Kinh nghiệm quốc tế về phát triển ngân hàng số

Huỳnh Thị Thanh Trúc - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Bài viết giúp hệ thống hóa các kinh nghiệm quốc tế về phát triển ngân hàng số trong bối cảnh sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thấy được những lợi ích mang lại từ việc phát triển ngân hàng số. Từ thực tiễn kinh nghiệm của một số nước, bài viết chỉ ra rằng, phát triển ngân hàng số là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia trong dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, nền kinh tế phải luôn đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính để tạo đòn bẩy đầu vào cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng của dân cư và các hoạt động kinh tế khác.

Do đó, hệ thống tài chính nói chung và đặc biệt là ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng có nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế. NHTM có vai trò quan trọng trong luân chuyển và điều tiết vốn từ nơi dư thừa sang nơi thiếu vốn và đặc biệt dòng vốn có khả năng định hướng vào nơi có tỷ suất sinh lời cao nhất, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong từng khu vực và quốc gia.

Kể từ năm 2014 trở lại đây, thế giới đứng trước các biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và đánh dấu sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này được dẫn dắt bởi các công nghệ như dữ liệu lớn, blockchain, nhận diện khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là công nghệ số. Các quốc gia tập trung phát triển kinh tế số, trong đó tăng đóng góp của hàm lượng công nghệ trong nền kinh tế, nhờ đó góp phần tăng năng suất lao động, của cải, vật chất cho xã hội.

Trong hệ thống ngân hàng, các NHTM chuyển đổi các hoạt động sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, cụ thể, các NHTM áp dụng số hóa các hoạt động nhận tiền gửi, tiết kiệm, cho vay, thẩm định tài sản.

Do đó, phát triển ngân hàng số có thể giúp tiết kiệm thời gian giao dịch trong nền kinh tế, giảm các chi phí giao dịch; giúp cho người đi vay có khả năng tiếp cận các khoản vay có chi phí thấp hơn, điều này làm gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong ngân hàng thương mại

Rodrigues và cộng sự (2023) cho rằng, từ thực tiễn kinh nghiệm của nhiều ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số cho thấy, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng giúp ích cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành công ngân hàng số. Các nhà phát triển phần mềm, khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài thường đưa ra các yêu cầu giúp các ngân hàng thực thi; qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và yêu cầu của khách hàng, là động lực giúp ngân hàng xây dựng ngân hàng số. Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng, có bảy yếu tố tác động đến chuyển đổi số trong ngân hàng, giúp ngân hàng sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngân hàng số, có thể kể đến như: Mối quan hệ và hợp tác giữa các bộ phận khách hàng; những yêu cầu công việc; kinh nghiệm và mối quan hệ khách hàng và kinh doanh.

Với sự ra đời của công nghệ số, ngành Ngân hàng đã chứng kiến sự thay đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống chuyển dần sang ngân hàng số và điều này cũng được khẳng định bởi Wu và cộng sự (2023). Quá trình số hóa dần trở nên bắt buộc để giúp ngân hàng có thể duy trì được tính cạnh tranh trên thị trường, do quá trình này giúp ngân hàng giảm được các chi phí giao dịch và do đó có thể cải thiện được hiệu quả của mình.

Hơn nữa, sự phát triển của ngân hàng số dẫn đến sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đặc biệt như ngân hàng di động, thanh toán trực tuyến và tư vấn tự động. Quá trình xây dựng ngân hàng số không thể thiếu vai trò cải tiến trong ngân hàng di động và khả năng thích ứng đối với các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và xu hướng thay thế dần các web truyền thống.

Ngân hàng di động cùng với các ứng dụng thanh toán di động là nền tảng rất quan trọng của dịch vụ thống tin di động, do đó nhiều ngân hàng càng chú trọng đáng kể vào việc làm phong phú hơn các dịch vụ ngân hàng di động. Ngân hàng di động ảnh hưởng tới tiền gửi ngân hàng, làm cho khách hàng giảm xu hướng tìm kiếm các dịch vụ trên mạng và gia tăng sử dụng nền tảng di động trong hệ thống ngân hàng, do đó hạ tầng công nghệ và khả năng tiếp cận tài nguyên số có vai trò quyết định đến sự thành công của ngân hàng di động.

