuối năm 2019. Đến ngày 15/9/2021, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giao để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, việc triển khai thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới cần phải có thời gian để thực hiện theo quy trình thủ tục chặt chẽ, qua nhiều bước mới có thể khởi công và giải ngân kế hoạch vốn. Dự kiến các dự án thuận lợi nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến khởi công xây dựng cũng mất khoảng 08-12 tháng. Thực tế này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án khởi công mới trong các năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Ngoài các tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc bố trí vốn còn chưa phù hợp với tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, một số bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lớn, tuy nhiên đến nay lũy kế vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công hàng năm (các năm 2021, 2022, 2023) còn thấp. Đồng thời, chưa dự kiến được khả năng hấp thụ, sử dụng vốn của các dự án nên một số bộ đang đề nghị trả lại vốn hay phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn hằng năm.
Việc bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, liên vùng như: Dự án Cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối quốc lộ 4D từ thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai sang huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Dự án Cầu Gành Hào và đường dẫn kết nối tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau... đến nay còn nhiều vướng mắc, chưa phân bổ và chưa giải ngân.
Mặt khác, một số bộ, cơ quan trung ương lại chưa được bố trí đủ kế hoạch đầu tư công trung hạn theo nhu cầu vốn của đơn vị. Công tác bố trí vốn cũng chưa ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp nhằm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng trong khi vẫn bố trí vốn để thực hiện dự án khởi công mới.
Vai trò "vốn mồi" chưa phát huy như kỳ vọng
Theo Bộ Tài chính, thực tế cho thấy là vai trò “vốn mồi”, “dẫn dắt” của vốn đầu tư công trong phục hồi và phát triển kinh tế ở giai đoạn 02 năm vừa qua là chưa được phát huy đúng theo như kỳ vọng, kết quả giải ngân hằng năm đạt dưới 80% so với kế hoạch triển khai.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025. Với vai trò là cơ quan tổng hợp, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, đánh giá sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả của việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua, cũng như trong giai đoạn sắp tới.
Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những vướng mắc theo quy định ở các Luật (Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước...) đang có sự chồng chéo và quy định chưa thống nhất, dẫn đến công tác tổ chức thực hiện gặp lúng túng, tình trạng “vốn chờ dự án” là thực tế chưa có biện pháp khắc phục ngay.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, các quy định tại Luật đã có trước khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Những vướng mắc này đã có thể nhận diện, nhưng khi xây dựng kế hoạch, các đơn vị thực hiện cũng như cơ quan tổng hợp vẫn đưa các dự án vào dự kiến kế hoạch, dẫn đến các bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện.
Thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là không nhiều, trong khi đó vẫn còn những dự án với số vốn dự kiến giao lớn nhưng chưa đủ điều kiện giao chi tiết kế hoạch năm để thực hiện. Cho rằng đảm bảo hoàn thành các dự án này trong kỳ kế hoạch là khó khả thi, Bộ Tài chín đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát nội dung này, đề xuất giải pháp đảm bảo theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Với số liệu về vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương chưa được bố trí kế hoạch thu hồi và số nợ xây dựng cơ bản được Bộ Tài chính chỉ ra ở trên, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung giải pháp kiên quyết bố trí đủ vốn để thu hồi vốn ứng trước ngân sách trung ương và xử lý nợ xây dựng cơ bản theo đúng quy định.
Về các giải pháp yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên… và đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.