Kinh tế tuần hoàn "hút" vốn đầu tư ngoại

Theo An Hoà/nhadautu.vn

Sự kiện Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) liên doanh với doanh nghiệp Hàn Quốc khởi công xây dựng “Nhà máy chế biến collagen peptide và gelatin” từ da cá tra tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP. Cần Thơ mới đây đã cho thấy lĩnh vực đầu tư khai thác những thứ tưởng chừng bỏ đi đang “hút” vốn đầu tư ngoại.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Làm giàu từ những thứ tưởng chừng bỏ đi

Dự án nhà máy chế biến collagen peptide và gelatin liên doanh giữa Navico với Amicogen (Hàn Quốc) được xây dụng tại khu công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ), giai đoạn 1 có quy mô gần 10.000 m2, công suất 800 tấn thành phẩm mỗi năm, tổng mức đầu tư gần 6 triệu USD.

Theo đại diện Navico, với năng lực sản xuất khoảng hơn 450 tấn nguyên liệu cá/ngày như hiện nay, mỗi ngày nhà máy chế biến của Navico có thể cung cấp một lượng da rất lớn cho sản xuất collagen và gelatin. Da cá tươi có giá dao động quanh 0,5 USD/kg, nhưng nếu sản xuất ra collagen có thể đạt mức từ 25 - 40 USD/kg. Nhà máy collagen peptide và gelatin đi vào hoạt động có khả năng đóp góp thêm 1,5 triệu USD doanh thu và 10% lợn nhuận cho Navico.

Được biết Amicogen là nhà sản xuất collagen peptide và gelatin hàng đầu của Hàn Quốc với hơn 21 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm làm đẹp.

Trước đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cũng đã đầu tư nhà máy chiết xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất ban đầu 150 tấn năm, sau đó nâng lên 500 tấn/năm.

Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, tốc độ tăng trưởng thị trường gelatin và gelatin collagen trung bình hàng năm khoảng 9,4% và được dự báo sẽ đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2025, đó chính là lý do để Vĩnh Hoàn đặt nhiều tham vọng lớn vào lĩnh vực này.

Mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn bà Trương Thị Lệ Khanh, đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và đề xuất được triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trên lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương này.

Cụ thể là Công ty Vĩnh Hoàn muốn đầu tư khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến khóm (dứa) và mãng cầu, tận dụng phế phẩm làm phân bón hữu cơ.

Trước đó, Công ty Cổ phần phát triển dự án THD Việt Nam cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Hậu Giang về đầu tư 2 dự án kinh tế tuần hoàn trên lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và năng lượng tái tạo tại huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp.

Tại TP. Cần Thơ, cách đây 17 năm, Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam (doanh nghiệp FDI Singapore) đã đưa nhà máy trích ly dầu gạo và cám gạo tách béo vào hoạt động. Đến nay doanh nghiệp này đã phát triển thêm nhà máy ở Thốt Nốt và mở trung tâm thu mua sản phẩm ở nhiều địa phương.

Nở rộ mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo TS. Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng khối lượng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi khoảng 156 triệu tấn/năm, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long có gần 40 triệu tấn, chiếm 26% tổng khối lượng của cả nước. Nếu tất cả khối lượng phụ phẩm trên được khai thác đúng mức thì có thể mang lại giá trị tăng thêm cho ngành nông nghiệp hàng chục tỷ USD.

Cũng theo số liệu của ngành nông nghiệp hiện nay mô hình sản xuất khép kín - kinh tế tuần hoàn đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Chỉ riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có đến hàng trăm mô hình kinh tế tuần hoàn. Tiêu biểu như tại tỉnh Tiền Giang, hiện có 26 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, các cơ sở này áp dụng hệ thống chăn nuôi chuồng kín, có thể quản lý được nhiệt độ, ẩm độ và sức gió trong chuồng nuôi, có hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas, HDPE, đệm lót sinh học), hạn chế mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại tỉnh Vĩnh Long, có mô hình lúa hữu cơ của Hợp tác xã Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm), sản xuất lúa khép kín, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, đóng gói, cung cấp thị trường.

Tại TP. Cần Thơ có trang trại côn trùng của Công ty TNHH Vườn sinh thái Kim's Garden Cần Thơ đã thực hiện thành công giải pháp côn trùng và chế phẩm sinh học vào nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Nhờ đó, trang trại giảm được 80% chi phí thức ăn công nghiệp, đặc biệt là hạn chế tối đa chất thải từ chăn nuôi ra môi trường.

Ngoài ra, nhiều địa phương khác đã quan tâm đến việc đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục xử lý, hạ tầng kỹ thuật, thường xuyên ứng dụng công nghệ mới được nhập khẩu từ các nước phát triển để xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị trực tuyến đối thoại chính sách cấp cao “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hôm 30/11, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu.

Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. WB tin rằng Việt Nam rất cần duy trì vị thế đáng mong muốn là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới. Phía WB sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư cùng Bộ NN&PTNT để xác định và hướng tới một tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong khó khăn của đại dịch COVID-19, nông nghiêp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Do đó, để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết.

Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành, Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao nhiệm vụ phải xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu.