Kiên quyết ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật tài chính
Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 4033/BTC-PC yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Kịp thời phát hiện, xử lý các quy định trái luật, mâu thuẫn, chồng chéo
Tại Văn bản này, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm, trong đó không được chỉ đạo, ban hành thể chế, cơ chế, chính sách có nội dung trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Các đơn vị chủ động lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định. Trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách. Tăng cường truyền thông chính sách ngay trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự đồng thuận của xã hội, nhân dân và bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân, doanh nghiệp tham gia có chất lượng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của cấp trên đã được thông qua, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, thời hạn soạn thảo, tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc trường hợp được áp dụng thủ tục này; tăng cường kiểm soát việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị cần tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp. Rà soát đầy đủ, tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm hạn chế xây dựng ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình thực thi.
Khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định. Hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và chất lượng tài liệu. Không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần xác định công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật là công tác thường xuyên, liên tục. Tăng cường tự kiểm tra để kịp thời nhận diện, chấn chỉnh, khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; đề cao hơn nữa trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các quy định pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt là xử lý triệt để văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, không để xảy ra trường hợp văn bản có quy định trái pháp luật gây tác động tiêu cực đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Xử lý nghiêm hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách
Bên cạnh việc chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, cần tăng cường kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để kịp thời phát hiện nội dung trái luật, kiến nghị biện pháp xử lý.
Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.
Các đơn vị phải nâng cao năng lực, phẩm chất cho công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.