Kiến nghị chấm dứt ưu đãi “vượt khung“
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vốn vào sản xuất, kinh doanh thấp nhất nhưng tốc độ tăng doanh thu lại lớn và đạt lợi nhuận cao nhất. Đó là nội dung được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố trong báo cáo đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2016 mới đây.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng vốn sử dụng cho SXKD của khu vực doanh nghiệp tính đến cuối năm 2016 là 30,2 triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút tăng thêm 16,4% vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 16,75 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 55,5% vốn của toàn bộ doanh nghiệp; Bình quân mỗi năm doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút thêm 18% vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) huy động vào sản xuất, kinh doanh là 8,36 triệu tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Bình quân cả giai đoạn, mỗi năm DNNN thu hút 13% vốn cho sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI thu hút 5,01 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh, bình quân mỗi năm thu hút thêm 17,7% vốn. Đây cũng được đánh giá là khu vực có tốc độ thu hút vốn mạnh trong những năm gần đây.
Về lợi nhuận, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ doanh nghiệp nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 45,9% lợi nhuận toàn bộ doanh nghiệp.
Mặc dù lợi nhuận lớn, nhưng theo Tổng cục Thống kê, khu vực FDI lại đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước lợi nhuận thấp nhất, nhưng lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất. Cụ thể, năm 2016, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp vào ngân sách 434,7 nghìn tỷ đồng. Các DNNN đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng; Doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 250,9 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) - sở dĩ khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhuận lớn song lại đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất là bởi khu vực này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, như lắp ráp, phân phối sản phẩm viễn thông, linh kiện điện tử, nên có lợi nhuận cao hơn những ngành khác.
Bên cạnh đó, những sản phẩm này thường được miễn giảm thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên còn được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong nhiều năm liền. Bên cạnh các chính sách thu hút FDI của nhà nước, nhiều địa phương cũng có những ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, trong đó bao gồm cả các chính sách miễn giảm thuế, điều này vô tình tạo nên sự cạnh tranh thiếu bình đẳng đối với các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Đình Thúy kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại cơ chế thu hút FDI. Theo đó, có chế tài đối với những địa phương đưa ra ưu đãi "vượt khung" nhằm thu hút FDI bằng mọi giá.
Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê): Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, Chính phủ cần sắp xếp lại DNNN, chú trọng thu hút FDI hiệu quả, đặc biệt cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển.