Kinh nghiệm quốc tế về kế toán chi phí nghiên cứu, phát triển

Bùi Tố Quyên - Học viện Tài chính

Bài viết trình bày những kinh nghiệm trong triển khai kế toán chi phí nghiên cứu và phát triển tại Mỹ, Australia và Trung Quốc, từ đó, rút ra bài học cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Hiện nay, đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong số khía cạnh đó là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đánh giá được mức độ đầu tư và hiệu quả của hoạt động này cần có những giải pháp trong xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường và hoàn thiện kế toán chi phí nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp. Bài viết trình bày những kinh nghiệm trong triển khai kế toán chi phí nghiên cứu và phát triển tại Mỹ, Australia và Trung Quốc, từ đó, rút ra bài học cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Khái quát thực trạng quy định về kế toán chi phí nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới. Theo GII, đổi mới sáng tạo được hiểu theo nghĩa rộng, nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn là một nhân tố tác động đến nhiều chỉ số trong bộ đo lường.

Tại Việt Nam hiện nay, các quy định về kế toán chi phí R&D còn hạn chế. Về cơ bản, đều được quy định trong VAS 04 – Chuẩn mực kế toán về Tài sản cố định vô hình và Chế độ kế toán doanh nghiệp (Điều 37 - Tài khoản 213 - Tài sản cố định vô hình). Nội dung của VAS 04 đã phù hợp tương đối với thông lệ quốc tế theo IAS 38, tuy nhiên các tài liệu hướng dẫn chính thống hay tài liệu mang tính chất tham khảo với nội dung này tại Việt Nam hiện nay không có nhiều.

Bên cạnh đó, việc công bố các thông tin liên quan đến hoạt động R&D của doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được nhu cầu từ phía nhà đầu tư. Khi đánh giá mức độ công bố thông tin về hoạt động và chi phí R&D của các doanh nghiệp thuộc ngành dược tại Việt Nam, tác giả nhận thấy có các kênh thông tin sau: Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính, Tài liệu Đại hội đồng cổ đông của các công ty cổ phần. Tuy nhiên, các thông tin cung cấp mang tính tổng hợp về hoạt động R&D, việc đăng ký sản phẩm trong năm và mục tiêu cho năm tiếp theo, không có thông tin về chi phí R&D hoặc mức đầu tư cho hoạt động này.

Kinh nghiệm quốc tế về kế toán chi phí nghiên cứu và phát triển

Kế toán chi phí R&D tại Mỹ

Phương pháp kế toán chi phí R&D tại Mỹ có sự biến động theo tiến trình phát triển của hoạt động R&D tại các doanh nghiệp cả về mặt lý luận và thực tiễn.

- Giai đoạn 1914 đến 1939: Vấn đề về kế toán chi phí R&D bắt đầu được quan tâm sâu sắc bởi các hiệp hội nghề nghiệp. NAA (Hiệp hội Kế toán viên quốc gia) tổ chức thảo luận rộng rãi chủ đề này để thu nhận ý kiến đa chiều từ các chuyên gia và doanh nghiệp.

- Giai đoạn 1939 – 1973: Khái niệm và việc nhận diện cụ thể các hoạt động nào được xếp vào nhóm hoạt động R&D còn khá chung chung, gây khó khăn cho việc hạch toán. Năm 1954, Luật Doanh thu cho phép chi phí R&D được tính vào chi phí trong kỳ vì mục đích thuế. Trên thực tế, trước năm 1954, việc lựa chọn phương pháp này (không phân bổ dần chi phí) đã hoàn toàn phổ biến cả về mặt lý luận và thực hành kế toán và thuế tại Mỹ. Phương pháp kế toán phân bổ dần chi phí R&D chỉ được khuyến khích khi xác định được mối quan hệ đáng tin cậy, hợp lý với các hoạt động trong tương lai (AICPA). Giai đoạn này vẫn thiếu nhất quán trong trình bày và công bố thông tin, gây khó khăn trong so sánh và tổng hợp thông tin.

- Giai đoạn 1974 đến nay: Năm 1974, FASB (Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính) trong Báo cáo số 2 (SFAS No.2) đưa ra hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán toàn bộ chi phí R&D là chi phí trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh, trừ khi các khoản chi phí này được cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan khác tài trợ và hoàn trả trực tiếp.

Giai đoạn hiện nay, FASB ban hành chuẩn mực 730 – US-GAAP - ASC 730 về Nghiên cứu và phát triển, trong đó quy định cụ thể tất cả chi phí R&D được ghi nhận trong kỳ sẽ hạch toán là chi phí để xác định kết quả kinh doanh. Một vài chi phí liên quan đến hoạt động R&D có khả năng sử dụng cho mục đích khác trong tương lai (công dụng thay thế trong tương lai) có thể được vốn hóa (ví dụ các loại vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ R&D).

ASC 730 đưa ra khái niệm và các ví dụ minh họa cụ thể về nhận diện hoạt động R&D tại doanh nghiệp. Ngoài ra, ASC 730 cũng đưa ra các quy định cho các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù như sản xuất phim, phát triển website, hướng dẫn kế toán cho chi phí phát triển phần mềm và chi phí điện toán đám mây.

Kế toán chi phí R&D tại Australia

Năm 1983, Hiệp hội Kế toán Australia và Viện Kế toán viên công chứng Australia ban hành Báo cáo chuẩn mực kế toán AAS 13 về Kế toán chi phí R&D, đây là văn bản được soạn thảo bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán Australia. Mục đích của Báo cáo nhằm đảm bảo báo cáo tài chính các doanh nghiệp cung cấp thông tin hữu ích về chi phí hoạt động R&D và hạn chế tình trạng tồn tại nhiều phương pháp kế toán và công bố thông tin về chi phí R&D tại Australia trong giai đoạn này. Báo cáo trình bày cụ thể các loại hoạt động, chi phí thuộc phạm vi điều chỉnh cũng như không thuộc phạm vi điều chỉnh, đưa ra khái niệm và các hướng thảo luận liên quan đến vấn đề hạch toán và trình bày thông tin về chi phí R&D.

Trên cơ sở đó, chuẩn mực kế toán Australia về chi phí R&D quy định: chi phí nghiên cứu và chi phí phát triển (chi phí triển khai) được hạch toán vào chi phí để xác định kết quả trong kỳ khi phát sinh, ngoại trừ có thể được hoãn lại nếu chi phí đó đáp ứng được điều kiện: “các chi phí phát sinh trong kỳ liên quan đến dự án R&D được hoãn lại cho các kỳ trong tương lai chỉ khi lợi ích kinh tế trong tương lai được kỳ vọng thu về phải bằng hoặc cao hơn tổng mức chi phí được hoãn lại cộng với bất kể khoản chi phí nào đã được hoãn lại trước đó và bất kể khoản chi phí cần thiết khác phát sinh trong tương lai để có thể tạo ra khoản lợi ích đó, việc xác định phải dựa trên các cơ sở bằng chứng đáng tin cậy” [Đoạn 32/AAS 13]. Chi phí R&D hoãn lại được phân bổ cho các kỳ kế toán trong tương lai đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa khoản chi phí đó với các lợi ích kinh tế liên quan. Việc phân bổ có thể bắt đầu từ thời điểm triển khai sản xuất sản phẩm theo quy mô lớn phục vụ tiêu thụ hoặc đưa quy trình sản xuất vào vận hành chính thức trên các tiêu thức liên quan đến hoạt động tiêu thụ hoặc sử dụng sản phẩm hoặc quy trình (nếu có thể) [Đoạn 33/AAS 13].

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải công bố những thông tin về giá trị khoản chi phí R&D được hoãn lại vào thời điểm cuối kỳ, và cơ sở/tiêu thức phân bổ cho mọi khoản khoản chi phí R&D hoãn lại.

Hiện nay, kế toán chi phí R&D tại Australia tuân thủ theo Chuẩn mực kế toán AASB 138 về Tài sản cố định vô hình. Chuẩn mực này được ban hành lần đầu và có hiệu lực từ năm 2005 trong lộ trình xây dựng chuẩn mực kế toán Australia tương đồng với chuẩn mực kế toán quốc tế. Do vậy, các quy định về nhận diện, nguyên tắc và phương pháp hạch toán chi phí R&D tại Úc tương tự như IAS 38.

Kế toán chi phí R&D tại Trung Quốc

Trung Quốc là một quốc gia châu Á có nhận thức sớm về tầm quan trọng của hoạt động R&D tới năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trung Quốc ban hành 2 hệ thống hướng dẫn các đơn vị về thu nhận và cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động R&D và chi phí R&D: hệ thống phục vụ thống kê điều tra và hệ thống phục vụ hạch toán kế toán.

- Hệ thống thông tin thống kê điều tra:

Trải qua nhiều giai đoạn hoàn thiện và chuẩn hóa, năm 2017 Trung Quốc ban hành Quy tắc 2017 với mục đích cung cấp các hướng dẫn chi tiết hơn cho thống kê số liệu về hoạt động R&D. Hệ thống các chỉ số về R&D bao gồm các yếu tố về chi phí R&D và nhân sự R&D. Tên gọi, khái niệm, cách thức phân loại các chỉ số đều tương tự như thông lệ quốc tế.

- Hệ thống các quy định về kế toán chi phí R&D:

Năm 2006, Trung Quốc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán mới (CAS) và CAS số 06 đưa ra quy định mới liên quan đến phương pháp kế toán tài sản cố định vô hình. Thứ nhất, chi phí R&D trong nội bộ doanh nghiệp được phân biệt thành chi phí nghiên cứu và chi phí phát triển, đồng thời, bổ sung thêm khoản mục kế toán mới là “Chi phí phát triển”. Thứ hai, chuẩn mực hướng dẫn toàn bộ chi phí nghiên cứu được tính vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, và chỉ vốn hóa chi phí phát triển nếu xác định được tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật của việc bán hay sử dụng tài sản được hình thành từ hoạt động nghiên cứu. Nếu một dự án R&D không thỏa mãn các điều kiện cụ thể theo quy định của chuẩn mực, thì toàn bộ chi phí sẽ không được vốn hóa và được tính vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh tại kỳ phát sinh chi phí. Các quy định được điều chỉnh có sự tương đồng với quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế.

Nhằm khuyến khích các DN đẩy mạnh R&D và đổi mới sáng tạo, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ đầu tư và cắt giảm thuế. Để thỏa mãn các điều kiện được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp cần phải thực hiện các chính sách và phương pháp kế toán đặc biệt liên quan đến chi phí R&D và công bố các thông tin phù hợp, cần thiết. Chuẩn mực kế toán doanh nghiệp tại Trung Quốc đã có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết cách thức thiết lập các tài khoản kế toán tương ứng để ghi nhận chi phí R&D và các dạng tài sản cố định vô hình được hình thành từ hoạt động R&D. Đồng thời, Luật Thuế và Tài liệu về Các biện pháp nhận diện và quản lý doanh nghiệp công nghệ cao đã cung cấp chi tiết các khái niệm và khoản mục chi phí cụ thể về chi phí R&D tại các doanh nghiệp.

Định hướng hoàn thiện quy định và hướng dẫn về kế toán chi phí R&D tại Việt Nam

Từ kinh nghiệm triển khai kế toán chi phí R&D tại một số nước, có thể rút ra các bài học cho Việt Nam như:

Thứ nhất, hoàn thiện các khái niệm, cách thức nhận diện chi phí R&D.

Việt Nam cần rà soát, nhất quán các định nghĩa, cách thức nhận diện hoạt động R&D tại các doanh nghiệp nói chung và một số lĩnh vực hoạt động đặc thù nói riêng, ví dụ doanh nghiệp sản xuất phần mềm máy tính, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp dược… Đồng thời, cung cấp chi tiết khái niệm và khoản mục chi phí R&D gắn với thực tiễn. Thực hiện công tác này muốn được hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan liên ngành trong xây dựng bộ tiêu chí nhận diện và đo lường phù hợp.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán liên quan đến nguyên tắc và phương pháp ghi nhận chi phí R&D.

Có thể thấy hầu hết các quốc gia đều xây dựng chuẩn mực và phương pháp kế toán tiệm cận theo thông lệ quốc tế. Chuẩn mực kế toán VAS 04 – TSCĐ VH, trong đó có những nội dung về chi phí R&D về cơ bản đã tương đồng với chuẩn mực kế toán quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cũng đã và đang triển khai lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Do vậy, nên cân nhắc hướng hoàn thiện chuẩn mực kế toán về tài sản cố định vô hình, trong đó có nội dung về chi phí R&D theo thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tổ chức hướng dẫn hạch toán chi phí R&D.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính với tư cách là đơn vị soạn thảo và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán cần tổ chức hội thảo, thu nhận ý kiến từ các chuyên gia để xây dựng nền tảng lý luận và nguyên tắc kế toán cụ thể hơn; từ đó hướng dẫn phương pháp hạch toán chi phí R&D chi tiết hơn trong chế độ kế toán doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể nghiên cứu cách thức tổ chức tài khoản kế toán cụ thể để tập hợp chi phí R&D trong doanh nghiệp phục vụ khâu thu nhận và đặc biệt là cung cấp thông tin về chi phí R&D.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 569/QĐ-Ttg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;
  2. Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 04 – TSCĐ vô hình;
  3. Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC;
  4. Accounting for research and development expenditures; Accounting research study no. Oscar S. Gellein and Maurice S. Newman, 1973;
  5. Research and Development Expenses under IFRS Mandatory Implementation: A Value Relevance Approach, Hasna Chaibi, 2018;
  6. R&D reporting methods and firm value: evidence from China, Yanni Wang and Weiguo Fan, 2014.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023