Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính


Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đang tác động sâu sắc tới thị trường lao động, với sự thay đổi cấu trúc số lượng công việc, gia tăng yêu cầu và kỹ năng liên quan tới công nghệ tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những thay đổi này làm gia tăng khoảng cách cung - cầu lao động nếu không có những ứng phó kịp thời. Để phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chương trình hỗ trợ tài chính và gia tăng khả năng tiếp cận các khóa học, đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Tại Việt Nam, một số giải pháp đã được thực hiện nhưng cần các sáng kiến và biện pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Sự cần thiết phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Một số mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực tài chính được đưa ra gồm: Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững; Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, Chứng khoán; Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng. Các mục tiêu trên có tác động mạnh mẽ tới cấu trúc lao động.

Trong khi đó, sự chuyển dịch của cấu trúc lao động trong ngành Tài chính do tác động của chuyển đổi số thể hiện trên một số khía cạnh: Xuất hiện thêm các vị trí công việc liên quan tới công nghệ; các công việc có tính lặp lại cao sẽ bị thay thế bởi robot và hệ thống tự động hóa; nhiều vị trí công việc sẽ chuyển hóa, gia tăng hàm lượng công nghệ trong nghiệp vụ, quy trình xử lý.

Sự chuyển dịch này làm gia tăng khoảng 8-9% nhu cầu về chất lượng, số lượng nguồn nhân lực ngành Tài chính đến năm 2030 (McKinsey, 2020). Khoảng 65% công việc mới xuất hiện liên quan tới chuyển đổi số (WEF, 2020) và khoảng 56% số lao động tại Đông Nam Á có nguy cơ mất việc nếu không được trang bị kỹ năng, không đáp ứng được nhu cầu mới.

Tại Việt Nam, thực trạng lao động cho thấy, khoảng cách lớn giữa cung cầu lao động cho quá trình chuyển đổi số nói chung, ngành Tài chính nói riêng. Nguy cơ mất việc làm do quá trình chuyển đổi số đang là mối lo ngại hàng đầu của lao động ngành Tài chính. Khoảng 49% nhân viên được khảo sát cho rằng cần nâng cao kiến thức, kỹ năng tài chính công nghệ nếu không muốn bị mất việc (PwC, 2020). Các ngân hàng có kế hoạch cắt giảm 20-30% nhân viên nhờ vào việc số hóa quy trình và giảm số lượng công việc vào năm 2022 (Earn&Young, 2018).

Đối với các cơ quan quản lý dịch vụ tài chính - ngân hàng, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho công nghệ tài chính, các loại dịch vụ tài chính số cũng đòi hỏi nhân sự am hiểu về lĩnh vực, trình độ cao để kịp thời ban hành, điều chỉnh và áp dụng các quy định, chính sách phù hợp. Nếu nhìn vào số liệu chung của thị trường lao động, lao động có kỹ năng cao của Việt Nam thấp hơn trung bình của ASEAN. Nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp chiếm khoảng 24,5%, bằng 1/3 các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động. Theo báo cáo của Navigos (2022), ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ cần tuyển dụng nhiều nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin (IT) và kỹ năng bán hàng (Sales). Các nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) – Dữ liệu lớn (Big Data) – Crypto và Chuỗi khối (Blockchain) sẽ được nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính ưu tiên tuyển dụng nhưng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt vì nguồn cung khan hiếm.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực ASEAN trong thu hút và giữ chân lao động chất lượng cao, khi mức lương trung bình của những ngành nghề về công nghệ tài chính tại Thái Lan, Singapore đã tăng lên gấp đôi trong năm 2021. Trong bối cảnh các ngân hàng truyền thống đang chuyển đổi số, các tập đoàn công nghệ tham gia vào mảng thị trường tài chính, cạnh tranh trong việc tuyển dụng, giữ chân nguồn nhân sự chất lượng cao lại càng trở nên gay gắt hơn. Theo dữ liệu của Công ty tuyển dụng Michael Page, những người chuyển việc có thể yêu cầu tăng lương từ 15% - 20% tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Việc thiếu hụt nhân lực trong quá trình chuyển đổi số cho thấy chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng cao cần được xem là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm cho thành công của chuyển đổi số lĩnh vực tài chính trong giai đoạn tới.

Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính

Để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, nhiều giải pháp đã được thực hiện bởi các quốc gia trên thế giới trong thời gian qua. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện các biện pháp nâng cao kỹ năng số cho lực lượng cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước.

Tại Anh, Chính phủ đã công bố kế hoạch đào tạo 500 nhà phân tích khu vực công về khoa học dữ liệu vào năm 2021, thuộc khuôn khổ Chiến lược dữ liệu Quốc gia. Tại Mỹ, Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ đưa kỹ năng khoa học dữ liệu thành kỹ năng ưu tiên sử dụng trong thực tế, cho phép các học viên phân tích các tập dữ liệu từ các cơ quan tương ứng của họ. Chính phủ Abu Dhabi và Cơ quan Kỹ thuật số Abu Dhabi đã hợp tác để khởi chạy một nền tảng chuyên biệt, vào tháng 12/2020, để cải thiện trình độ kỹ năng công nghệ của lực lượng lao động trong khu vực công. Tại Ấn Độ, chương trình phát triển kỹ năng số cho công chức (với tên gọi Mission Karmayogi) đã được triển khai nhằm đào tạo cho công chức về công nghệ kỹ thuật số, thông qua mô hình công - tư dựa trên đăng ký.

Thứ hai, thực hiện các biện pháp hỗ trợ các sáng kiến để phát triển các nền tảng đào tạo và giáo dục, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động được sử dụng để nâng cao trình độ nhân lực của công ty.

Tại Trung Quốc, Chính phủ đang trợ cấp đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các nền tảng đào tạo trực tuyến. Tại Singapore, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), Tập đoàn AMTD và Quỹ AMTD (gọi chung là AMTD) đã thực hiện một số khoản tài trợ trị giá 4,2 triệu USD (6 triệu đô la Singapore-SGD) và 88,2 triệu USD (125 triệu SGD) để duy trì, hỗ trợ và tăng cường năng lực trong khu vực dịch vụ tài chính và các công ty fintech có trụ sở tại Singapore.

Các gói hỗ trợ đối với việc nâng cao năng lực nhân lực gồm: i) Gói Tài trợ phát triển doanh nghiệp tài trợ lương cho các thực tập sinh đại học ở mức 705 USD (1.000 SGD)/tháng cho mỗi kỳ thực tập. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ khoảng 120 thực tập sinh trong lĩnh vực Fintech, với thời gian thực tập trung bình từ 3- 5 tháng. Việc này nhằm khuyến khích các công ty Fintech tiếp tục cho phép nhận thực tập sinh và phát triển tài năng Fintech trong nước; ii) MAS sẽ đưa ra một khoản trợ cấp Hỗ trợ Đào tạo (TAG) mới để khuyến khích các tổ chức tài chính và các công ty Fintech tận dụng thời gian ngừng hoạt động trong hoạt động kinh doanh, để đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên; iii) MAS tăng gấp đôi mức hỗ trợ tiền lương cho các tổ chức tài chính thuê sinh viên mới tốt nghiệp hoặc công nhân từ các ngành khác và đưa họ vào các chương trình phát triển nhân tài theo Chương trình quản lý liên kết tài chính (FAMS).

Thứ ba, hỗ trợ trực tiếp dành cho người lao động trong tiếp cận các khóa học về công nghệ tài chính.
Tại Singapore, khoản trợ cấp hỗ trợ đào tạo TAG cho người lao động để hoàn thành khóa đào tạo trong các khóa học được Viện Ngân hàng và Tài chính (IBF) công nhận với mức: 10 SGD/giờ đào tạo cho các cá nhân tự tài trợ, 15 SGD/giờ đào tạo cho nhân viên do tổ chức tài chính và Fintech tài trợ. MAS và Hiệp hội IBF đã tăng trợ cấp học phí tham dự các khóa học IBF có liên quan lên 90% (từ mức hiện tại là 50% lên 70%), và mở rộng trợ cấp đến cả nhân viên của các công ty Fintech. Các khoản trợ cấp sẽ được giải ngân trước để giúp giảm bớt thách thức về dòng tiền mà các công ty và cá nhân có thể gặp phải. Hiện trên 400 khóa học được IBF công nhận đã có sẵn trên các kênh học tập điện tử, các kế hoạch đang được tiến hành để mở rộng các dịch vụ ảo nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện tại.

