Kinh nghiệm quốc tế về doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào công ty khởi nghiệp

Nguyễn Ngọc Khánh - Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính

Những năm gần đây, sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp và sự lan tỏa mạnh mẽ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những cơ hội và thách thức mới. Ở Việt Nam, “Khởi nghiệp – Sáng tạo” vẫn được coi là sân chơi riêng của các doanh nghiệp tư nhân. Khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện chưa được phép tham gia đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hay các quỹ Đầu tư mạo hiểm do tính chất rủi ro cao. Bài viết này tổng kết kinh nghiệm về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào các công ty khởi nghiệp tại một số quốc gia có trình độ phát triển tương đương, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam và đề xuất cơ chế thí điểm trong giai đoạn tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào công ty khởi nghiệp tại một số nước

Trung Quốc

Với mục tiêu trở thành cường quốc khoa học và công nghệ vào năm 2050, Trung Quốc đã trải qua một chặng đường dài đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Nhờ có tiềm lực tài chính dồi dào, Trung Quốc sẵn sàng chi cho khoa học công nghệ và đầu tư mạo hiểm. Năm 2015, tổng số tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng hơn 10 lần từ hơn 9,1 tỷ USD lên tới 96 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ Chính phủ chiếm tới 35,3%.

Cùng với đó, Trung Quốc xác định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế. Việc nâng cao khả năng đổi mới - sáng tạo của DNNN vừa là yêu cầu nội tại để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa là để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Quan điểm về cải cách DNNN của Trung Quốc là DNNN phải có vị trí trung tâm trong cải cách thể chế kinh tế thời đại mới, là khâu đột phá, mở đường.

Năm 2018, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Chỉ thị về việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao sáng tạo và khởi nghiệp” nhấn mạnh một số nhiệm vụ của DNNN: “Thúc đẩy các DNNN xây dựng các cơ sở ươm mầm có tư cách pháp nhân độc lập, cung cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp các dịch vụ về: kỹ thuật, kiểm nghiệm kiểm tra, thuế - kế toán, chính sách pháp luật, giáo dục đào tạo, tư vấn quản lý”; “Khuyến khích DNNN, bao gồm công ty con trực thuộc, xây dựng các nền tảng sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy hội nhập sâu giữa cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp với Khởi nghiệp – sáng tạo”.

Thời gian qua Trung Quốc đẩy mạnh việc thành lập các Quỹ đầu tư Chính phủ, bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm (Government-backed Venture Capital Fund) nhằm chuyên nghiệp hóa và tối ưu hóa hoạt động đầu tư vốn nhà nước. Các quỹ này vận hành theo mô hình “Quỹ của Quỹ”, theo đó Quỹ Chính phủ (quỹ mẹ) cấp vốn cho các quỹ cấp thấp hơn (quỹ con) và ủy quyền quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước (DNNN chuyên về đầu tư).

Ở Trung ương, các doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (SASAC) trực tiếp quản lý, điều hành (VD: China Chengtong Holdings Group Ltd., China Reform Holdings, Tập đoàn đầu tư phát triển quốc gia - SDIC...); Ở cấp địa phương, các DN này do SASAC địa phương và các quỹ đầu tư của các tỉnh/thành phố quản lý (VD: Quỹ đầu tư khởi nghiệp Thượng Hải, Công ty hữu hạn cổ phần đầu tư Hằng Kiện - Quảng Đông...). Trong thời gian qua, các quỹ đầu tư của Chính phủ và chính quyền địa phương cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, công nghệ mũi nhọn.

Năm 2019, khi Trung Quốc thành lập sàn STAR (sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ theo mô hình sàn NASDAQ của Mỹ), 14 trong tổng số 25 công ty niêm yết đầu tiên đã báo cáo nhận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thuộc sở hữu nhà nước.

Một điểm đáng lưu ý là chiến lược đầu tư vào công ty khởi nghiệp của các DNNN là nhằm thông qua các thương vụ M&A để thâu tóm doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Một trong các nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SASAC) là: “Thúc đẩy việc xây dựng mô hình sáng tạo liên hợp, nỗ lực giải quyết những khó khăn về công nghệ lõi trên cơ sở tăng cường liên kết, hợp tác giữa DNNN và các doanh nghiệp thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn cũng như các cơ quan, tổ chức sản xuất, nghiên cứu khoa học”.

