Kinh nghiệm quốc tế về khai thác di sản, phát triển du lịch cho CHDCND Lào

Somchay Yathotou

Khai thác di sản là một hình thức đem lại giá trị cao phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển mới, còn nhiều vấn đề cần bàn thảo về khai thác di sản cho phát triển du lịch. Từ việc khái quát thực trạng khai thác di sản cho phát triển du lịch của một số tỉnh thuộc các quốc gia Đông Nam Á như : Việt Nam, Thái Lan…, bài viết đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Luông Pra Bang, nước CHDCND Lào.

Ảnh minh họa. Nguồn: UBND Tỉnh Quảng Ninh
Ảnh minh họa. Nguồn: UBND Tỉnh Quảng Ninh

Kinh nghiệm tại một số quốc gia khu vực Đông Nam Á

Cố đô Huế (Việt Nam)

Thừa Thiên Huế nằm ở miền Trung Việt Nam, trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến hành lang Kinh tế Đông - Tây, là cực phát triển kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế đang bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa mang đậm đặc trưng của nền văn hóa phương Đông.

Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh có gần 1.000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thừa Thiên Huế còn là nơi tập trung những di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, được bảo tồn, khai thác và phát huy, từ những loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí đến những phong tục tập quán mang đậm những nét riêng của từng vùng đất. Các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đã và đang tiếp tục được đầu tư sưu tầm, khôi phục, phát huy và phát triển.

Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội bao gồm lễ hội cung đình, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của mỗi vùng miền. Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo sự hấp dẫn khách du lịch như các làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới.

Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo, hấp dẫn. Phát huy lợi thế di sản văn hóa Huế - nguồn tài nguyên quý giá, ngành kinh tế - du lịch kết hợp với những tiềm năng khác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước, thực hiện sự liên kết phát triển với các tuyến du lịch của hành lang Đông - Tây và các điểm du lịch Phong Nha - Cố đô Huế - Hội An - Mỹ Sơn, hình thành nên “Con đường di sản miền Trung”.

Với lợi thế về tài nguyên di sản và lễ hội, Thừa Thiên Huế đã khai thác và phát huy lợi thế đó, đưa du lịch trở thành 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và của cả khu vực miền Trung. Du lịch văn hóa, lễ hội Huế ngày càng được khai thác và phát huy hiệu quả, đây là tâm điểm thu hút một số lượng lớn trong và ngoài nước tham quan.

Không chỉ là vùng đất mang đậm nét văn hóa đặc sắc của phương Đông, Thừa Thiên Huế còn là một vùng đất có nhiều nguồn lực và tiềm năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cố đô Chiang Mai (Thái Lan)

Chiang Mai là thành phố lớn thứ 2 ở Thái Lan, thu hút lượt khách du lịch đông đảo. Nơi đây chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh, những ngôi đền chùa cổ kính, ẩm thực đặc sắc và những khu mua sắm tấp nập người dân.

Về thiết kế chính sách: Thái Lan đã thực hiện thành công việc cải cách các thủ tục hành chính về du lịch. Từ đó, thủ tục visa cho công dân các nước vào du lịch tại Thái Lan trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

Điều đặc biệt là Thái Lan nằm trong những nước đi đầu trên thế giới thực hiện chính sách “Bầu trời mở”. Thái Lan đã có thỏa thuận song phương về miễn visa với một số quốc gia, cụ thể là: Chi Lê, Hàn Quốc, Brazil, Argentina và Peru. Với những thỏa thuận này, hộ chiếu ngoại giao hay phổ thông đều được miễn visa đối với mỗi lần vào Thái Lan với thời gian không vượt quá 90 ngày.

