Kinh nghiệm của Trung Quốc về lồng ghép bảo tồn đất ngập nước trong quản lý ngành, lĩnh vực

Nguyễn Lan

Trong những năm qua, Trung Quốc đã thực hiện lồng ghép bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước (ĐNN) vào xây dựng chính sách và quá trình quy hoạch, lập kế hoạch phát triển tổng thể cũng như cho các ngành. Điều này đã giúp bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN. Từ kinh nghiệm triển khai của Trung Quốc trong thực hiện lồng ghép bảo tồn đất ngập nước có thể rút ra bài học cho Việt Nam.

Khi triển khai lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và ĐNN cần tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh các nội dung còn khiếm khuyết.
Khi triển khai lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và ĐNN cần tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh các nội dung còn khiếm khuyết.

Thấy gì từ lồng ghép bảo tồn đất ngập nước trong quản lý ngành, lĩnh vực ở Trung Quốc?

Trên thế giới có nhiều quốc gia thực hiện lồng ghép bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN vào xây dựng chính sách và quá trình quy hoạch, lập kế hoạch phát triển tổng thể cũng như cho các ngành, lĩnh vực.

Bài học kinh nghiệm chung của các nước đều khẳng định, lồng ghép bảo tồn ĐNN là một quá trình, đòi hỏi cách tiếp cận hệ sinh thái, có sự tham gia của mọi cấp thuộc Chính phủ, cộng đồng, khối tư nhân và lồng ghép mối quan tâm của nhiều ngành khác nhau, để hình thành một chương trình nhất quán, có sự điều phối, cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN.

Việc lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học ĐNN ở Trung Quốc đã được đưa vào các chính sách và luật pháp cấp quốc gia, cũng như địa phương với các bài học kinh nghiệm sau:

- Các chính sách tổng thể tác động đến ĐNN thường rất chung chung, chưa chỉ ra được chính sách đó sẽ tác động thế nào đến các khía cạnh cụ thể của bảo tồn đa dạng sinh học ĐNN (ví dụ như các chiến lược/quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội).

- Việc đánh giá các chính sách sẽ không dễ dàng nếu chỉ dựa trên nội dung văn bản vì tác động của chính sách đến ĐNN phụ thuộc nhiều vào thực tiễn thực thi chính sách. Nói cách khác, có một khoảng trống lớn giữa chính sách pháp luật với thực thi chính sách.

- Cách tiếp cận ngành, lĩnh vực (đất, nước, thủy sản, du lịch…) trong quản lý ĐNN là thách thức lớn nhất đối với việc lồng ghép, vì cách tiếp cận này sẽ gây ra xung đột lợi ích giữa các ngành và không tạo điều kiện để đáp ứng các yêu cầu của quản lý tổng hợp hệ sinh thái ĐNN.

- Quy hoạch là điểm yếu nhất trong các chính sách hay luật pháp của các ngành, lĩnh vực. Việc quy hoạch liên ngành đòi hỏi phải có một đơn vị chịu trách nhiệm chính và có nghĩa vụ xin ý kiến tư vấn các ban, ngành, lĩnh vực khác.

- Kết quả rà soát đánh giá các chính sách và văn bản pháp luật là cơ sở để trao đổi, khuyến nghị với các bộ, ngành điều chỉnh văn bản theo hướng chỉnh sửa câu chữ có tính “thân thiện” hơn với ĐNN hoặc sửa đổi lại những điều khoản có thể gây tác hại đến ĐNN.

Sở dĩ lồng ghép là một quá trình phức tạp và khó khăn vì các vùng ĐNN là những hệ thống tài nguyên phức, đa dụng và là hệ tài nguyên chia sẻ, dễ bị tổn thương, giàu tài nguyên, nên là đối tượng khai thác, sử dụng của nhiều ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, khả năng phối hợp liên ngành trong thực tế quản lý khai thác, sử dụng các vùng ĐNN giữa các ngành, lĩnh vực luôn hạn chế. Mâu thuẫn lợi ích, xung đột không gian trong khai thác, sử dụng ĐNN ngày càng gia tăng...

Bài học cho Việt Nam

Ở Việt Nam, vấn đề lồng ghép môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đã được ưu tiên thực hiện từ khá sớm, tuy nhiên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.

Tại “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có lồng ghép các nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn thiếu các hướng dẫn cụ thể về lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và ĐNN vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành và lĩnh vực, nên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho công việc này tại Việt Nam.

Có thể nói “Hướng dẫn lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” là tài liệu quan trọng nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện Luật Đất đai và Luật Đa dạng sinh học; đồng thời, tăng cường năng lực cấp tỉnh về lồng ghép các ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất, trong đó có ĐNN.

Hướng dẫn này được áp dụng thí điểm cho quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Sơn La và Lạng Sơn. Kết quả lồng ghép thí điểm đã xác định được tính hợp lý, sự phù hợp, cũng như những xung đột giữa các vấn đề quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học với các nội dung quy hoạch sử dụng đất (về diện tích, vị trí không gian của các loại đất - đây là 2 yếu tố chính của quy hoạch).

Từ thực tiễn thí điểm lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch đất ở 2 địa phương trên có thể rút ra một số bài học sau:

- Sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị thực hiện lồng ghép với địa phương, đặc biệt là lãnh đạo các cấp, ngành, lĩnh vực liên quan ở địa phương là yếu tố mang tính then chốt để hoàn thành công việc.

- Việc phối hợp, tham gia của cán bộ địa phương và người dân (cán bộ quản lý đất đai, quản lý rừng đặc dụng, cán bộ về tài nguyên và môi trường, các cộng đồng dân cư) trong quá trình điều tra, thu thập thông tin là rất cần thiết, vì họ là người nắm rõ thực trạng quản lý, sử dụng và khai thác đất đai, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác tại địa phương.

- Nội hàm của vấn đề quy hoạch đa dạng sinh học và lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề mới và phức tạp, vì vậy khi triển khai lồng ghép cần tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh các nội dung còn khiếm khuyết hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo Nghị định thực hiện lồng ghép nội dung dịch vụ hệ sinh thái vào các điều khoản phù hợp của Luật Quy hoạch quy định về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, khu bảo tồn, bảo tồn hệ sinh thái, dịch vụ hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.