Ủy ban Châu Âu đang thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng cường đào tạo về kỹ năng số cho lực lượng lao động, hiện đại hóa giáo dục trên toàn Liên minh Châu Âu, khai thác các công nghệ số cho việc học tập và bồi dưỡng các kỹ năng số (EC, 2020). Chương trình Châu Âu kỹ thuật số (Digital Europe Program) với ngân sách 700 triệu euro kỳ vọng sẽ phát triển nguồn nhân tài kỹ thuật số cho khoảng 256.000 người trên khắp Châu Âu. Chương trình này tập trung vào ba nhóm hỗ trợ: Chương trình Thạc sĩ về công nghệ kỹ thuật số tiên tiến được phát triển cùng với các trung tâm hàng đầu của Liên minh Châu Âu về trí tuệ nhân tạo, mạng và máy tính hiệu suất cao nhằm cung cấp 160 chương trình tổng thể mới, đào tạo 80.000 chuyên gia kỹ thuật số (kỹ năng Công nghệ Thông tin và Truyền thông); Các khóa đào tạo chuyên ngành ngắn hạn về công nghệ kỹ thuật số tiên tiến cho khoảng 150.000 người tìm việc và người có việc làm, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhằm trang bị cho họ những năng lực cho phép triển khai các công nghệ kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; Cung cấp 35.000 vị trí việc làm trong các công ty hoặc trung tâm nghiên cứu nơi phát triển hoặc sử dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến - nhằm giúp mọi người có cơ hội học hỏi các kỹ năng của các chuyên gia làm việc với các công nghệ hiện có mới nhất...

Thứ tư, thực hiện các chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Singapore, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tổ chức tài chính, MAS và IBF đã triển khai chương trình FAMS hỗ trợ các tổ chức tài chính phát triển nhân tài là người Singapore đảm nhận các vai trò chuyên gia và quản lý trong tương lai cho ngành dịch vụ tài chính. Các hỗ trợ từ FAMS đi kèm với cam kết về thời gian tuyển dụng của tổ chức tài chính đối với vị trí công việc.

Thứ năm, tạo dựng và thu hút đa dạng nguồn nhân lực.

Kinh nghiệm tại các quốc gia Anh, Mỹ, Pháp, Canada… cho thấy, xây dựng nguồn nhân tài bền vững đòi hỏi phải giáo dục STEM một cách hệ thống ở tất cả các cấp học. Một số sáng kiến STEM đang được thực hiện tại Vương quốc Anh, bao gồm cả việc giới thiệu mã hóa (crypto) trong trường học. Singapore và Hồng Kông tạo thuận lợi cho việc nhập cư lao động tay nghề cao, thông qua tốc độ, sự đơn giản và linh hoạt của các chương trình thị thực. Các quốc gia như Anh, Úc đang dần cởi mở hơn với việc thu hút lao động tay nghề cao từ nước ngoài (EY, 2016). Từ tháng 12/2016, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Úc có bằng cấp về STEM và ICT sẽ nhận thêm điểm theo chương trình Di cư có tay nghề được kiểm tra điểm để đủ điều kiện xin thị thực làm việc vĩnh viễn.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Khoảng cách về nhu cầu nhân sự cho chuyển đổi số lĩnh vực tài chính-ngân hàng và chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia có ngành tài chính – ngân hàng phát triển (Anh, Mỹ, Singapore,..), hay các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ). Theo đó, để rút ngắn khoảng cách nhân sự, đòi hỏi các giải pháp từ tất cả các bên tham gia thị trường; trong đó, Chính phủ thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng nhằm tạo động lực cho các định chế tài chính sử dụng lao động mới (Singapore), sử dụng lao động địa phương (Singapore), tạo động lực cho người lao động học tập các kỹ năng số (châu Âu, Singapore,…). Các định chế tài chính, Fintech chủ động lên kế hoạch nhân sự, chiến lược quản lý nhân sự trong tuyển mới, đào tạo lại, chế độ đãi ngộ,… để cạnh tranh với các công ty công nghệ, các định chế tài chính truyền thống trong sử dụng lao động công nghệ cao, chuyên môn tài chính ngân hàng cao.

