Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh ở Trung Quốc

TS. Đinh Thị Thu Hương - Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Thương mại

Trung Quốc đã xây dựng và đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển trái phiếu xanh và trở thành quốc gia có thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai thế giới. Sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc như mở ra các kênh tài chính mới cho các doanh nghiệp và dự án xanh, giải quyết nhiều bất cập giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cung cấp cho các nhà đầu tư các loại tài sản mới... đặc biệt thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít carbon. Bài viết trao đổi về kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh ở Trung Quốc và đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra những hệ lụy về kinh tế và xã hội. Điều này buộc Trung Quốc phải định hướng lại chiến lược phát triển theo hướng bền vững và thực hiện xanh hóa nền kinh tế.

Để thực hiện chiến lược này đòi hỏi một nguồn vốn lớn, do đó, để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu, Trung Quốc đã xây dựng và đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển trái phiếu xanh. Tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường trái phiếu (TTTP) xanh nhanh của Trung Quốc đã góp phần đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, vận tải và bảo vệ môi trường, mở đường cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít carbon. Bài viết trao đổi về kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh ở Trung Quốc và đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Sự kiện đánh dấu Trung Quốc lần đầu tiên chính thức gia nhập TTTP xanh toàn cầu là tháng 10/2015 khi Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc phát hành gần 1 tỷ USD trái phiếu xanh tại thị trường London nhằm huy động vốn cho các dự án thân thiện môi trường. Ngày 22/12/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố Thông báo công khai số 39 về việc phát hành trái phiếu tài chính xanh trên TTTP liên ngân hàng nhằm tạo ra một kênh tài chính hỗ trợ các dự án công nghiệp xanh. Sự kiện này đánh dấu sự xuất hiện của TTTP xanh nội địa với lượng trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành trên thị trường liên ngân hàng, nhằm giúp các tổ chức tín dụng tăng thêm nguồn vốn để tài trợ cho các dự án xanh, đồng thời cũng tạo cơ sở cho việc phát triển TTTP xanh trong những năm tiếp theo.

Hình 1: Khối lượng trái phiếu xanh của Trung Quốc.Nguồn: S&P Global (2024) 
Hình 1: Khối lượng trái phiếu xanh của Trung Quốc.
Nguồn: S&P Global (2024) 

Tháng 12/2015, Ủy ban Tài chính Xanh của Hiệp hội Tài chính Trung Quốc đã phát hành Danh mục Dự án Hỗ trợ Trái phiếu Xanh (Phiên bản 2015) cung cấp cho các tổ chức phát hành các tiêu chuẩn định nghĩa dự án xanh. Tháng 3/2016, Trung tâm chứng khoán Thượng Hải và Trung tâm chứng khoán Thâm Quyến phát hành Thông báo về Chương trình thí điểm trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho việc niêm yết trái phiếu xanh trên thị trường tài chính bên cạnh TTTP liên ngân hàng. Đến cuối tháng 8/2016, Trung Quốc tiếp tục ban hành Hướng dẫn xây dựng hệ thống tài chính xanh, trong đó, cụ thể hóa các hướng dẫn nhằm phát huy vai trò của thị trường chứng khoán đối với đầu tư xanh và thống nhất các tiêu chuẩn về trái phiếu xanh nội địa. Tháng 11/2016, Ủy ban Tái thiết và Phát triển quốc gia Trung Quốc ban hành hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh chủ yếu dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, quy định rõ những dự án nào được xem là dự án xanh, và nêu ra các yêu cầu cho việc phát hành trái phiếu xanh cũng như các chính sách có liên quan.

Dựa trên nền tảng của các quy định quản lý TTTP xanh, Chính phủ Trung Quốc cũng hoàn thiện các tiêu chuẩn tài chính có liên quan khác. Tháng 6/2017, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các bộ, Ủy ban có liên quan khác đã cùng ban hành Kế hoạch phát triển xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hóa ngành Tài chính giai đoạn 2016-2020, trong đó đưa ra Bộ tiêu chuẩn tài chính xanh, tập trung vào tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng xanh cho các tổ chức tài chính...

