Kinh doanh bán lẻ không dễ

Theo Thúy Hải/sggp.org.vn

Từ nhiều năm qua, Việt Nam được xem là một trong những thị trường bán lẻ đầy tiềm năng bởi dân số đông, sức mua lớn. Nhưng không phải nhà bán lẻ nào cũng thành công...

Liên tục 4 năm qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu bán lẻ toàn cầu.
Liên tục 4 năm qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu bán lẻ toàn cầu.

Người đến, kẻ đi

Liên tục 4 năm qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu bán lẻ toàn cầu. Từng đặt nhiều kỳ vọng khi bắt đầu ở Việt Nam, mới đây nhất, chuỗi siêu thị bán lẻ Auchan (Pháp) đã quyết định rút khỏi Việt Nam. Auchan vào Việt Nam từ năm 2015, hiện có 18 siêu thị đặt tại TPHCM, Hà Nội và Tây Ninh.

Mảng kinh doanh của thương hiệu này đạt doanh thu 50,4 triệu USD trong năm 2018 và vẫn đang thua lỗ. Do vậy, Auchan quyết định dừng kinh doanh tại Việt Nam để cắt lỗ và đang đàm phán với đối tác để tiếp quản các điểm bán lẻ hiện hữu tại Việt Nam.

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB - công ty thành viên của Tập đoàn Lion), Parkson gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những nhà phát triển mặt bằng bán lẻ hàng hiệu đầu tiên. Nhưng nhiều năm qua, hàng loạt trung tâm thương mại (TTTM) của Parkson lần lượt bị đóng cửa, cho thấy tương lai không sáng sủa của hệ thống này tại Việt Nam.

Metro Cash&Carry là một trong những tập đoàn bán lẻ đầu tiên của châu Âu vào Việt Nam kinh doanh dưới hình thức bán sỉ. Năm 2014, tập đoàn này cũng đã chuyển nhượng toàn bộ điểm bán và bất động sản, bao gồm 19 TTTM tại 14 tỉnh, thành và 5 kho trung chuyển cho Tập đoàn TCC (Thái Lan).

Sau khi mua lại, năm 2017, Tập đoàn TCC đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để thiết kế lại quầy kệ, mặt hàng, chiến lược kinh doanh cũng như đổi tên hệ thống thành MM Mega Market. Tương tự, ngày 26/4/2016, Tập đoàn Casino (Pháp) thông báo đã bán hệ thống siêu thị Big C cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) với giá 1,14 tỷ USD nhằm bù vào các khoản nợ hiện hữu do kinh doanh thua lỗ tại nhiều thị trường của tập đoàn này.

Như vậy, sau khi Auchan đóng cửa các điểm bán, cũng xem như các chuỗi bán lẻ đến từ châu Âu không còn hiện diện tại Việt Nam. Thay vào đó, các đại gia bán lẻ đến từ châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang nắm giữ thị phần cũng như nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam.

Phải hiểu người tiêu dùng

Bình luận về chuyện “người đến, kẻ đi” liên tục trên thị trường bán lẻ trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng không chỉ ở thị trường Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy.

Ngành bán lẻ Việt Nam về tổng quan vẫn là thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng vì thị phần kênh phân phối hiện đại còn rất thấp, trong khi xu thế của người tiêu dùng đang dần chuyển đổi từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại ngày càng tăng. Điều này cũng đồng nghĩa, sức hấp dẫn và cơ hội khai thác thị trường rất lớn.

Tuy nhiên, để tồn tại và thành công trên thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong kinh doanh bán lẻ, có nhiều yếu tố quyết định sự sống còn của cả hệ thống. Đó là khả năng nắm bắt, lựa chọn khách hàng mục tiêu và phân khúc thị trường.

Với Parkson, khi vào Việt Nam họ chọn phân khúc trung và cao cấp, vậy chiến lược kinh doanh phải đặt để sao cho có thể thu hút tất cả các nhãn hàng và mặt hàng cùng tham gia nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Xét ở góc độ này, Parkson không làm được, trong khi các mô hình TTTM khác làm được điều này.

Tương tự, với Auchan, họ chọn phân khúc trung bình nhưng lại chưa đáp ứng, chưa nắm đúng mạch và nhu cầu của người tiêu dùng. Điều quan trọng, Auchan thiếu một đội ngũ điều hành giỏi. Họ có thể đưa vài người giỏi vào điều hành nhưng những người này lại không nắm bắt được môi trường, văn hóa và mô hình kinh doanh nên không thể chuyển tải hết ý tưởng của mình vào cả một đội ngũ làm việc.

Ngoài ra, Auchan cũng không có sự gắn kết chặt chẽ với các đối tác, kể cả đối tác nội bộ (nhân viên trong hệ thống) và đối tác bên ngoài (các nhà cung cấp) để cùng chia sẻ về chiến lược, triết lý kinh doanh. Auchan cũng chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác cung ứng mặt bằng để có nhiều sự lựa chọn hơn về phát triển điểm bán. Do bị “gãy” ở nhiều điểm quan trọng, khiến Auchan khó có thể thành công tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, sự cạnh tranh ở thị trường bán lẻ Việt Nam cũng hết sức quyết liệt, có cạnh tranh lành mạnh và cũng có sự cạnh tranh không lành mạnh. Sự cạnh tranh không lành mạnh chính là các đợt giảm giá, khuyến mãi không được kiểm soát. Trên thực tế, các đợt giảm giá được thực hiện từ chính người tiêu dùng và nhà cung cấp.

Trong bối cảnh thu nhập người dân chưa thật cao, sự cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra khá phổ biến, nếu nhà bán lẻ không nắm bắt kỹ nhu cầu, thị trường để đưa ra chiến lược lược kinh doanh phù hợp sẽ rất khó có thể tồn tại và thành công.

“Cái chết” mới đây của Shop&Go cũng như việc thay tên, đổi chủ hoặc phải đóng cửa các điểm bán của nhiều thương hiệu trên thị trường bán lẻ cho thấy cuộc chơi này rất khắc nghiệt. Điều đó đòi hỏi những người tham gia không chỉ “mạnh về gạo, bạo vì tiền” mà còn phải thật sự hiểu và yêu chiều những người tiêu dùng.