Trong bối cảnh nhu cầu về chip đang tăng mạnh trên thế giới, Trung Quốc coi công nghệ chip là một trong những “công nghệ lõi” cần tập trung đầu tư. Riêng Quỹ Chip Bắc Kinh (Beijing Integrated Circuits Fund) đã rót vốn vào hàng chục DNkhởi nghiệp, gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp này thâu tóm các công ty công nghệ về chip của nước ngoài.

Singapore

Singapore là một trong những Chính phủ đi đầu trên thế giới trong việc đầu tư xây dựng Hệ sinh khởi nghiệp – sáng tạo, trong đó phải kể đến sáng kiến StartupSG do Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore chủ trì với nhiều dự án thành phần, nhằm hỗ trợ nguồn vốn, tư vấn hay các cung cấp nguồn lực cho các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, Singapore không có quy định riêng về việc cho phép, khuyến khích hay cấm DNNN đầu tư vào các Quỹ đầu tư mạo hiểm hay đầu tư trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp tại.

Tại Singapore, DNNN được gọi với tên “Công ty liên kết của Chính phủ” (GLCs) hoặc “Công ty liên kết Temasek” (TLCs). Đây là các doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn bộ hoặc trên 20% vốn của Temasek. Ngoài ra, Tập đoàn đầu tư Chính phủ (GIC), một Quỹ đầu tư Chính phủ của Singapore, cũng đầu tư khoảng 20-30% giá trị tài sản vào các Quỹ đầu tư tư nhân với mục tiêu đầu tư vào các công ty tư nhân trong và ngoài nước.

Những năm đầu mới thành lập, danh mục đầu tư chủ yếu của Temasek và GIC tập trung vào các công ty công nghệ được niêm yết trên thị trường chứng khoản chủ chốt trên thế giới. Từ năm 1986, hai doanh nghiệp này mở rộng theo hình thức thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm như Innoven Capital và OurCrowd của UOB, Singtel Innov8 của Singtel (được thành lập năm 2011 với 82 nhà đầu tư), ST Engineering Ventures của ST Engineering, SPH Ventures (được thành lập năm 2014 với 40 nhà đầu tư).

Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ là ưu tiên và trọng tâm đối với cả Temasek và GIC. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm dịch vụ công nghệ tài chính (chiếm tỷ trọng cao nhất), công nghệ (trí tuệ nhân tạo – AI, tự động hóa – robotics, an ninh mạng – cyber security), viễn thông và công nghiệp, vận chuyển và tiêu dùng bất động sản.

Các khoản đầu tư từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm trải rộng trên toàn bộ vòng đời tài chính của một doanh nghiệp công nghệ từ giai đoạn vốn hạt giống (seed – giai đoạn khởi nghiệp), vốn mạo hiểm (giai đoạn tăng trưởng), đến phát hành lần đầu ra công chúng – IPO (giai đoạn trưởng thành và rút khỏi đầu tư). Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhánh đầu tư mạo hiểm doanh nghiệp (CVC) của Singtel và SPH đã trở thành những nhà đầu tư tích cực trong các vòng tài trợ giai đoạn đầu và giai đoạn tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp tại Singapore.

Israel

Chính phủ Israel thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ và Vũ trụ là cơ quan hoạch định chính sách quốc gia về khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nghiên cứu cũng như triển khai các dự án trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển. Hàng năm, cơ quan này dành tới 80% số ngân sách của mình (hàng chục triệu USD mỗi năm) để hỗ trợ các nhà khoa học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, trong đó có việc thành lập các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư mạo hiểm.

Một trong những quyết định quan trọng của Chính phủ Israel là lập ra Quỹ Khởi nghiệp Yozma vào năm 1993, với sứ mệnh là tạo ra một thị trường đầu tư mạo hiểm tại Israel bằng cách thu hút các nguồn vốn ngoại cũng như các tri thức công nghệ trên thế giới. Yozma có quy mô 100 triệu USD, công ty chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu và theo nguyên tắc đối ứng: nhà đầu tư bỏ 1 đồng và Chính phủ sẽ bỏ 1 đồng (sau này tỷ lệ có thay đổi). Chính phủ sẽ bán lại một số cổ phần giá rẻ cho nhà đầu tư. Trong vòng 02 năm đầu hoạt động, Yozma đã lập ra 10 quỹ con và mỗi quỹ có nguồn vốn 20 triệu USD do tư nhân quản lý, giám sát và điều phối hoạt động đầu tư. Nếu Quỹ hoạt động đầu tư có hiệu quả, tư nhân sẽ mua lại các quỹ đầu tư này. Trường hợp Quỹ hoạt động nếu thua lỗ thì Nhà nước sẽ gánh phần rủi ro.

