Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc - Dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ công bố toàn quốc về hóa đơn điện tử (HĐĐT), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn đi đầu trong chuyển đổi số
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp (DN) tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Trong đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế là đơn vị luôn đi đầu trong công tác chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đặc biệt, ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý thuế, từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả. Kết quả thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt trên 99%. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đã tạo thuận lợi cho người dân và DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế.
Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng, thông qua công tác cải cách hành chính, ngành Thuế đã đưa với số lượng người nộp thuế tăng mạnh, đến nay có khoảng trên 41 triệu người nộp thuế; trong đó, số người nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 21,5 triệu; người nộp thuế phi nông nghiệp khoảng 18 triệu; người nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh khoảng 1,9 triệu; người nộp thuế là DN khoảng trên 850.000. Riêng số người nộp thuế là DN có tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng 66% so với năm 2015 (trên 850.000 DN đang hoạt động tại thời điểm tháng 3/2022 so với 511.000 DN vào năm 2015).
Tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý giai đoạn 2016-2020 liên tục hoàn thành vượt mức dự toán được giao, bình quân tăng 9,7%/năm. Riêng năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến xấu, tập trung tại các địa bàn trọng điểm kinh tế của cả nước, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn năm 2020, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế nên tổng thu do cơ quan thuế quản lý năm 2021 đã đạt 1.345.590 tỷ đồng, bằng 120,5% dự toán (tương ứng vượt 228.890 tỷ đồng).
Bước sang năm 2022, nhiệm vụ thu Chính phủ giao cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng. Với tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát, kinh tế có sự tăng trưởng khá (GDP quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ), các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân có sự ổn định và dần hồi phục, cùng với việc giá dầu tăng cao trong thời gian qua đã góp phần tăng thu NSNN trong những tháng đầu năm. Số thu ngân sách quý I/2022 đạt 409.778 tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán, tăng 10,8% cùng kỳ.
Triển khai HĐĐT: Mũi tên trúng nhiều đích
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua kết quả thực hiện giai đoạn 1, có thể khẳng định, việc triển khai áp dụng HĐĐT là mũi tên trúng nhiều đích, mang lại nhiều lợi ích quan trọng, làm thay đổi phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế, cũng như của người dân, DN theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN, phù hợp xu hướng quốc tế trong chuyển đổi số...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động lập kế hoạch khoa học và bài bản triển khai HĐĐT theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ tháng 11/2021, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định (chiếm khoảng 60% số lượng DN và khoảng 70% lượng HĐĐT của cả nước); giai đoạn 2, từ tháng 4/2022, triển khai tại 57 tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm, đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu của Bộ Tài chính, ngành Thuế, các tỉnh, thành phố trong công tác triển khai hệ thống HĐĐT giai đoạn 1, và chuẩn bị sẵn sàng triển khai giai đoạn 2.
"Việc triển khai HĐĐT tại các tỉnh, thành phố còn lại với khoảng 40% số lượng DN và khoảng 30% lượng HĐĐT của cả nước cùng những kinh nghiệm đúc kết từ giai đoạn 1, sự đồng lòng của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cộng đồng DN, dù khối lượng công việc lớn, triển khai trong thời gian ngắn, ngành Thuế sẽ thành công trong phủ sóng HĐĐT", Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng.
Chứng kiến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cả nước với mục tiêu số DN sử dụng HĐĐT bao phủ trên toàn quốc trước ngày 01/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với những kết quả và định hướng, giải pháp trong thời gian tới của ngành Tài chính với hệ thống HĐĐT; đồng thời, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ đề nghị và quán triệt Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tập trung thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành Thuế với các bộ, ngành, địa phương, xử lý ngay, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Thứ hai, triển khai HĐĐT phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu HĐĐT trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, địa phương; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật các công nghệ mới trong HĐĐT.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT đến người dân, DN, giúp người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh về HĐĐT.
Thứ năm, quán triệt quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số. Quan tâm công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ, để cán bộ công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn nữa người dân và DN. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, đặc biệt nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai trên cả 63 tỉnh, thành phố với số lượng DN lớn, trải rộng trên nhiều địa bàn.
Thứ sáu, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để sử dụng các nền tảng dùng chung tiết kiệm kinh phí đầu tư và nhanh chóng hiện đại hóa.
Lễ công bố kích hoạt toàn quốc hệ thống HĐĐT là dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không chỉ của ngành Thuế, mà còn với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, DN, người dân. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của ngành Thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.