Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019

Theo Nguyễn Việt-Minh Đức/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ được yêu cầu vào cuộc cùng Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc tăng giá điện thêm 8,36% từ 20/3. Các cơ quan này có trách nhiệm làm rõ đúng sai của việc tăng giá điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 1

Giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3, lên mức 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, để có cơ sở tính giá điện cũ và mới ngành điện thông báo và chốt chỉ số công tơ của các hộ dùng điện (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp...) trong 24 giờ, theo Thông tư 16/2014 về giá bán điện.

Với các hộ dùng điện sản xuất do đã lắp đặt công tơ điện tử từ xa, chỉ số điện sẽ chốt vào 0h ngày 20/3. Trường hợp đã lắp thu thập dữ liệu từ xa nhưng không lấy được dữ liệu chỉ số vào 0h, nhà đèn sẽ căn cứ vào dữ liệu lấy được gần nhất sau 0h ngày 20/3 để tính toán thay đổi giá. Các số liệu này được ngành điện gửi email, thông báo tin nhắn tới từng khách hàng để đối chiếu theo dõi.

Riêng hộ gia đình dùng điện sinh hoạt, hóa đơn điện sẽ được tính theo giá cũ và mới trên số ngày dùng điện thực tế. Theo cách tính này, ví dụ khách hàng tiêu thụ 520 kWh trong 31 ngày (kỳ ghi hóa đơn 13/3 đến 12/4); số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 7 ngày; số ngày dùng giá điện mới là 24 ngày. Như vậy sản lượng điện tính theo giá cũ: (520 kWh/31 ngày) * 7 ngày  = 117 kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 403 kWh.

Ứng với từng bậc thang và đơn giá điện cũ, số tiền điện phải trả của 7 ngày giá điện cũ là 261.564 đồng. Với định mức cho đơn giá mới, số tiền khách hàng phải trả là 976.774 đồng. Tổng cộng số tiền điện phải trả tháng 4 là 1.238.338 đồng (chưa gồm thuế VAT 10%). Và số tiền điện sau thuế là 1.362.172 đồng. Như vậy, số tiền điện tháng 4 sẽ phải trả thêm 83.015 đồng so với khi giá điện chưa tăng (mức giá cũ là 1.279.157 đồng, gồm thuế VAT).

Theo lãnh đạo EVN, khi giá điện tăng 8,36%, EVN dự kiến sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỷ đồng, chi phí chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỷ đồng và gần 3.800 tỷ đồng thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.

Bên cạnh đó, 20.000 tỷ đồng thu trên cũng sẽ được trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước, cùng một số chi phí phát sinh khác mà EVN đã tính toán.

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 2

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 3

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Phương án giá điện bậc thang hiện nay được chọn sau khi lấy ý kiến rộng rãi và tính tới đa mục tiêu như bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Điện năng là hàng hóa đặc biệt, sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy phát điện, về nguyên tắc, ngành điện sẽ để nhà máy có giá rẻ phát điện trước, đắt phát sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Vì đặc điểm này nên nhiều nước trên thế giới (Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia...) đều áp dụng giá điện bậc thang với giá tăng dần theo từng bậc.

Năm 2018, Việt Nam có 9 triệu hộ sử dụng điện mức 100 kWh một tháng trở xuống, chiếm trên 35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt. Do vậy giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (51-100 kWh) được tính toán tương ứng bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, để hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại có giá cao hơn.

Tuy nhiên, đúng là khi nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao và công tơ điện tử được dùng thay thế công tơ cơ ngày càng nhiều thì việc đưa ra biểu giá điện bậc thang mới là cần thiết. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.  

Trước đó, theo tính toán của Bộ Công Thương, tiền điện phải trả thêm của mỗi hộ gia đình là 7.000-77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh. Khoản tiền điện phải trả thêm của hộ sản xuất và hộ dùng điện theo giá kinh doanh khoảng 500.000 đồng một tháng. Với hộ dùng điện sản xuất, số tiền trả bình quân mỗi tháng hiện gần 12,4 triệu đồng. Khi giá điện tăng lên thì số tiền trung bình mỗi hộ phải trả thêm gần 870.000 đồng một tháng...

Ông Vượng cho biết thêm, sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng để kiểm tra lại. Bộ cũng đã lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, đại diện một số hiệp hội ngành hàng... Đoàn cũng sẽ kiểm tra tình hình sử dụng điện của một số khách hàng lớn tại từng khu vực, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới chi phí mua điện và giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tính theo 6 bậc thang. Theo đó, với bậc 1, khách hàng sử dụng dưới 50kwh, giá điện sẽ tăng khoảng 8,3% (khoảng 7.000 đồng/tháng). Bậc 2 (từ 50 đến 100 kWh), khách hàng phải trả thêm hàng tháng khoảng 14.000 đồng (tăng khoảng 8,4%).