Thuế là một trong những chính sách hấp dẫn nhất thu hút khách du lịch đến Thái Lan mua sắm. Khách du lịch theo visa du lịch luôn được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) thuế suất 7% khi mua sắm tại các cửa hàng “Hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch”. Bên cạnh đó, các cửa hàng thủ công cũng được Thái Lan miễn thuế VAT.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chỉ số cạnh tranh về phát triển nguồn nhân lực của Thái Lan thuộc cao trong khu vực. Thái Lan nói chung và cố đô Chiang Mai nói riêng có những mô hình du lịch cộng đồng rất độc đáo, cụ thể là: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp… Những mô hình này rất phổ biến, người dân cũng trở thành những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Thái Lan có đội ngũ chuyên gia nhân lực ngành du lịch được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Những dịch vụ như như thuê xe, xin visa, mua vé máy bay, đăng ký khách sạn rất chu đáo và tận tình. Thái Lan cũng thành lập trung tâm hỗ trợ nhân lực cho du lịch nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các đơn vị hoạt động trong ngành với mục tiêu tăng cường đồng bộ chất lượng ngành du lịch Thái Lan.

Về gắn kết giữa du lịch và thương mại: Thái Lan luôn tạo được cho khách du lịch cảm giác thoải mái, gần gũi và không ngần ngại chi tiêu mua sắm. Ngành du lịch Chiang Mai kết hợp với các cơ sở sản xuất địa phương. Với sự thân thiện, dễ mến, các điểm du lịch kết hợp mua sắm, quảng bá cho một sản phẩm bài bản sẽ khiến cho khách du lịch đẩy mạnh chi tiêu. Mọi hoạt động du lịch ở đây đều được “Thương mại hóa” một cách tối ưu, hiệu quả nhất.

Về phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch văn hóa, tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng: Đây là loại hình rất hấp dẫn khách du lịch tới Thái Lan nói chung và Chiang Mai nói riêng để thưởng thức và trải nghiệm với nhiều điểm tham quan nổi tiếng như: các đền chùa (hầu hết là các chùa Phật giáo), các bảo tàng, các di tích lịch sử, cung điện hoàng gia…

Du lịch sinh thái: Những năm gần đây, du lịch sinh thái nổi lên và phát triển mạnh, trở thành loại hình du lịch mới mẻ, độc đáo. Bên cạnh đó là sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm để tạo nên tính hấp dẫn cao hơn.

Du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event): Đây là loại hình du lịch mới, kết hợp các chuyến công tác, các cuộc họp, các cuộc hội thảo, hội nghị… để du lịch.

Du lịch khám chữa bệnh: Thái Lan chú trọng phát triển du lịch khám chữa bệnh. Các bệnh viện từ bình dân đến cao cấp dành cho du khách nước ngoài, dịch vụ khám chữa bệnh rất đa dạng, phong phú với nhiều khoa chuyên sâu, phức tạp cần đến trình độ cao như chăm sóc răng miệng, phẫu thuật tim, giải phẫu thẩm mỹ, yoga và đông y (Saknalin Keosi, 2016).

Du lịch nông nghiệp: Du lịch nông nghiệp là hướng đi mới của Chiang Mai. Nhiều hoạt động liên quan đến nông nghiệp được đẩy mạnh khai thác như: trồng hoa, trồng lúa, rau quả và chăn nuôi. Khách du lịch được trải nghiệm cuộc sống với nông dân và trực tiếp tham gia vào các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi thường ngày.

Du lịch mua sắm: Đây là hình thức phổ biến và được quan tâm phát triển nhất ở Thái Lan nhằm khuyến khích khách du lịch chi tiêu. Đến Chiang Mai, Thái Lan, sẽ bắt gặp rất nhiều trung tâm mua sắm từ hàng trung bình dân đến cao cấp, với nhiều mức giá để khách du lịch dễ dàng chọn lựa.