Tại Việt Nam, cải thiện chất lượng lao động được coi là một trong ba trụ cột tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đối với chuyển đổi số, để giải quyết vấn đề về lao động, Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Để thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp tương ứng gồm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế gợi ý thêm một số sáng kiến và những vấn đề cần chú trọng để phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính cho Việt Nam, gồm:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với giai đoạn chuyển đổi số, sự biến động của môi trường hoạt động mới của ngành Tài chính. Để thực hiện mục tiêu đó, cần có các chính sách, biện pháp phù hợp, đổi mới căn bản nền giáo dục, quan điểm và cách tiếp cận đối với chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của người lao động về những yêu cầu về kỹ năng, kiến thức đối với lao động trong bối cảnh mới.

Thứ hai, giáo dục và đào tạo là cốt lõi của sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Các chương trình giáo dục phổ thông phải chú trọng vào trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để có thể áp dụng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Các chương trình, sáng kiến đào tạo về công nghệ thông tin, công nghệ mới cần được Chính phủ triển khai, bồi đắp kỹ năng cho đội ngũ lao động hiện tại.

Thứ ba, phát triển kỹ năng cho người lao động phải được đưa ra thảo luận gắn liền với những cam kết vị trí việc làm, cải thiện tiền lương và thu nhập. Cải cách các chính sách về tiền lương, thưởng, để tuyển dụng thu hút nhân tài trong khu vực (như Singapore thực hiện). Chính phủ có thể có các chương trình hỗ trợ đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, bồi dưỡng nguồn lao động trong nước (bài học từ Singapore).

Thứ tư, cần nhìn nhận kỹ năng mới về công nghệ tài chính như một động lực then chốt để đạt được mục tiêu trong chuyển đổi số. Để xác định được yêu cầu đối với các kỹ năng mới về công nghệ tài chính, và rút ngắn khoảng cách cung - cầu, sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học với doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng; đồng thời, vai trò của các bên liên quan trong giáo dục đào tạo, đặc biệt từ doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và từ Chính phủ cần thể hiện rõ hơn.

Thứ năm, một số vấn đề khác về lao động mà Chính phủ cần quan tâm trong quá trình chuyển đổi số là: vấn đề giới, trong công việc cần thu hút sự tham gia của lao động nữ vào các ngành nghề công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nhiều sáng kiến đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, tham gia các mạng lưới góp phần hỗ trợ, thúc đẩy cơ hội việc làm của lao động nữ trong bối cảnh chuyển đổi số, đáp ứng những yêu cầu, kiến thức cần thiết; Bệnh cạnh đó, nguồn nhân lực an ninh mạng cũng cần được chú trọng phát triển.

Thứ sáu, vai trò của các cơ quan quản lý là thúc đẩy và khuyến khích tư duy đổi mới, linh hoạt và có lợi cho việc bồi dưỡng nhân tài; khuyến khích xây dựng năng lực và kỹ năng cho nhân viên quản lý; vận động cho cộng đồng học thuật cung cấp các khóa học về chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng, kỹ năng số cho lao động ngành tài chính - ngân hàng. Tại các tổ chức tài chính - ngân hàng, bản thân cơ quan quản lý cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng phù hợp với chuyển đổi số.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Phương Thảo, Trần Hồng Lĩnh (2021), Nhân lực trong quá trình chuyển đổi số: Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ. Tạp chí Công Thương, Số 18, tháng 7/2021;
  2. Phạm Mai Ngân, Nguyễn Thị Huyền Trang, Nguyễn Thị Kim Oanh (2019), Phát triển nhân lực ngành Ngân hàng trước yêu cầu kỷ nguyên số. Tạp chí Ngân hàng, số 18/2019;
  3. Võ Thị Phương Thoa (2019), Triển vọng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí điện tử Tài chính;
  4. Earn & Young (2018) The future of talent in banking: workforce evolution in the digital era;
  5. Mosteanu, N.R., Fathi, B.M. (2020), Financial digitalization and its implication on jobs market structure. The Business and Management review, Vol.11, no.1;
  6. PWC (2021), Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam: Khảo sát của PwC Việt Nam về công nghệ, việc làm và kỹ năng số.

 

* ThS. Ngô Mạnh Tuấn, ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương, ThS. Lưu Ánh Nguyệt

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021