Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam


Những năm gần đây, để hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nguyên liệu từ mô hình kinh tế tuyến tính, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, Việt Nam đã và đang thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, một trong những giải pháp Việt Nam cần quan tâm là tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của những quốc gia tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới, từ đó xây dựng khung pháp lý, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn một cách phù hợp.

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại một số nước trên thế giới

Các chuyên gia kinh tế trên thế giới định nghĩa, nền kinh tế tuần hoàn được hiểu như một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn được đánh giá là giải pháp có thể giúp các quốc gia trên thế giới thích nghi và tiến bước theo cách thân thiện với môi trường.

Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm ba giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, thì kinh tế tuần hoàn sẽ tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn cũng sẽ hướng đến việc sử dụng tối đa giá trị của các nguồn tài nguyên và nâng cao hiệu quả quản lý chất thải. Qua đó, sản phẩm sau khi được tiêu thụ, nguyên liệu thô, sản phẩm hết hạn và năng lượng sẽ được tái sử dụng và tái chế thông qua các quy trình phù hợp như tái xử lý nguyên liệu, tái thiết kế, tái tạo giá trị, tái cải tiến sản phẩm và tái sử dụng thông qua mối quan hệ hợp tác với các đơn vị kinh doanh khác nhau. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên mới, tận dụng tối đa tiềm năng của các nguồn tài nguyên và vật liệu cũ, giảm thiểu chất thải nhờ tái chế và sản xuất các sản phẩm chất lượng có độ bền cao. Quy trình này tạo thêm giá trị và tính bền vững cho môi trường, cộng đồng, xã hội cũng như hoạt động kinh doanh.

Với nhiều lợi ích và tính tất yếu cần chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đã nỗ lực với những hành động thiết thực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững này. Trong đó, Thụy Điển là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới về triển khai phát triển nền kinh tế tuần hoàn, thông qua việc xử lý và tái chế rác thải đã áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Kể từ năm 2011, phần lớn rác thải của quốc gia này đã được xử lý, còn lại chưa đến 1% rác thải từ hộ gia đình của Thụy Điển được chuyển đến bãi đổ rác.

Nhờ vậy, Thụy Điển đã trở thành một trong số ít các nước duy trì sự cân bằng trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa đất nước, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục tăng lên cùng mức phát thải giảm đi. Theo tính toán, mức phát thải khí nhà kính tính theo đầu người của Thụy Điển là ở mức thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2013, phát thải khí nhà kính (GHG) của Thụy Điển chỉ còn là 55,8 triệu tấn CO2 so với 71,8 triệu tấn năm 1990 (giảm đến 22%). Trong khi đó, GDP của Thụy Điển đã tăng 58% trong thời gian này.

Tại Pháp, Chính phủ nước này đã công bố lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, theo đó, Pháp sẽ biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất. Thủ đô Paris đề ra mục tiêu giảm 50% lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm phế liệu để làm ra những sản phẩm mới. Chính phủ nước này dự kiến trong 7 năm tới sẽ có thêm 300 nghìn việc làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới này.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng (ADEME), ở Pháp, 70% rác thải trên toàn quốc do ngành Xây dựng thải ra, tương đương 247 triệu tấn. Mỗi năm, các hộ gia đình thải khoảng 30 triệu tấn rác, các công ty không kể ngành Xây dựng thải 64 tấn. Vì vậy, vấn đề then chốt là Chính phủ Pháp cần có những biện pháp để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng về mô hình sản xuất ít làm tổn hại cho môi trường hơn. Theo đó, lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, xoay quanh 2 nội dung chính gồm: Khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng có độ bền cao, khi hỏng dễ được sửa chữa và khuyến khích các hoạt động tái chế, sử dụng lại nguyên liệu từ những món đồ trước khi chúng được thải ra bãi rác.

Để từng bước đạt được mục tiêu trên, Pháp đã áp dụng những phương án để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng càng bền, càng tốt. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng lại nguyên liệu từ những món hàng đã qua sử dụng và bị bỏ đi. Về mặt tài chính, Chính phủ Pháp dự trù giảm đánh thuế giá trị gia tăng 5,5% thay vì 20% vào các nguyên liệu tái chế, phạt tiền các ngành nghề không tuân thủ các chuẩn mực mới.