Theo kinh nghiệm của Arab Saudi trong quá trình xây dựng ngân hàng số và chuyển đổi số trên thị trường tài chính, Alnemer (2022) cho rằng, chuyển đổi số trong ngân hàng không thể thiếu vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực ngân hàng, giúp ngân hàng thay đổi trải nghiệm các dịch vụ tài chính. Quá trình này đi liền với đổi mới công nghệ trong rút tiền tự động, ngân hàng trực tuyến, ngân hàng di động và ki-ốt ngân hàng số; đã tạo ra cơ chế có khả năng nâng cao năng lực của ngân hàng và có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Với sự ra đời và hỗ trợ của internet các ngân hàng nhanh chóng thúc đẩy chiến lược kinh doanh của mình như gia tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên nền tảng internet, những thay đổi này đã làm gia tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Những ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ đang dần trở nên phổ biến trong nhiều ngân hàng.

Alnemer (2022) cũng khẳng định, sự thành công xây dựng và phát triển ngân hàng số tại Arab Saudi gắn liền với yếu tố niềm tin vào ngân hàng số, do người tiêu dùng đặt niềm tin vào quá trình sử dụng và chấp nhận công nghệ, do cảm nhận được khả năng dễ sử dụng, sự hữu ích đã được cảm nhận giúp cho khách hàng tăng các trải nghiệm và là động lực phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên, nó cũng gây ra trở ngại nhất định đối với khả năng áp dụng ngân hàng số, đặc biệt là vấn đề tuổi tác và giáo dục người tiêu dùng khi người già có ít cơ hội tiếp cận công nghệ hơn so với người trẻ, nên họ chưa nhận thức được những hữu ích của dịch vụ ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống.

Trường hợp của Indonesia cho thấy, ngân hàng số chỉ phát triển được gắn liền với quá trình chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống, trường hợp của nước này quá trình chuyển đổi gắn liền với làn sóng công nghệ mới trong ngành Tài chính, các yếu tố ngân hàng trực tuyến, máy tự phục vụ, tích hợp tài chính và truy cập 24 giờ đã làm thay đổi hoạt động ngân hàng và mang lại nhiều trải nghiệm mới hữu ích cho khách hàng. Đặc biệt, các dịch vụ ngân hàng đã phát triển hơn các ứng dụng tiên tiến, đặc thù của ngân hàng số là không có chi nhánh, không có ngân hàng vật lí cung cấp dịch vụ và sản phẩm tài chính, mà hoàn toàn linh hoạt qua dịch vụ số, do đó nó có khả năng tiết kiệm được chi phí giao dịch và do đó mang lại lợi ích cho khách hàng.

Qua nghiên cứu kinh nhiệm các nước trên cho thấy, vai trò quan trọng của phát triển ngân hàng số trong bối cảnh hiện nay nhằm đáp ứng các dịch vụ khác nhau cho người tiêu dùng và cho mục đích phát triển kinh tế. Để hệ thống lại vai trò của ngân hàng số, Sharma (2023) khẳng định, công nghệ có ảnh hưởng tới sự thay đổi ngân hàng số.

Ngân hàng số có khả năng cung cấp dịch vụ ngân hàng thuận tiện và nhanh hơn, đồng thời, có khả năng lưu trữ thông tin cá nhân, hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt và tín dụng, lưu trữ các thông tin giao dịch của khách hàng giúp cho quá trình kiểm soát giao dịch được thuận tiện hơn cho khách hàng.

Windasari và cộng sự (2022) cũng cho rằng, các ngân hàng truyền thống Indonesia đều cung cấp các dịch vụ số và Chính phủ khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt chi trả cho hoạt động tiêu dùng trong cuộc sống, để tránh va chạm và tiếp xúc hàng ngày trong các hoạt động kinh tế. Điều này càng trở nên thuận tiện hơn khi có sự tham gia của ngân hàng số và những đặc tính như giá trị kinh tế, tính dễ sử dụng, ảnh hưởng xã hội, danh tiếng, quảng cáo, tính năng, có thể mang lại hữu ích đối với trải nghiệm ngân hàng số và do đó giúp cho ngân hàng số phát triển.

Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ đã giúp cho ngân hàng số có thêm điều kiện phát triển khi Chính phủ có vai trò định hướng các dịch vụ công và vận hành nền kinh tế, từ đó giúp ngân hàng số cung cấp thêm các dịch vụ sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng.

