Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS

Gia Hân

Sáng 15/4/2024, tại trụ sở Bộ Tài chính, ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) đã có buổi tiếp và làm việc với bà Linda Mezon-Hutter – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IASB) về một số nội dung liên quan đến kinh nghiệm áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam.

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán phát biểu tại buổi làm việc. 
Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán bày tỏ cảm ơn bà Linda Mezon-Hutter đã đến làm việc, chia sẻ và làm rõ hơn kinh nghiệm đối với việc áp dụng IFRS của các quốc gia và khuyến nghị phù hợp với mục tiêu, kế hoạch của Bộ Tài chính trên chặng đường quyết tâm triển khai áp dụng IFRS của Việt Nam.

Ông Vũ Đức Chính cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế mở, đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, vì thế việc áp dụng IFRS tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu và Chính phủ Việt Nam đang  theo đuổi mục tiêu đưa IFRS vào Việt Nam.

“Chúng tôi nhận thức được rằng IFRS là một thông lệ tốt trên thế giới, việc áp dụng sẽ giúp chúng tôi cải thiện chất lượng báo cáo tài chính, nâng cao tính minh bạch và chất lượng giải trình của doanh nghiệp. Cùng với đó, áp dụng IFRS sẽ tạo tiền đề để Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán”, Cục trưởng Vũ Đức Chính nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Vũ Đức Chính, lợi ích của IFRS rất rõ ràng, tuy nhiên Việt Nam là nước mới tiếp cận với IFRS nên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình áp dụng như: thiếu nguồn nhân lực hiểu chuyên sâu về IFRS, chi phí đầu tư ban đầu lớn, tạo dựng thói quen mới, nhất là về mặt tư duy cho người làm công tác kế toán…

Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Chính thông tin thêm, Việt Nam khác so với một số quốc gia, cơ quan ban hành chuẩn mực ở Việt Nam là Bộ Tài chính, không phải các hiệp hội nghề nghiệp. Do đó, các chuẩn mực mà Bộ Tài chính ban hành sẽ trở thành văn bản quy phạm pháp luật, mang tính bắt buộc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tính pháp lý của các chuẩn mực sẽ cao hơn so với các chuẩn mực được ban hành bởi hội nghề nghiệp như một số quốc gia khác.

Bà Linda Mezon-Hutter – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chuẩn mực kế toán Quốc tế phát biểu tại buổi làm việc.
Bà Linda Mezon-Hutter – Phó Chủ tịch Uỷ ban Chuẩn mực kế toán Quốc tế phát biểu tại buổi làm việc.

Cục trưởng Vũ Đức Chính nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay, với vai trò là cơ quan ban hành chuẩn mực, Bộ Tài chính luôn quan tâm đến giải pháp làm sao cho các doanh nghiệp áp dụng thành công IFRS. Trong đó, buổi làm việc hôm nay, phía Bộ Tài chính mong muốn lắng nghe kinh nghiệm cá nhân của bà Linda Mezon-Hutter, cùng những kinh nghiệm tốt của các quốc gia đi trước trong áp dụng IFRS và coi đó là bài học, sẽ ghi nhận và tham mưu Chính phủ về một giải pháp, một chặng đường, kế hoạch phù hợp nhất đối với Việt Nam”, ông Vũ Đức Chính chia sẻ.

Phát biểu tại buổi tiếp, bà Linda Mezon-Hutter - Phó Chủ tịch IASB cho biết, ngay khi nắm được thông tin Việt Nam chuẩn bị áp dụng IFRS, phía IASB đã rất mong muốn được chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm các nước khác đã áp dụng để đưa ra những nội dung phù hợp với số lượng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Phó Chủ tịch IASB  bày tỏ “hy vọng buổi làm việc hôm nay sẽ đem đến cho Việt Nam những trao đổi thực sự hữu ích”.

Để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng IFRS tại Việt Nam, bà Linda Mezon-Hutter khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá, phân tích chi tiết sự khác biệt giữa IFRS và các chuẩn mực, quy định trong nước, có thể nghiên cứu ban hành các tài liệu đánh giá và phân tích những điểm khác biệt giữa Chuẩn mực trong nước và IFRS để công bố cho công chúng.

Đồng thời, khuyến nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, trong đó cần xác định được thời gian để thực hiện việc chuyển đổi sang IFRS và dự trù chi phí thực hiện; Xây dựng và chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc chuyển đổi.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu, đào tạo về IFRS cho đội ngũ nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán cũng như các doanh nghiệp triển khai áp dụng; Tối đã hóa việc tận dụng các nguồn lực từ phía chuyên gia của các công ty kế toán, kiểm toán lớn trên thế giới và trong khu vực, có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn áp dụng IFRS.

Theo bà Linda Mezon-Hutter, việc phân loại doanh nghiệp theo quy mô như Việt Nam đang làm là rất quan trọng vì không phải doanh nghiệp nào năng lực cũng giống nhau. Yếu tố này theo Phó Chủ tịch IASB là điều cần thiết và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình áp dụng IFRS.

Ngay sau buổi tiếp, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và bà Linda Mezon-Hutter đã thảo luận và trao đổi các vấn đề về kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế áp dụng thành công IFRS của một số quốc gia.