Kiên định lập trường ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 sẽ tăng trưởng thấp hơn so với năm 2018 và chậm lại trong những năm tới đây. Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế có thể tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về những tác động trên?

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu thặng dư thương mại giảm nhanh có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Bởi xưa nay nhiều nước phải dùng đến chiêu bài phá giá để hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng nếu phá giá lại tác động tới lạm phát. Trong khi áp lực lạm phát trong năm 2019 được dự báo còn lớn hơn năm 2018, nhất là khi giá các mặt hàng cơ bản như: xăng dầu, điện… đồng loạt tăng với mức tăng vượt dự kiến.

Dù loại trừ những yếu tố giá khác giảm như giá hàng hóa trên thế giới giảm mạnh… nhưng lạm phát trong năm 2019 có thể sẽ tăng thêm trên dưới 1% so với năm ngoái. Vì thế, NHNN sẽ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về điều hành tỷ giá. Lạm phát tăng, tỷ giá cũng chịu áp lực nhất định, lãi suất không thể tránh khỏi sức ép tăng.

Còn đối với tín dụng, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại mọi người thường kỳ vọng mở rộng tín dụng để kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này tạo sức ép cho hệ thống ngân hàng phải bơm tín dụng nhiều hơn vào nền kinh tế hỗ trợ cho tăng trưởng đạt mục tiêu.

Vậy, NHNN cần có giải pháp ra sao để ứng phó với những thách thức trên, thưa ông?

Theo tôi, thời gian tới NHNN cần lưu ý theo dõi chặt chẽ thặng dư thương mại, cán cân vãng lai… Bởi đây là những nhân tố tác động lớn đến tỷ giá hối đoái. Nếu thị trường có biến động thì NHNN có thể linh hoạt điều chỉnh tỷ giá nhích lên một chút. Còn hiện tại, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN chưa cần có biện pháp can thiệp. Tôi hy vọng, quý tới tình hình xuất khẩu được cải thiện, thặng dư thương mại sẽ tăng lên so với quý trước.

Đối với điều hành tín dụng, tôi cho rằng NHNN cũng sẽ có lập trường vững chắc, tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Mặc dù sự kiên định trên của NHNN có thể làm cho tăng trưởng kinh tế không đạt như mong muốn, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy, NHNN dứt khoát giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải, đồng thời giám sát chặt chẽ đường đi của dòng vốn đó. Với cách điều hành trên của NHNN sẽ giúp lạm phát của Việt Nam được kiểm soát vững chắc.

Thời gian tới, theo tôi, NHNN nên cho phép ngân hàng nào xử lý nợ xấu tốt được tăng trưởng tín dụng cao hơn so với quy định chung chứ không nhất thiết phải áp dụng tiêu chuẩn theo Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mà cứ căn cứ vào hệ số CAR của các ngân hàng để điều hành chỉ tiêu tín dụng.

Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức 14% là phù hợp với sức hấp thụ cũng như cân đối vĩ mô khác. Nhưng mục tiêu trên có thể gặp khó nếu tình trạng thiếu vốn của các NHTM có vốn nhà nước không được giải quyết. Bởi đó là kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế.

Ông có gợi ý chính sách tháo gỡ nút thắt này không?

Tôi cho rằng, ngoài phương án Nhà nước cho phép các ngân hàng này giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, có thể tính đến phương án nới room NĐTNN tại các ngân hàng trên. Một phương án nữa là cho phép các ngân hàng được phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 2 – 5 năm và cho phép ngân hàng hạch toán trái phiếu này vào vốn tự có.

Nếu trái phiếu này có lãi suất đủ hấp dẫn có thể khuyến khích các NHTM khác hoặc thậm chí là NHNN mua để giúp các ngân hàng tăng vốn. Như ở Mỹ, khi các ngân hàng lớn gặp khó khăn về vốn, NHTW mua lại trái phiếu của những ngân hàng này; sau đó bán dần dần khi các ngân hàng đó phục hồi.

Xin cảm ơn ông!