Kinh nghiệm quốc tế về phát triển tăng trưởng kinh tế xanh

Huỳnh Thị Thanh Trúc - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm hệ thống hóa các kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng kinh tế xanh trong bối cảnh quan ngại việc phát triển kinh tế có những ảnh hưởng xấu tới môi trường. Từ kinh nghiệm thực tiễn phát triển tăng trưởng kinh tế xanh tại một số nước, kết quả nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng kinh tế xanh phụ thuộc vào sử dụng nguồn năng lượng sạch, xây dựng nguồn tài chính xanh và cơ cấu của nền kinh tế, qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp để phát triển tăng trưởng kinh tế xanh tại Việt Nam.

Đặt vấn đề

Theo Tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên Hợp Quốc: Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: "Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sạch trong việc giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường, linh hoạt trong khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên nhiên, quản lí môi trường và vốn tự nhiên trong phòng chống thiên tai." (World Bank, 2012).

Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế OECD, Tăng trưởng xanh bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp tài nguyên và dịch vụ môi trường cho sự thịnh vượng của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới."(OECD, 2014).

Như vậy, tăng trưởng xanh nhấn mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng với môi trường sinh thái, trong khi kinh tế xanh nhấn mạnh nhiều hơn tới các giới hạn của môi trường, hạnh phúc của con người và công bằng xã hội.

Thời gian vừa qua, kinh tế Việt Nam đã có sự biến chuyển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Việt Nam bước vào phát triển kinh tế của đất nước trong tình trạng nền kinh tế bị bao vây, cấm vận và mức phát triển rất thấp. Việt Nam từng bước hội nhập với kinh tế toàn cầu thông qua chính sách tự do hóa thương mại, cải cách thể chế kinh tế nhằm chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quá trình hội nhập vào kinh tế toàn cầu, với việc gia nhập ASEAN, Việt Nam có cơ hội tham gia tự do hóa thương mại với ASEAN và các đối tác lớn của ASEAN. Nhờ đó, hàng hóa của Việt Nam được tạo điều kiện tham gia vào thị trường quốc tế. Việt Nam cũng từng bước thành công trong thu hút dòng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trở thành một địa chỉ quen thuộc trong thu hút FDI trong khu vực.

Theo Phạm Thị Thanh Bình và Vũ Văn Hà (2023), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt tới 22,4 tỷ USD năm 2022, đặc biệt tổng FDI lũy kế từ thời kỳ đổi mới đã đạt 438,7 tỷ USD, thực hiện đạt trên 274 tỷ USD. Dòng vốn FDI phần nào đảm bảo được nhu cầu đầu tư và phát triển của đất nước trong suốt thời gian vừa qua.

Những thành tựu trong hội nhập kinh tế thế giới đã mang đến nhiều lợi ích trong việc làm, gia tăng thu nhập và phát triển kinh tế đất nước. Từ xuất phát điểm là quốc gia có mức thu nhập trong nhóm quốc gia thấp nhất thế giới, Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2011; năm 2022 đã đạt 4163 USD/người/năm, và hoàn toàn có thể hoàn thành được mục tiêu 7500 USD/người/năm vào năm 2035 và các năm tiếp theo.

Tuy vậy, chất lượng môi trường sống cũng bị ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường, nước biển dâng và phát thải khí các bon gây hiệu ứng nhà kính. Trong những năm gần đây, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ lụt, chất lượng môi trường không khí xấu đi đã có những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và phát triển. Do đó duy trì tăng trưởng kinh tế xanh nhằm gia tăng hơn nữa mức thu nhập và hướng tới phát triển bền vững trở nên cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh

Sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và mối quan tâm đến biến đổi khí hậu đã đặt ra cho các quốc gia thực thi chiến lược tăng trưởng xanh, như một hướng đi mới cho các hoạt động kinh tế và phát triển bền vững. Trong tăng trưởng kinh tế xanh, lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội cần được bảo đảm với môi trường và hệ sinh thái, đồng thời tạo ra sự bình đẳng và phúc lợi xã hội, cải thiện điều kiện sống tại quốc gia.