Tại Hà Lan, trong khi nhu cầu về nguyên liệu thô của nước này đang tăng lên và nguồn cung lại phụ thuộc vào các nước khác, Chính phủ Hà Lan đã xác định việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế tuần hoàn là yêu cầu thiết yếu của quốc gia. Theo đó, Hà Lan tiến hành phát triển chương trình hậu thuẫn cho nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn, ít gây hại cho môi trường. Chương trình này có sự tham gia của nhiều bộ liên quan, bao gồm tất cả các chương trình nhằm xử lý nguyên liệu thô hiệu quả hơn, từ nguồn rác thải đến tài nguyên, các chương trình phát triển xanh và nền kinh tế trên cơ sở sinh học. Trong quá trình triển khai, Chính phủ Hà Lan đã lựa chọn 5 ngành kinh tế và chuỗi giá trị đầu tiên sẽ được chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. 5 ưu tiên này rất quan trọng đối với nền kinh tế Hà Lan và có ảnh hưởng lớn đến môi trường, bao gồm khí sinh học và thực phẩm, nhựa, ngành công nghiệp sản xuất, ngành xây dựng và hàng tiêu dùng.

Các phân tích cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại cơ hội kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển khoa học, cắt giảm khí thải các-bon, đảm bảo sức khỏe và an toàn. Riêng với Hà Lan, mô hình kinh tế này có thể tạo ra hơn 50 nghìn việc làm, giảm 10% chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong ngành công nghiệp, giảm 25% nhập khẩu các nguồn cơ bản.

Tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã có những bước đi quan trọng nhằm thông qua Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng tối ưu tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Theo tính toán, với việc áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra những hàng hóa và dịch vụ với giá hợp lý đối với các cư dân đô thị, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là 23% và tình trạng tắc nghẽn giao thông đạt tỷ lệ 47% vào năm 2040. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980-2010, quy mô kinh tế Trung Quốc đã mở rộng 18 lần, song tiêu thụ năng lượng chỉ tăng 5 lần. Đây là một trong những thành quả tích cực khiến cho quốc gia đông dân nhất nhì thế giới này tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, trong những năm qua, ở Việt Nam, mô hình sản xuất sạch hơn đã được triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Qua 10 năm triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 20,5% so năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 35,9% so năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

Phong trào Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Thuận, Cần Thơ, Tiền Giang, Bắc Ninh…

Bên cạnh những kết quả trên, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn tiếp tục hoàn thiện. Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển như: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… Hơn nữa, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình…

Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, tác giả đưa ra một số hàm ý sau:

Thứ nhất, Nhà nước trong vai trò kiến tạo cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng trong phát triển kinh tế tuần hoàn, lấy doanh nghiệp làm động lực trung tâm và các tổ chức, người dân là người thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái… hướng tới phát triển bền vững và giảm lượng rác thải ra môi trường.

Thứ hai, cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm từ Thụy Điển cho thấy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ nhằm thống nhất tư duy sản xuất và phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp và người dân, tạo tiền đề vững chắc và nâng cao hiệu quả khi phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, cần đặt các mục tiêu cụ thể về tái chế rác thải, trong đó quy định rõ lượng rác thải cần phải tái chế trong từng thời điểm cụ thể. Các doanh nghiệp có quyền quyết định chính sách hoặc chiến lược để đạt được mục tiêu, từ đó nâng cao ý thức và tính chủ động của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, xây dựng các mô hình kinh tế có chiều sâu với mục tiêu phát triển bền vững, tức là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học – công nghệ vào quá trình sản xuất, thực hiện nguyên tắc 3T (tiết giảm – tái chế – tái sử dụng) nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường, tăng lượng rác thải được tái chế. Muốn vậy, nguồn nhân lực ở mỗi doanh nghiệp phải được đào tạo bài bản để nâng cao khả năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017: chuyên đề quản lý chất thải rắn, NXB Tài nguyên và Môi trường;

2. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020), Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu;

3. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, UNDP Việt Nam (2020), Hội thảo tham vấn Kết quả nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn và một số đề xuất chính sách;

4. Nguyễn Hoàng Huy (2021), Phát triển kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/10/14/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tai-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam/.

* ThS. Nguyễn Thị Lan - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.