Tóm lại, qua nghiên cứu kinh nhiệm các nước trên cho thấy, vai trò quan trọng của phát triển ngân hàng số trong bối cảnh hiện nay nhằm đáp ứng các dịch vụ khác nhau cho người tiêu dùng và cho mục đích phát triển kinh tế. Để hệ thống lại vai trò của ngân hàng số, Sharma (2023) khẳng định, công nghệ có ảnh hưởng tới sự thay đổi ngân hàng số.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu trao đổi kỹ thuật số với chi phí tiết kiệm, hành vi này giúp ngân hàng và tổ chức tài chính tăng khả năng ứng dụng di động, chatbot và sử dụng công nghệ lớn, dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về khách hàng và mong muốn của khách hàng. Sự ảnh hưởng của đại dịch đã dẫn tới hạn chế khả năng đi lại, dịch chuyển của khách hàng, do đó tạo ra động cơ giúp ngân hàng số phát triển, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng bất kể họ có khả năng dịch chuyển hay không.

Hơn nữa, vấn đề chuyển đổi số trong ngân hàng cung cấp các trải nghiệm cho người tiêu dùng, tối đa hóa hoạt động, thúc đẩy đổi mới và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số gắn với áp dụng các ứng dụng ngân hàng trực tuyến, phần mềm mã hóa dữ liệu, trợ lý ảo, tối ưu hóa trang web. Điều này mang lại lợi ích nhiều trong hoạt động kinh doanh ngân hàng và cải thiện sự trải nghiệm khách hàng, hiệu quả hoạt động.

Giải pháp thúc đẩy ngân hàng số tại Việt Nam trong thời gian tới

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trên có thể đúc kết vai trò to lớn của số hóa hoạt động ngân hàng. Theo đó, hoạt động này mang đến những trải nghiệm thuận tiện hơn cho khách hàng và giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian giao dịch, khả năng tiếp cận dịch vụ và sản phẩm tài chính. Với mỗi quốc gia, không thể không nhắc đến lợi ích của ngân hàng số trong phát triển kinh tế, đặc biệt khi ngân hàng số giúp nền kinh tế giảm được các chi phí giao dịch, hệ thống ngân hàng không cần phải đầu tư vào mở các chi nhánh, thay vào đó gia tăng đầu tư vào sản phẩm, công nghệ để có thể mang lại các trải nghiệm công nghệ cho khách hàng. Khi chi phí giao dịch giảm xuống, người vay có khả năng tiếp cận khoản vay có chi phí thấp, do đó các dự án đầu tư đạt được lợi ích tài chính cao hơn, giúp doanh nghiệp phát triển và xa hơn là kinh tế - xã hội của đất nước.

Những lợi ích trên có thể thấy phát triển ngân hàng số nhằm gia tăng hơn khả năng trong phát triển kinh tế, từ đó đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam trong phát triển ngân hàng số trong thời gian tới.

Một là, có cơ chế khuyến khích các ngân hàng đầu tư công nghệ ngân hàng, đó là khoản đầu tư có giá trị lớn, đòi hỏi phải có nguồn vốn giúp ngân hàng đầu tư vào công nghệ. Cơ chế khuyến khích có thể đến từ việc Chính phủ có chính sách giảm thuế cho các khoản đầu tư vào công nghệ.

Hai là, các ngân hàng cần gia tăng các trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm ngân hàng số như trong huy động vốn, hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ khác; giúp khách hàng có thể cảm nhận được sự hữu ích của dịch vụ ngân hàng số như dễ sử dụng, an toàn, thúc đẩy việc gia tăng sử dụng sản phẩm dịch vụ số tại các NHTM như phát triển tài khoản thanh toán cá nhân, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử eKYC.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là các trường hợp rủi ro liên quan đến sử dụng công nghệ cao trong phát triển ngân hàng số.

Ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định đảm bảo an ninh, an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời, sửa đổi các luật về giao dịch điện tử để đảm bảo đầu tư và huy động vốn trong doanh nghiệp và xã hội. Có sự kết nối lưu thông giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác xác minh thân nhân và thông tin khách hàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Alnemer, H. A. (2022), Determinants of digital banking adoption in the Kingdom of Saudi Arabia: A technology acceptance model approach. Digital Business, 2(2), 100037, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.digbus.2022.100037;
  2. Rodrigues, L. F., Oliveira, A., & Rodrigues, H. (2023), Technology management has a significant impact on digital transformation in the banking sector. International Review of Economics & Finance, 88, 1375–1388. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.iref.2023.07.040;
  3. Sharma, J. B. T.-R. M. in S. S. (2023), Digital transformation in banking industry. Elsevier. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/B978-0-44-313776-1.00105-7;
  4. Windasari, N. A., Kusumawati, N., Larasati, N., & Amelia, R. P. (2022). Digital-only banking experience: Insights from gen Y and gen Z. Journal of Innovation & Knowledge, 7(2), 100170, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jik.2022.100170.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 9/2023