Do đó, tăng trưởng kinh tế xanh không chỉ gói gọn trong phát triển kinh tế mà còn đảm bảo những lợi ích xã hội của cuộc sống con người, từ đó đặt ra cho các quốc gia cần chuẩn bị kế hoạch và tầm nhìn để làm lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế. Nghiên cứu tại Trung Quốc, Zhang và Hao (2023) cho rằng, sử dụng hiệu quả nguyên liệu hóa thạch là tích cực đến tăng trưởng xanh, trong đó nhấn mạnh vai trò phát triển tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính trong các doanh nghiệp có tác động tới sử dụng hiệu quả nguồn lực và thúc đầy tăng trưởng xanh. Do đó, Trung Quốc khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp nên tăng cường vào đầu tư và phát triển xanh, thực hiện kế hoạch thúc đẩy việc làm xanh, ứng dụng công nghệ để thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh.

Huang (2023) cho rằng, mối đe dọa mà do nóng lên toàn cầu gây ra cho sự phát triển trong tương lai đã trở thành mối quan tâm trên toàn thế giới, thực trạng này do lượng khí thải các bon tăng và vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhà kính và trái đất nóng lên, có tác động lên hệ sinh thái và đòi hỏi các quốc gia tìm một giải pháp phù hợp và định hướng về nền kinh tế các bon thấp và an toàn. Công nghiệp hóa đã khiến nhu cầu năng lượng tăng lên, các quốc gia nên tìm kiếm biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời nên mở rộng tài chính thúc đẩy GDP thông qua tăng năng suất lao động, do đó có thể thấy vai trò của phát triển xanh đối với bảo vệ môi trường và với phát triển tài chính là rất quan trọng.

Tài chính đã góp phần kiến tạo nền kinh tế các bon thấp, xanh và tăng trưởng bền vững, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Huang (2023) cũng cho rằng, Trung Quốc phải cân bằng tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường và quá trình mở cửa thương mại của nước này cũng được định hướng các nguồn lực ít dùng năng lượng, sử dụng nguồn tài chính nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh. Những phát hiện này nhấn mạnh tự do hóa thương mại và phân cấp tài khóa có thể là đòn bẩy chính sách cho tăng trưởng xanh thông qua phát triển nguồn năng lượng tái tạo và giảm hiểu nguồn năng lượng hóa thạch. Cùng với đó, nên trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền hạn hơn, các ưu đãi tài chính để nắm bắt và mở rộng các công nghệ năng lượng tái tạo.

Razzaq và cộng sự (2023) cho rằng, các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thuộc nhóm quốc gia hàng đầu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, tiêu biểu nhất là Thụy Điển, Áo, Séc có chiến lược tăng trưởng xanh được đánh giá tốt hơn Ấn Độ, Nam Phi. Theo tác giả, Liên Hợp Quốc (LHQ) đang nỗ lực đưa mọi nền kinh tế chuyển hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm ứng phó trước biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian vừa qua nhằm đạt được một số giá trị cốt lõi trong giải quyết biến đổi khí hậu.

Thực vậy, trước tình hình nóng lên toàn cầu, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế cao, bảo tồn môi trường sống tự nhiên và cộng đồng, huy động tài chính bền vững và hợp tác cùng nhau để thực hiện, trong đó các nền kinh tế chuyển sang chiến dịch tăng trưởng xanh là cấp thiết. Razzaq và cộng sự (2023) cho rằng, chuyển đổi năng lượng, đầu tư xanh và quản trị khí hậu là những mục tiêu cốt lõi của chiến lược tăng trưởng xanh.

Do đó, Theo Razzaq và cộng sự (2023) xây dựng chỉ số chuyển đổi năng lượng tổng hợp (ETI) bằng cách sử dụng phân tích thành phần chính nhằm lượng hóa các tác động. Kết quả cho thấy, ETI dẫn đến tăng trưởng xanh thấp hơn đối với những quốc gia có ngưỡng chuyển đổi năng lượng thấp. Tuy nhiên, nó trở nên rất quan trọng và tích cực nếu ETI vượt quá giá trị ngưỡng chuyển đổi năng lượng tại mức cao. Do đó, quá trình các nền kinh tế chuyển đổi sử dụng năng lượng là rất quan trọng nhằm đáp ứng lợi ích của tăng trưởng xanh, những nền kinh tế có khả năng chuyển đổi nhanh sang nguồn năng lượng tái tạo có khả năng đáp ứng sự phát triển và có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Đối với một số nền kinh tế khác tại châu Á, Shan (2023) cho rằng, những năm gần đây quá trình công nghiệp hóa khu vực này diễn ra mạnh mẽ và đã tạo nên cực tăng trưởng quan trọng của thế giới, tuy vậy, quá trình công nghiệp hóa mà không tính đến các vấn đề môi trường đã dẫn đến cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu trên thế giới. Hơn nữa, khu vực châu Á có mật độ dân cư đông, công nghiệp hóa và gia tăng dân số ngày càng tăng trong những thập kỷ qua là nguyên nhân hàng đầu hình thành mối đe dọa trong sự phát triển bền vững trong khu vực.