Từ năm 2016 tới nay, giao dịch trái phiếu xanh của Trung Quốc luôn ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, năm 2016, giá trị phát hành trái phiếu xanh của Trung Quốc tăng lên đến 36,2 tỷ USD, chiếm đến 1/3 giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu, đưa Trung Quốc vươn lên thành quốc gia dẫn đầu ở thị trường này. Năm 2023, việc phát hành trái phiếu xanh trong nước của Trung Quốc tiếp tục tăng, đạt 808 tỷ Nhân dân tệ, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2022 (Fitch, 2023). Trái phiếu xanh phát hành ra nước ngoài giảm 36% vào năm 2023, phần lớn là do lãi suất đồng USD liên tục tăng so với một năm trước đó và sự vắng mặt của các tổ chức phát hành tài sản Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, doanh số bán trái phiếu xanh liên kết quốc tế ở Trung Quốc đạt tổng cộng 21,83 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2023, tăng 131% so với quý trước, vượt cả Mỹ (đứng vị trí thứ hai) với tổng doanh thu 12,87 tỷ USD và Đức (đứng vị trí thứ ba) với tổng doanh thu 7,14 tỷ USD trong giai đoạn này (S&P Global, 2024).

Theo S&P Global (2024), việc phát hành trái phiếu xanh ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2024 trong bối cảnh nhiều công cụ đã sẵn sàng trên thị trường vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tài trợ cho các dự án chuyển đổi, chẳng hạn như trái phiếu liên kết bền vững (SLB), trái phiếu chuyển đổi và cơ sở giảm phát thải carbon (CERF), đồng thời việc phát hành ra thị trường quốc tế của Trung Quốc cũng rất được nhà đầu tư quan tâm.

Sự phát triển của TTTP xanh đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc như mở ra các kênh tài chính mới cho các doanh nghiệp và dự án xanh, giải quyết nhiều bất cập giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cung cấp cho các nhà đầu tư các loại tài sản mới... Để đạt được kết quả trên, Trung Quốc đã triển khai thực hiện các biện pháp chủ đạo sau:

Một, nâng cao nhận thức về môi trường trong toàn xã hội: Bước chuẩn bị đầu tiên cho việc phát triển nền kinh tế xanh nói chung, và phát triển trái phiếu xanh nói riêng, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức của người dân và nhà đầu tư về môi trường. Các nhà đầu tư sau khi nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố môi trường trong dự án cũng sẽ xem xét trái phiếu xanh như là một sự lựa chọn phù hợp để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Hai là, xây dựng hành lang pháp lí đồng bộ, hoàn thiện. Mặc dù khái niệm tài chính xanh đã xuất hiện trong Luật Bảo vệ môi trường của Trung Quốc từ cuối thể kỷ 90 của thế kỷ XX nhưng phải đến năm 2015, Trung Quốc mới chính thức ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh. Ngày 22/12/2015, PBOC đã ban hành Chỉ thị về trái phiếu tài chính xanh, trong đó quy định các nội dung sau: Khái niệm trái phiếu xanh, danh sách các ngành tài trợ cho trái phiếu xanh, đối tượng được phép phát hành trái phiếu xanh, thủ tục xin cấp trái phiếu xanh, đợt phát hành...

Ba là, chú trọng phát triển TTTP xanh trong nước: Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, TTTP xanh trong nước mới chính là nơi cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của trái phiếu xanh Trung Quốc khi tỷ lệ phát hành nội địa lên chiếm đến 72% tổng lượng trái phiếu xanh. Việc phát triển TTTP xanh trong nước, với chủ yếu là trên thị trường liên ngân hàng đã tạo thuận lợi cho việc giao dịch trái phiếu xanh, thúc đẩy trái phiếu xanh ngày càng phát triển.