Bài học rút ra cho CHDCND Lào

Đảng và Nhà nước CHDCND Lào luôn coi du lịch là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Trong đó, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy di sản của đất nước là một mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về khai thác di sản cho phát triển du lịch, để hài hòa trong việc vừa khai thác, vừa bảo tồn di sản trong phát triển du lịch, có thể rút ra một số bài học cho CHDCND Lào vận dụng như sau:

Đối với Nhà nước

Thứ nhất, Nhà nước và chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch, thiết kế chính sách chiến lược phát triển du lịch như: chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng, ưu tiên cải cách các thủ tục hành chính về du lịch, thủ tục visa cho khách du lịch các nước vào Lào…

Thứ hai, hoàn thiện thể chế về thuế, phí, các quy định để bảo tồn phát huy giá trị di sản theo những thế mạnh, tính đặc thù của các di sản nói riêng và tài nguyên du lịch nói chung. Bên cạnh đó, khai thác tài nguyên du lịch, trong đó có các di sản có thể đưa vào hoạt động kinh doanh du lịch cho các dạng khách du lịch trong nước, quốc tế theo mục đích du lịch của họ.

Thứ ba, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch một cách hiệu quả.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách hợp lý với các đơn vị, tổ chức kinh doanh du lịch và các đơn vị liên quan khác để vừa quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác di sản, tài nguyên du lịch, công tác bảo tồn các di sản, tài nguyên du lịch và môi trường du lịch lành mạnh nhằm thu hút khách du lịch, giữ gìn bản sắc địa phương và dân tộc.

Thứ năm, hoàn thiện các chính sách liên quan đến khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi các thủ tục hành chính khi vào tham quan các di sản, mua sắm các sản phẩm lưu niệm; ăn nghỉ, đi lại khi du khách đến tham quan; quản lý giá cả các dịch vụ trọng điểm du lịch, giá vé tham quan…

Thứ sáu, Nhà nước hỗ trợ các thông tin cho du khách cũng như quảng bá các dịch vụ du lịch văn hóa, các lễ hội truyền thống của Lào và các món ăn độc đáo để tăng cường thu hút khách du lịch.

Về phía doanh nghiệp

Thứ nhất, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm dịch vụ cho du lịch như: dịch vụ du lịch văn hóa, dịch vụ du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch nông nghiệp, dịch vụ du lịch cộng đồng, dịch vụ du lịch mua sắm… du lịch liên hoàn giữa các di sản của từng địa phương, giữa các địa phương, các vùng để khai thác triệt để, hiệu quả các tiềm năng lợi ích của các di sản.

Thứ hai, tuân thủ nguyên tắc tăng cường khai thác các di sản, tài nguyên du lịch đồng thời thực hiện nghiêm công tác bảo tồn các di sản, tài nguyên du lịch tại các địa phương. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo phát huy giá trị và lợi ích lâu dài, bền vững của các di sản, tài nguyên du lịch cho địa phương và quốc gia, đồng thời mang lại lợi ích trước mắt cho địa phương, cho khách du lịch.

Thứ ba, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí chất lượng cao đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Thứ tư, các doanh nghiệp, công ty du lịch cung cấp dịch vụ đặt vé, mua vé máy bay, đăng ký khách, nhà hàng, các nơi tham quan du lịch… cần chu đáo, tận tình, nhanh chóng.

Đối với người dân trong vùng có di sản văn hóa

Thứ nhất, có ý thức trong việc bảo tồn khai thác các di sản cho phát triển du lịch.

Thứ hai, nâng cao năng lực, trình độ, đào tạo ngoại ngữ, tham gia những mô hình du lịch cộng đồng cho độc đáo như là: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp…

Thứ ba, phát huy thế mạnh các làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa địa phương, bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự hấp dẫn khách du lịch đến thăm.

Thứ tư, tăng cường quảng bá giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng, ẩm thực, các món ăn của các địa phương và dân gian độc đáo, hấp dẫn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sở Thông tin - Văn hóa và Du lịch tỉnh Luang Pra Bang (2019), Báo cáo thống kê du lịch của tỉnh Luang Pra Bang 10 năm (2000-2018), Luang Pra Bang;
  2. Saknalin Keosi (2016), Sử dụng các biện pháp pháp lý đối với quản lý khách du lịch trong việc mua bán dịch vụ du lịch ở Thái Lan theo kiểu đóng tiền phí một lần, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Đại học Quốc gia Băng Kok.
  3. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế (2006-2018). Báo cáo tổng kết ngành Du lịch các năm 2006-2018.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023