Hiện nay, mọi quỹ đầu tư mạo hiểm tại Israel đều của tư nhân hoặc của các tổ chức đa quốc gia, trong đó Yozma có các thành phần tham gia gồm ngân hàng đầu tư Israel, các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại quốc (đầu tư vốn, nhân lực quản lý), các nhà đầu tư Israel.

Một số quốc gia Đông Nam Á

Tại Đông Nam Á, do các quỹ đầu tư mạo hiểm (CVC) thuộc sở hữu nhà nước tương đối mới so với quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân nên chưa có nhiều start-up được các DNNN mẹ mua lại. Tuy nhiên, xét giá trị về các mảng kinh doanh mới, năng suất cao và sự gia tăng số hóa thì đóng góp của các DNNN là không thể phủ nhận, thể hiện qua một số động thái của CVC thuộc sở hữu nhà nước trong những năm gần đây.

Năm 2019, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia đã chỉ đạo ba DNNN lớn của nước này bao gồm: MDI Ventures (Telkom Indonesia), BRI Ventures (Bank Rakyat Indonesia) và Mandiri Capital (Bank Mandiri) thực hiện đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có tiềm năng giúp các DNNN Indonesia thực hiện quá trình chuyển đổi số. Từ năm 2015 đến 2021, MDI Ventures đã đầu tư vào gần 50 công ty khởi nghiệp.

Kinh nghiệm của Indonessia cho thấy, trong điều kiện lý tưởng, hoạt động kinh doanh cốt lõi của DNNN sẽ cung cấp cho công ty start-up lượng khách hàng và quan hệ đối tác sẵn có. Ở chiều ngược lại, nếu công ty start-up đã đạt đến đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng, việc các DNNN đầu tư vào các công ty start-up có thể giúp các DNNN nâng cao hiệu quả nội bộ và thâm nhập các phân khúc kinh doanh mới.

Phần lớn sự chú ý của các DNNN dành cho các công ty khởi nghiệp phục vụ thị trường B2C (từ doanh nghiệp với người tiêu dùng), ít tập trung vào lĩnh vực B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Đặc biệt, DNNN tập trung đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực chưa được kiểm chứng như Regtech (công nghệ quản lý quy trình pháp lý trong ngành tài chính), Agritech (công nghệ trong nông nghiệp), Edtech (công nghệ trong giáo dục) và công nghệ sức khỏe.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên kinh nghiệm của các nước có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như:

Một là, về chủ trương.

Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số quốc gia khuyến khích DNNN đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, tuy nhiên hiện tượng này không phải là phổ biến. Tại Israel, một trong các quốc gia đi đầu trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – sáng tạo, chỉ có duy nhất 01 DNNN tham gia đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, còn lại chủ yếu là đầu tư của các Quỹ và doanh nghiệp tư nhân.

Chỉ đối với một số nước mà khu vực DNNN chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong nền kinh tế (như Trung Quốc, Indonessia) hoặc khi Chính phủ có một mục tiêu đặc biệt đối với khu vực DNNN hoặc Singapore (xác định DNNN thuần túy là đầu tư tài chính) thì các DNNN mới tích cực đầu tư vào DN khởi nghiệp – đổi mới – sáng tạo.

Điều này xuất phát từ quan điểm của phần lớn quốc gia cho rằng, DNNN chỉ nên làm những gì mà khu vực tư nhân không thể làm được hoặc không muốn đầu tư. Trong khi đó, đầu tư mạo hiểm không đòi hỏi vốn lớn, tuy rủi ro nhưng nếu thành công thì lại đạt lợi nhuận cao. Do vậy, xét về mặt lý luận về vai trò của DNNN, nhiều quốc gia không chủ trương có sở hữu vốn nhà nước trong khu vực này.

Việt Nam có nét tương đồng với Trung Quốc trong quan điểm về vai trò chủ đạo của DNNN trong khu vực kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có những điểm khác biệt lớn: tiềm lực tài chính nhà nước của Trung Quốc rất lớn và Trung Quốc bị giới hạn bởi quy định không được tài trợ vốn cho các DNNN thua lỗ mà các thành viên của CT-TPP như Việt Nam phải tuân thủ.

Hai là, về đối tượng áp dụng.

Học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, chỉ nên lựa chọn các DNNN có tiềm năng phát triển nhanh dựa trên lợi thế về công nghệ, có khả năng thúc đẩy liên kết sâu rộng giữa sản xuất và học tập, nghiên cứu và ứng dụng được phép thí điểm. Điều nằm nhằm nâng cao sức cạnh tranh của bản thân DNNN cũng như góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – sáng tạo của quốc gia.

