Kinh doanh trực tuyến lấn lướt

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Mặc dù tỷ lệ người mua sắm qua mạng đang tăng nhanh, nhưng lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa, giá trị món hàng mà người tiêu dùng chọn mua trực tuyến còn thấp, mang tính nhỏ, lẻ.

Kinh doanh trực tuyến lấn lướt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự “đổ bộ” và bành trướng của nhiều “đại gia” kinh doanh trực tuyến trong và ngoài nước như Lazada, Zalora, Tiki, Sendo, Maxbuy… Sự bùng nổ kinh doanh trực tuyến cùng với chiến lược “dội bom” truyền thông để quảng cáo, khuyến mãi khiến nảy sinh quan ngại: Liệu kinh doanh trực tuyến có góp phần đẩy các trung tâm kinh doanh điện tử, điện máy đến bờ vực đóng cửa?

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện có 164 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Các mô hình chủ yếu là gian hàng trực tuyến, rao vặt, mua theo nhóm. Sản phẩm kinh doanh trực tuyến tại các website này là hàng tiêu dùng, thời trang, hàng công nghệ, điện tử, điện lạnh, sách báo…

Mới nhất, quy mô đầu tư lớn bậc nhất có thể kể đến Lazada. Tại trang mua sắm trực tuyến này hiện có đến 27.000 loại sản phẩm hàng hóa tổng hợp. Lazada có bộ phận chuyên vận chuyển cho từng phân khúc, từng vùng khách hàng. Đây cũng là DN kinh doanh trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam có kho ứng dụng mua sắm riêng trên thiết bị di động.

Mục tiêu mà Lazada hướng đến ở thị trường Việt Nam là sau khi nắm lợi thế ở kênh phân phối hàng hóa tổng hợp sẽ tiến đến kinh doanh hàng chuyên biệt. Lợi thế so sánh của hàng hóa tại Lazada với các địa chỉ bán hàng trực tuyến khác là rất vượt trội. Từ chủng loại hàng hóa đa dạng, đến giá cả luôn rẻ hơn từ 20 - 30%, các chương trình khuyến mãi được tung ra liên tục hàng ngày, tuần, tháng, giá trị khuyến mãi thiết thực và hấp dẫn…

Điểm đặc biệt mà Lazada tạo tiếng vang cho mình là giao nhận tận nhà mà không cần cam kết nào, người mua có thể quyết định mua hoặc không mua hàng sau khi nhìn thấy tận mắt sản phẩm và có thể đổi trả sản phẩm trong vòng 30 ngày… Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mẫu quảng cáo của Lazada là hình ảnh lớp người trẻ tiêu dùng sành điệu, hiện đại nhưng vẫn giữ dáng vóc truyền thống của văn hóa Việt…

Ưu điểm vượt trội trong chiến lược kinh doanh như vậy, liệu những DN trực tuyến này sẽ bành trướng tới đâu tại thị trường Việt Nam. Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc CTCP Sen Đỏ (Sàn thương mại điện tử Sendo.vn), tuy thị trường kinh doanh trực tuyến Việt Nam phát triển nhanh, nhưng để DN bành trướng và nắm giữ phần lớn thị trường thì cần có thời gian. Bởi kinh doanh trực tuyến hiện nay vẫn gặp rào cản lớn nhất là sự nhận biết của thị trường, thói quen của người dân mua sắm trực tuyến chưa cao.

Mặc dù tỷ lệ người mua sắm qua mạng đang tăng nhanh, nhưng lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa, giá trị món hàng mà người tiêu dùng chọn mua trực tuyến còn thấp, mang tính nhỏ, lẻ. Qua thực tế kinh doanh tại Sendo.vn cho thấy, đối tượng khách hàng mua sắm hàng tiêu dùng là cán bộ quản lý, nhân viên văn phòng.

Nhóm hàng công nghệ, thiết bị viễn thông thì khách hàng là thanh niên, giới trẻ, chủ yếu là khách hàng ở khu vực thành thị. Còn khu vực nông thôn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể.

Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc tiếp thị Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim cho biết, kinh doanh trực tuyến phát triển cũng tạo áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đối với DN bán hàng trực tiếp lại có thế mạnh về văn hóa, sự hiểu biết thị trường, vùng miền và thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng.

Ví dụ như thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam từ xưa là cầm, nắm xem tận mặt để chọn lựa hàng hóa, nhất là những mặt hàng có giá trị cao. Chính vì vậy, dù kinh doanh trực truyến có phát triển mạnh mẽ, thì vẫn tồn tại những kênh khách hàng khác nhau, với xu hướng mua sắm khác nhau để các DN khai thác.