Kiên quyết và chủ động
(Tài chính) Tinh thần đó được thể hiện qua việc Việt Nam kỳ công lên kế hoạch phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020; trước đó là Luật Phòng, chống rửa tiền và những văn bản dưới luật cũng lần lượt được ban hành, kiện toàn hành lang pháp lý theo đúng cam kết quốc tế.
Trong xu thế phát triển kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, Cơ quan Phụ trách Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) nhận định: Việt Nam là địa chỉ dễ bị bọn tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với các hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng.
Nhận thức rõ điều đó, kể từ năm 2005, Việt Nam đã chính thức tuyên chiến với nạn rửa tiền qua việc ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về Phòng, chống rửa tiền (PCRT). Trong đó, yêu cầu giám sát chặt chẽ mọi giao dịch khả nghi nhằm phòng chống hiệu quả hoạt động rửa tiền. Đồng thời, xác định rõ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại gánh trọng trách chính trong hoạt động này. Ban chỉ đạo PCRT cũng nhanh chóng được thành lập ngay sau đó nhằm bảo đảm hoạt động này được triển khai một cách đúng hướng và hiệu quả.
Luật PCRT – một trong những điểm tựa vững chắc nhất cho hoạt động PCRT ở Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013). Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động PCRT ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Từ nền tảng đó, ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2013/ QÐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2013/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT.
Không chỉ hoàn thiện về cơ chế cho hoạt động PCRT, nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực khủng bố, tài trợ khủng bố (TTKB) cũng đã được Việt Nam dần kiện toàn. Bởi theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), tội TTKB là tội phạm nguồn của tội rửa tiền, do đó để đảm bảo hoạt động PCRT có hiệu quả, cần thiết phải ban hành các quy định về chống TTKB, khủng bố. Và như vậy, ngày 12/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố (có hiệu lực kể từ 01/10/2013). Tiếp đến, ngày 11/10/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 122/2013/NÐ- CP về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, TTKB; Xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, TTKB…
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch PCRT và TTKB giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu tổng quát là xây dựng một cơ chế PCRT và TTKB có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế PCRT, TTKB của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á–Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia…“Nỗ lực của Việt Nam đã đem lại hiệu quả vững chắc trong xây dựng năng lực của các thể chế thực thi pháp luật và tư pháp”, đại diện Cơ quan UNODC ghi nhận.
Mạnh tay với mọi hành vi liên quan đến rửa tiền
Bên cạnh việc hoàn thiện về hành lang pháp lý, hoạt động thu thập phân tích và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, TTKB cũng được Việt Nam đẩy mạnh. Theo nhận diện của Cục Cảnh sát kinh tế, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), tội phạm rửa tiền ở Việt Nam đang ngày càng tinh vi, phổ biến nhất là tuồn tiền “bẩn” từ nước ngoài để rửa tiền. Một bộ phận tội phạm trong nước đã sử dụng số tiền này lừa đảo, tham nhũng, mua - bán ma túy... “rửa” bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế “ma”. Việc rửa tiền không chỉ được tiến hành qua ngân hàng mà còn qua các kênh: chứng khoán, bất động sản, đánh bạc ở casino... Trên thực tế, các chiêu thức rửa tiền ngày càng tinh vi và khó phát hiện, đặc biệt khi sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng. Nhận thức rõ tình hình và nhiệm vụ phòng chống “nạn” rửa tiền, thời gian qua, Cơ quan Công an Việt Nam đã chủ động phối hợp với NHNN, các ngân hàng thương mại và các ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp PCRT. Cơ quan điều tra cũng tiến hành điều tra làm rõ một số vụ việc liên quan đến rửa tiền thông qua đầu tư dự án...
Đánh giá cao về nỗ lực trong công tác PCRT của Việt Nam, APG và FATF đã đưa ra những nhận xét tích cực đối với cơ chế PCRT, TTKB của Việt Nam và đã quyết định rút Việt Nam ra khỏi Danh sách 2, đưa trở về Danh sách 3. Đây là thành công lớn của Việt Nam, trong đó phải kể đến những nỗ lực của NHNN trên cương vị là đơn vị đầu mối, đã tích cực bám sát các chương trình của APG, FATF, chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.