Biểu giá điện bậc thang

Biểu giá điện bậc thang

Với bậc 3 (sử dụng dưới 200 kWh), khách trả thêm 31.600 đồng; khách hàng sử dụng đến 300kWh/tháng (bậc 4) sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng, đến 400 kWh (bậc 5) sẽ trả thêm 77.200 đồng/tháng.

Trong số 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh chiếm 35,8% (khoảng 9,22 triệu hộ); hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên  400 kWh chiếm khoảng 7%.

Việc tính giá điện bậc thang là cần thiết. Các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ 50.340 đồng/tháng. Hiện cả nước có 2,11 triệu hộ nghèo, hộ chính sách, mỗi năm ngân sách đều hỗ trợ tiền điện cho các đối tượng này 1.274 tỷ đồng.

Với các hộ dùng điện cho kinh doanh (khoảng 443.000 hộ), sẽ phải chỉ trả binh quân thêm 500.000 đồng/khách hàng mỗi tháng.  Cả nước có hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất. Với mức tăng trên, bình quân mỗi tháng một hộ phải trả 12,39 triệu đồng, tăng thêm 869.000 đồng/hộ.

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 4PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, không chỉ vì giá điện tăng 8,36%, mà nguyên nhân chính là việc phân giá điện thành 6 bậc là chưa hợp lý khiến thiệt hại về phía người tiêu dùng. Nếu theo cách tính 6 bậc của Tập đoàn Điện lực, tổng số tiền thu được, chia cho giá điện sẽ lớn hơn  nhiều giá niêm yết cho từng bậc. Việc này có lợi cho doanh nghiệp chứ người dân thiệt hại.

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 5

PGS.TS Ngô Trí Long đồng tình  với cách tính bậc thang lũy tiến, nhưng ông Long lại cho rằng "vấn đề" nằm ở khoảng cách mỗi bậc là bao nhiêu so với giá bình quân, nếu bậc nào dùng nhiều nhất thì không nên tính giá quá cao so với mức bán lẻ bình quân. Có nghĩa, doanh thu sản lượng điện hàng năm chia cho doanh thu tiền điện cho sản lượng điện thương phẩm phải bằng với giá là 1.864,4 đồng/kWh.

Ví dụ, hiện nay người tiêu dùng nhiều nhất trong khoảng từ 201 đến 300 kWh, thì giá bán lẻ ở bậc này chỉ nên cao hơn giá bán lẻ bình quân có thể từ 1,1 đến 1,2, còn với 1,36% là cao quá mức. Ngoài ra, chia càng nhiều bậc thì càng chính xác.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, dù hộ nghèo hiện nay cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh/tháng, đời sống đã khác xưa. Do đó, phải tính toán để đại đa số người dân được hưởng mức giá hợp lý hơn.

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 6Ông Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho rằng, điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các đầu vào để tính chi phí, bởi nếu không, nó dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết.

Kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019 - Ảnh 7

Ông Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam): Thông thường, có từ 7-9 yếu tố được tính vào đầu vào, gồm: khấu hao, nguyên nhiên liệu, vật liệu; lương (thưởng); sửa chữa lớn; dịch vụ mua ngoài; chi phí tài chính (lãi vay, chênh lệch tỷ giá); chi phí phát triển khách hàng và các chi phí bằng tiền khác. Trong các chi phí đầu vào trên, có 2 chi phí là khấu hao và chi phí định mức lương là do Nhà nước quy định, còn các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết định.

Ông Lâm cũng cho rằng, việc EVN tự quyết định có thể dẫn đến có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành.

Thủy điện vẫn là nguồn sản xuất điện chủ lực của Việt Nam.
Thủy điện vẫn là nguồn sản xuất điện chủ lực của Việt Nam.

Ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni (TP HCM) thì đánh giá, mặc dù là một doanh nghiệp nhận vốn của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó là sản xuất, truyền tải và xuất nhập khẩu điện năng, đảm bảo thực hiện kế hoạch cung cấp điện cho toàn Việt Nam, nhưng tính minh bạch của EVN còn thua xa một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán. Báo cáo thường niên của EVN chỉ vỏn vẹn 40 trang. Trong khi báo cáo của một doanh nghiệp có doanh số 1.000 tỷ đồng đã hơn 100 trang. 

Rõ ràng, EVN cần minh bạch mọi chi tiết liên quan đến giá điện bình quân, như giá thành, chi phí sản xuất, các loại chi phí trực tiếp, gián tiếp khá và tất cả con số này phải cầm kiểm toán và thanh tra. Tuy nhiên, có điều rất lạ lùng, là trong hoàn cảnh này mà Bộ Công Thương xin Quốc hội cơ chế bảo mật giá điện. Đây là một bước thụt lùi và là một cách làm không giống ai trên thế giới.