Bốn là, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển TTTP xanh. Đặc biệt, PBoC đã chấp thuận cho các tổ chức tài chính sử dụng trái phiếu xanh làm tài sản thế chấp để được hưởng các khoản vay lãi suất thấp từ ngân hàng trung ương.

Năm, ban hành danh sách các dự án được tài trợ bằng trái phiếu xanh - thiết lập các tiêu chuẩn để các dự án, ngành và lĩnh vực xem xét tài trợ bằng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với chính sách môi trường của Trung Quốc.

Hàm ý cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu khi nó tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội và môi trường. So với các nước khác trên thế giới, TTTP xanh ở Việt Nam được triển khai chậm hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, Việt Nam là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt trên 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore. Từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã phát hành gần 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Để hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0”vào năm 2050, dự báo Việt Nam cần trên 20 tỷ USD, trong đó, việc huy động nguồn lực sẽ tập trung nhiều ở trái phiếu xanh.

Dựa trên quá trình phân tích kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của Trung Quốc, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam như sau:

- Nâng cao nhận thức của người dân, tạo ra những cải cách trong nền kinh tế và hệ thống tài chính nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của các chủ thể về vấn đề bảo vệ môi trường; tăng cường các biện pháp tuyên truyền để thu hút các nhà đầu tư, các công ty niêm yết đối với các chương trình phát triển bền vững.

- Ban hành văn bản cụ thể liên quan đến trái phiếu xanh, trong đó, cần quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định trái phiếu xanh, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh. Điều này sẽ giúp cho trái phiếu xanh phù hợp với thị trường trong nước, sớm nhanh chóng trở thành một công cụ tài chính được quan tâm trên thị trường.

- Minh bạch thông tin liên quan đến việc phát hành và sử dụng nguồn quỹ từ trái phiếu xanh làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể quan tâm. Nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số nhằm đánh giá các công ty phát triển bền vững cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cho trái phiếu xanh.

- Có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành trái phiếu xanh và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến loại tài sản này. Sau khi đưa ra được các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu xanh, Nhà nước cần đưa ra những ưu đãi về thuế, phí hoặc những thuận lợi khác cho các đơn vị phát hành cũng như những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, để khuyến khích TTTP xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán. Đây là những ưu đãi cần thiết vì sự phát triển của thị trường. Trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong đó có Trung Quốc về chính sách ưu đãi đối với trái phiếu xanh để áp dụng.

Kết luận

Sự chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý, kỹ thuật cũng như những bước đi có tính hệ thống, đồng bộ đã góp phần giúp TTTP xanh của Trung Quốc đạt được những kết quả khả quan và trong những năm tới đây vẫn là một trong những kênh thu hút vốn quan trọng giúp Trung Quốc đạt được kế hoạch xanh hóa nền kinh tế. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh ở Trung Quốc, Việt Nam có thể học hỏi để đẩy nhanh việc phát triển hệ thống tài chính xanh nói chung và trái phiếu xanh nói riêng nhằm huy động nguồn lực tài chính, hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Thị Vân Anh (2020). Kinh nghiệm xây dựng hệ thống tài chính xanh tại Trung Quốc. Tạp chí Ngân hàng số 6/2020;
  2. Lê Duy (2023). Kinh nghiệm phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh ở một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương số 26, tháng 12/2023;
  3. Chí Tín (2024). Trái phiếu xanh - "điểm cộng" đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trai-phieu-xanh-diem-cong-dem-lai-nhieu-loi-ich-cho-cac-doanh-nghiep-142979.html;
  4. S&P Global (2024), China's green bond market poised for further growth as green policies ramp up. https://www.spglobal.com/marketintelligence/en/news-insights/latest-news-headlines/china-s-green-bond-market-poised-for-further-growth-as-green-policies-ramp-up-80149981;
  5. FitchSolutions (2023). China ESG Snapshot - December 2023.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2024