Kinh nghiệm quốc tế về phát triển tài chính xanh

Khánh Chi

Tài chính xanh góp phần quan trọng trong việc định hình lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các quốc gia nhóm nước phát triển và đang phát triển đều triển khai gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, nhiều quốc gia cũng có nhu cầu vốn lớn để tập trung nhiều hơn vào việc đạt được mục tiêu phát thải bằng không để giảm bớt cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Do đó, thị trường tài chính xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để đẩy nhanh sự phát triển của các dự án xanh và theo dõi tác động thực tế trong quá trình hoạt động. Được coi là đại diện cho quy mô thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh là công cụ nợ để huy động vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường, đồng thời gắn liền với lợi ích xã hội.

Nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 cần được chú trọng vào tính bền vững lâu dài của môi trường đồng thời với phát triển kinh tế và xã hội. Do đó, các quốc gia trên thế giới đã triển khai các gói chi tiêu COVID-19 để ứng phó với đại dịch. Các chính sách tài khóa – bao gồm tăng chi tiêu công cũng như cắt giảm thuế đã trở thành kế hoạch quan trọng trong các chiến lược phục hồi xanh.

Điển hình như, một số quốc gia ở châu Âu đã công bố các gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và cách tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực cụ thể tập trung vào các lĩnh vực phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tháng 6/2020, Đức đã đề xuất một trong những gói kích thích xanh lớn nhất từ trước đến nay, trị giá 130 tỷ EUR, bao gồm 50 tỷ EUR cho chi tiêu cho lĩnh vực khí hậu. Gói kích thích này tập trung vào các kế hoạch thúc đẩy việc bán xe điện, cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, và lấy nguồn thuế để hỗ trợ chi phí phát triển năng lượng tái tạo.

Năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất Thỏa thuận Xanh để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đảm bảo lượng khí thải carbon được giảm đáng kể. Các quốc gia thành viên của EU đã đồng ý ký Thỏa thuận Xanh châu Âu và cùng hướng đến mục tiêu đạt được sự trung hòa carbon vào năm 2050 và cắt giảm 50%-55% lượng khí thải vào năm 2030 (so với mức năm 1990).

Thỏa thuận Xanh sẽ có những ưu đãi để khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, đề ra mục tiêu phân bổ 1 nghìn tỷ EUR vào các khoản đầu tư xanh, với 503 tỷ EUR đến từ ngân sách châu Âu.

Vào tháng 04/2021, Mỹ ban hành kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng sau đại dịch COVID-19. Trong đó, kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển mạng lưới điện năng lượng sạch, và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Kế hoạch bao gồm việc xây dựng tiêu chuẩn năng lượng sạch và hiệu quả cho các liên bang để đưa nước Mỹ đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035.

Bên cạnh đó, một số nước đang phát triển cũng đã, đang tích cực thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...

Cụ thể, năm 2020, Indonesia ban hành Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia. Chương trình cung cấp các chính sách kích thích mới nhất cho nền kinh tế ước tính trị giá 43 tỷ USD. Chính sách kích thích bao gồm việc cắt giảm thuế cho các ngành công nghiệp, bơm vốn vào các doanh nghiệp Nhà nước và hỗ trợ thanh khoản cho ngành ngân hàng. Indonesia đang trong giai đoạn nghiên cứu phát hành trái phiếu xanh trước COVID-19 và tạo ra một nền tảng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững được tài trợ bởi các tổ chức tài chính của Chính phủ.

Thái Lan cũng đã ban hành kế hoạch đầu tư cho 92 dự án PPP vào cơ sở hạ tầng với trị giá 1.09 nghìn tỷ Bạt (33.39 tỷ USD) từ năm 2020 đến năm 2027. Ngoài ra, Thái Lan cũng phát hành trái phiếu bền vững của Chính phủ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh vào tháng 8/2020.

Chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng tại Nam Phi bắt đầu từ năm 2020 nhằm hỗ trợ thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo với tổng nguồn vốn đạt 14 tỷ USD cho 64 dự án (UNDP in Africa, 2022).

Chương trình đã có một số kết quả bước đầu như việc giảm đáng kể chi phí trung bình của điện mặt trời và gió (lần lượt là 68% và 42%). Sáng kiến này đã tạo ra khoảng 39.000 việc làm cho thanh niên và phụ nữ và giảm lượng khí thải carbon của xuống 33,2 triệu tấn.