Kinh nghiệm ngoại giúp xử lý nợ xấu nội
Nợ xấu luôn là vấn đề nhức nhối đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Từ kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các đất nước phát triển sẽ mang lại những bài học cho các cơ quan quản lý Việt Nam đưa ra những giải pháp phù hợp, giúp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu diễn ra một cách hiệu quả an toàn.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã có chủ trương rất đúng là tăng trưởng tín dụng để đầu tư nhiều nguồn vốn ngân hàng vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã nghiêm túc thực hiện. Song một thực tế là tiền càng rải ra rộng hơn, cho vay nhiều hơn thì càng khó tránh khỏi nguy cơ đối với ngân hàng là thêm các khoản nợ khó đòi, gia tăng nợ xấu. Bởi thế, càng cho vay nhiều càng phải có cách thức phòng ngừa nợ khó đòi và thu hồi nợ xấu.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đến cuối tháng 3 năm 2017 tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam được xác định là 2,6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu tính tổng nợ xấu gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và khoản nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu thì ước tính nợ xấu lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, mang lại tiềm ẩn rủi ro lớn đối với an toàn của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế chung.
Quá trình xử lý nợ xấu thời gian vừa qua đa đạt được những kết quả nhất định, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu xử lý tài sản bảo đảm. Các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực và chưa có cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là các văn bản pháp lý và cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn thiếu, bất cập, nhưng chậm được hoàn thiện, bổ sung.
Qua một số hội thảo vừa được tổ chức tại Việt Nam gần đây, đã có những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, doanh nhân ngân hàng nước ngoài rất đáng để tham khảo, như cần có các giải pháp khuyến khích tổ chức tin dụng xử lý nợ xấu một cách chủ động, tiếp tục có những thay đổi về pháp luật để hỗ trợ hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, tạo thêm không gian cho các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thực sự quan tâm tới thị trường để giúp xử lý tính hình nợ xấu hiện tại.
Các chuyên gia ngân hàng Ấn Độ cho biết, thực tế tại nước họ việc trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng được đặc biệt chú ý. Để tránh rủi ro từ nợ xấu, các ngân hàng đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro một cách đầy đủ, luôn tránh tình trạng khi có nợ xấu mới thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, bởi nếu không, khi nợ xấu phát sinh thì các tổ chức tín dụng không kịp trở tay.
Việc định giá các khoản vay cũng luôn được các tổ chức tín dụng lưu ý. Họ luôn cẩn trọng trước một thực tế khi thấy hoạt động kinh tế gia tăng mạnh, vẻ như thuận lợi, các ngân hàng đều muốn thúc đẩy tăng nhanh tín dụng nên buông lỏng, quá rộng rãi sự quản lý, giám sát vốn vay và giá của các khoản tín dụng cũng bị đánh giá thấp hơn thực tế, các ngân hàng đua nhau tăng tín dụng, nên dễ gặp rủi ro, tiền cho vay dễ cũng dễ thành nợ xấu, rất khó thu hồi.
Do đó cần nâng cao tiêu chuẩn về bảo lãnh nợ, có các chế tài chặt chẽ đối với hoạt động cho vay cũng như tăng cường giám sát chất lượng tín dụng. Tại Ấn Độ công tác rà soát đánh giá chất lượng khoản nợ và tài sản thế chấp cho vay rất được chú trọng.
Chuyên gia ngân hàng châu Âu cho hay, để xử lý nợ xấu, khu vực châu Âu dựa trên chiến lược xử lý nợ xấu, quản trị điều hành các khoản nợ xấu, giảm thiểu giá trị tài sản thế chấp và xóa nợ đối với các khoản nợ xấu, định giá đúng tài sản thế chấp đối với các bất động sản. Ngân hàng trung ương châu Âu kỳ vọng các thành viên phải có những bước giả định và có những đánh giá chiến lược xử lý nợ xấu, sau đó xây dựng chiến lược xử lý nợ xấu và chiến lược này phải được hội đồng quản trị phê chuẩn.
Các ngân hàng cần phải tự đánh giá xem đã gặp phải tình huống này như thế nào, có năng lực và công cụ để vượt qua nợ xấu hay không. Khi xây dựng chiến lược xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng phải đưa ra các lựa chọn khác nhau, như xử lý thông qua bán tài sản bảo đảm, hay các biện pháp bên ngoài tòa án. Khi có tỷ lệ nợ xấu cao, các ngân hàng cần đặt ra các con số cụ thể nhằm hướng đến mục tiêu tối đa hóa khoản tiền thu hồi được từ nợ xấu. Đây là điều được hấu hết ngân hàng lớn trên thế giới thực hiện tốt.
Để xử lý nợ xấu điều đầu tiên các ngân hàng Châu Âu làm là lập sổ về nợ xấu, đặt thời hạn thu hồi nợ từ một đến ba năm nhằm giảm quy mô nợ xấu, giải quyết nợ xấu còn thông qua các giải pháp hợp tác với các ngân hàng đối tác, với các luật sư, các nhà quản lý. Thông qua đó, ngân hàng sẽ xác định được ai là người sẽ mua các khoản nợ xấu, những ngân hàng khác đang gặp vấn đề tương tự là ai, loại hình nợ xấu là gì và có thể chia sẻ mức giá hay không.
Các ngân hàng luôn chú ý đến những đối tác địa phương đủ mạnh có thể là ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ tư nhân, xây dựng tốt mối quan hệ với các đối tác. Các ngân hàng thấy một thực tế là xử lý nợ xấu mất nhiều thời gian trước khi có khung chính sách hoàn chỉnh, nên vấn đề họ quan tâm là vừa giải quyết nợ xấu vừa không được vì thế mà bỏ lỡ kinh doanh nhất là cơ hội tăng doanh thu.
Các chuyên gia ngân hàng Châu Á đã từ kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 tạo ra nhiều nợ xấu, để định ra các hình thức mới, như trong biện pháp tiếp cận xử lý nợ xấu, họ không hướng đến quản lý tất cả các khoản nợ xấu. Công ty quản lý tài sản cũng cần tối đa hóa khả năng thu hồi các khoản nợ xấu với chi phí thấp nhất.
Hành lang pháp lý là điều rất quan trọng cho quá trình xử lý nợ xấu, Malaysia có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cần thiết tránh cho các cá nhân thực thi luật sẽ đứng trước các vụ khởi kiện và khi đó sẽ không có ai dám làm. Ngân hàng nhà nước của các nước này cho phép các ngân hàng bán các khoản nợ xấu trong thời hạn một năm, nếu trong thời gian đó mà không bán được thì không được bán nữa mà phải giải trình lý do với ngân hàng trung ương.