Shan (2023) cho rằng các thảo luận về tăng trưởng xanh được mở rộng, như một cách tiếp cận để bảo vệ môi trường và giải pháp lâu dài cho thách thức biến đổi khí hậu. Các nước châu Á có mức thu nhập cao, có hoạt động du lịch tăng trưởng bền vững thì có tác động tích cực đối với tăng trưởng xanh, và tác động này là rất tích cực, điều này phản ánh xu thế đẩy mạnh và duy trì tăng trưởng xanh tại nhiều nước.

Tuy vậy, điều này chưa thực sự tìm thấy tại các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế thấp, phản ánh rằng các quốc gia có mức thu nhập thấp vẫn thường tiêu dùng các nguồn năng lượng hóa thạch có chi phí thấp, nên gây tổn hại lớn đối với tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này đặt ra cho các quốc gia có mức thu nhập thấp nên duy trì thị trường tài chính xanh, phát triển du lịch sinh thái, chủ nghĩa khu vực xanh, đồng thời các quốc gia châu Á có thu nhập cao nên cố gắng hỗ trợ tài chính và thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển các dự án xanh được đảm bảo bằng trái phiếu xanh.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã đạt được thành tựu nhất định trong thực hiện chính sách công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, nhưng nền kinh tế đối mặt với các vấn đề liên quan đến môi trường tăng lên, có thể làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế trong dài hạn và mục tiêu đưa Việt Nam trên con đường thịnh vượng và có mức phát triển kinh tế cao hơn trong tương lai. Từ kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu này có một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới, như là một phương thức nhằm cải thiện hơn hiệu quả của nền kinh tế, như sau:

Một là, Việt Nam cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo xu hướng nền kinh tế ít các bon và ít tiêu dùng năng lượng, để từ đó tối ưu hóa sử dụng năng lượng và khả năng phát thải các bon gây ô nhiễm môi trường, do đó những dự án đầu tư tiêu tốn năng lượng và có lượng phải thải cao nên được hạn chế phát triển trong thời gian tới.

Hai là, Việt Nam cần xây dựng thị trường tài chính xanh, đó là trái phiếu xanh, tín dụng xanh, để từ đó có thể định hướng nền kinh tế sang hoạt động sản xuất công nghệ cao hơn, hạn chế hoạt động sản xuất sử dụng công nghệ giản đơn và có mức độ ô nhiễm cao.

Ba là, Việt Nam tiếp tục phát triển và gia tăng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm dần sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, để có thể giúp cho đất nước chuyển nhanh sang nền kinh tế ít các bon và có hoạt động sản xuất, tiêu dùng ít phát thải các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nguồn năng lượng hóa thạch mặc dù có chi phí rẻ, nhưng có tác động tiêu cực đối với kinh tế xã hội trong dài hạn, nên khó có thể giúp cho nền kinh tế hướng tới con đường thịnh vượng chung.

Bốn là, Việt Nam cần nâng cao nhận thức của người dân, xã hội đối với vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, từ đó có thể giúp cho mọi người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Huang, F. (2023), How does trade and fiscal decentralization leads to green growth; role of renewable energy development, Renewable Energy, 214, 334–341, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.renene.2023.05.116;
  2. Phạm Thị Thanh Bình và Vũ Văn Hà (2023). Thu hút FDI của Việt Nam năm 2022 và triển vọng, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn;
  3. Razzaq, A., Sharif, A., Ozturk, I., & Afshan, S. (2023), Dynamic and threshold effects of energy transition and environmental governance on green growth in COP26 framework, Renewable and Sustainable Energy Reviews, 179, 113296, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.rser.2023.113296;
  4. Shang, Y., Lian, Y., Chen, H., & Qian, F. (2023), The impacts of energy resource and tourism on green growth: Evidence from Asian economies. Resources Policy, 81, 103359, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.resourpol.2023.103359;
  5. Zhang, P., & Hao, D. (2023), Enterprise financial management and fossil fuel energy efficiency for green economic growth, Resources Policy, 84, 103763. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.resourpol.2023.103763.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2023