Do lĩnh vực khởi nghiệp – sáng tạo có mức độ rủi ro cao, quy mô đầu tư lớn, đỏi hỏi trình độ quản trị rủi ro tốt, chỉ nên lựa chọn những DNNN có tiềm lực tài chính, có năng lực quản trị rủi ro tốt được phép thí điểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Ba là, về hình thức đầu tư.

Về mặt lý thuyết, DNNN có thể áp dụng nhiều hình thức để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp như: góp vốn, mua cổ phần; mua bán và sáp nhập (M&A); Đầu tư dự án phát triển công nghệ; liên doanh, liên kết; Ươm mầm, hỗ trợ kỹ thuật; “cùng đầu tư/co-investment) với doanh nghiệp KN-ĐM-ST và một doanh nghiệp (nhà đầu tư) độc lập thứ ba...

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy phần lớn DNNN đầu tư vào các công ty khởi nghiệp thông qua hình thức Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc Quỹ đầu tư chuyên biệt. Hình thức này có ưu điểm là chuyên nghiệp hóa và tối ưu hóa hoạt động đầu tư vốn nhà nước trong lĩnh vực mang tính rủi ro và đặc thù cao, khác với hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống của các DNNN. Các Quỹ này nên có sự tham gia góp vốn của các nhà đầu tư tư nhân, vận hành theo cơ chế tài chính doanh nghiệp, có thể hình thành các “Quỹ con” theo chuyên ngành.

Một lựa chọn khác là nhà nước có thể sử dụng các tổ chức kinh tế có chức năng đầu tư vốn nhà nước. Đối với Việt Nam, mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước với sự tham gia góp vốn của tư nhân đã được đề xuất nhưng chưa hình thành. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có thể là một chủ thể phù hợp để thí điểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn tới.

Bốn là, về lĩnh vực áp dụng.

DNNN nên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp phục vụ thị trường B2C, đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – sáng tạo như: công nghệ tài chính (fintech), an ninh mạng (cyber security), trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa (robotics) và thương mại điện tử (e-commerce), công nghệ (trí tuệ nhân tạo – AI, tự động hóa – robotics, an ninh mạng – cyber security), viễn thông, logistic.

Đối với các DNNN có quy mô lớn, nên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có thể giúp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Cùng với sự xuất hiện của các doanh nghiệp chuyên đầu tư bán dẫn hàng đầu thế giới như Samsung, Intel... hiện nay Việt Nam đã nằm trong 03 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu Chip vào Mỹ. Hệ sinh thái sản xuất chip của Việt Nam cũng đã dần hình thành, trong đó có một số doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là đã sẵn sàng để tham gia chuỗi cung ứng chip toàn cầu như Viettel, FPT. Do vậy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc định hướng cho các DNNN đầu tư vào công ty khởi nghiệp trong trong các lĩnh vực công nghệ lõi, đặc biệt là công nghệ sản xuất chip.

Năm là, điều kiện ràng buộc và cơ chế giám sát.

Sản phẩm của các công ty khởi nghiệp mới ở trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển sản phẩm, các công ty khởi nghiệp thường chưa đạt được các chỉ tiêu về tài chính trong những năm đầu. Do vây, nên việc đánh giá hiệu quả đầu tư cần kết hợp giữa cả chỉ tiêu tài chính và phi tài chính.

Thời gian để một công ty khởi nghiệp phát triển thành công phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực hoạt động của công ty đó. Trong khi những doanh nghiệp về công nghệ thông tin thường chỉ mất 1-3 năm để chứng minh thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu mới hay công nghệ sinh học có thể cần 10-15 năm. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả đầu tư vào các công ty khởi nghiệp cần khoảng thời gian đủ dài thay vì đánh giá hằng năm và cần phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nhiệp.

Đầu tư vào DN khởi nghiệp – sáng tạo đã và đang trở thành một xu hướng toàn cầu. Đối với Việt Nam, việc cho phép một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước được phép đầu tư thí điểm vào lĩnh vực khởi nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp – sáng tạo quốc gia là rất cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

  1. “DynEmp: Measuring job creation by start-ups and young firms”. OECD;
  2. "No country for young firms: Startup dynamics and national policies?”. OECD;
  3. “Why is the government investing in startup companies”. Statistics & facts;
  4. “Rise of the SOE: Why startup M&A is a key part of a state-owned digital”;
  5. Effect of innovation types on firm’s performance. International Journal of Production Economics - October 2011.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023