Kinh nghiệm quốc tế về triển khai hiệp định FTA và bài học cho Việt Nam
(Taichinh) - Tận dụng tối đa những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể đem lại, một số quốc gia đã đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, gia tăng kim ngạch thương mại với các nước đối tác, góp phần đáng kể vào tự do hóa nhiều ngành hàng, lĩnh vực kinh tế cho đất nước. Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 nước điển hình trong việc tận dụng thành công các cơ hội thực hiện các Hiệp định FTA.
Kinh nghiệm triển khai Hiệp định FTA của một số nước
Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc đã ký kết và thực hiện 11 hiệp định thương mại và đang trong quá trình đàm phán 3 hiệp định khác. Trong số các đối tác của Trung Quốc, ASEAN được đánh giá là đối tác quan trọng nhất, bởi Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc tạo nên một khu vực mậu dịch lớn nhất trên thế giới về dân số và đứng thứ 3 thế giới về GDP danh nghĩa, sau EU và Hiệp định FTA Bắc Mỹ (NAFTA).
Thực tế cũng cho thấy, khi tham gia ký kết thương mại tự do với Trung Quốc, hàng hóa của các nước không dễ dàng được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ quốc gia này. Theo thống kê của Tổng cục Thuế Trung Quốc, tỷ lệ tận dụng thuế suất ưu đãi thực sự hưởng thuế ưu đãi trên kim ngạch nhập khẩu được tính bằng tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu còn ở mức thấp. Ví dụ: Với các nước trong ASEAN, cao nhất là 59,79% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan được hưởng ưu đãi, còn mức thuế ưu đãi Việt Nam được hưởng chỉ là 39,61%, thậm chí Lào chỉ đạt 1,66%.
Sở dĩ có những con số thấp như vậy là vì, một mặt Trung Quốc thực hiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan nhưng mặt khác cũng dựng những hàng rào phi thuế quan để bảo hộ hàng trong nước. Không những vậy, quy trình để hoàn thiện hồ sơ theo nguyên tắc xuất xứ còn phức tạp cũng như mức chênh lệch ưu đãi không cao và nhận thức của các doanh nghiệp về các lợi ích của hiệp định thương mại còn ở mức hạn chế. Do đó, một số biện pháp đã được đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng ưu đãi của Hiệp định FTA như: cung cấp cho DN các thông tin về ưu đãi thuế quan, hướng dẫn việc hoàn tất thủ tục cũng như đơn giản hoá quy trình cấp chứng nhận xuất xứ.
Một bước đi khác của Trung Quốc trong việc triển khai tự do hoá thương mại là việc thành lập khu mậu dịch tự do Thượng Hải vào năm 2013. Đây là nơi để thử nghiệm những cải cách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc và mở cửa nền kinh tế, như bãi bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài cũng như cho phép tự do chuyển đổi đồng Nhân dân tệ nhằm đưa tỷ giá về sát với giá trị thực. Tại khu mậu dịch tự do này, Trung Quốc lần đầu thử nghiệm cho phép tự do hoá lãi suất. Nếu như thử nghiệm này thành công ở Thượng Hải, trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ mở rộng ra quy mô toàn đại lục.
Như vậy, có thể thấy ngay cả với nền kinh tế lớn nhất thế giới này, tự do thương mại là một xu thế tất yếu. Việc thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại với các đối tác, như tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ cũng như ngành tài chính ngân hàng là một điều không thể tránh khỏi, nhưng cũng không có nghĩa là phải ngay lập tức dỡ bỏ hàng rào thương mại cũng như áp dụng ngay cho toàn bộ nền kinh tế. Tất cả những thay đổi lớn đều phải bắt đầu từ sự thử nghiệm.
Hàn Quốc
Nhiều nghiên cứu đánh giá đã cho thấy những tác động tích cực của các Hiệp định FTA đối với nền kinh tế của Hàn Quốc. Một trong những hiệp định mà Hàn Quốc tham gia ký kết đầu tiên là hiệp định thương mại Hàn Quốc - Chile. Theo báo cáo của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) năm 2009, từ quốc gia đứng thứ 8 trong xuất khẩu sang Chile, đến năm 2013 Hàn Quốc đã trở thành nước đứng thứ 5. Hàn Quốc đã tận dụng được những cơ hội thị trường mà các hiệp định đem lại và đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Chile và ASEAN vượt trội so với tốc độ tăng trưởng trung bình trên toàn thế giới, tiêu biểu là với các ngành hàng như ô tô, máy móc, thiết bị điện tử, thép và các sản phẩm từ thép cũng như hoá chất.
Kể từ khi hiệp định thương mại Hàn Quốc – Chile có hiệu lực, hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Chile đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi. Tuy nhiên, với những Hiệp định FTA giữa Hàn Quốc với Singapore, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN thì tỷ lệ tận dụng hiệu quả các ưu đãi lại không được như mong đợi, với tỷ lệ lần lượt là 29,8%, 42,5% và 43,3%.
Để tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ hội từ việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và khả năng tiếp cận thị trường, Chính phủ Hàn Quốc đã phối hợp cùng các hiệp hội ngành nghề để cung cấp các thông tin về các hiệp định thương mại cho các DN. Bên cạnh đó là việc đơn giản hoá các thủ tục để cấp chứng nhận xuất xứ. Có thể nhận thấy, để đạt được tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao như hiệp định thương mại giữa Hàn Quốc - Chile, nội dung của hiệp định cần phải chú trọng đến những mặt hàng giao thương chủ lực giữa các đối tác với nhau.
Với những ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất ô tô, dù trong các hiệp định song phương với Mỹ và EU, Hàn Quốc cam kết là sẽ dần được tự do hoá, tuy nhiên nước này cũng xin kéo dài thời gian thực hiện cam kết cùng nhiều ngoại lệ nhằm duy trì bảo hộ cho ngành ở mức độ nhất định trước khi hoàn toàn mở cửa.
Bài học cho Việt Nam
Là một nước có nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam thường được hưởng các ưu đãi về mặt thời gian thực hiện các cam kết của các FTA. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam cần đẩy mạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đối tác, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, chính sách cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia để có thể tận dụng tốt những cơ hội mà các hiệp định thương mại mang lại. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách bảo hộ hợp lý là một biện pháp có tính hiệu quả cao cho các quốc gia khi tham gia vào các hiệp định tự do hóa thương mại, bao gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, việc duy trì hay xoá bỏ chính sách bảo hộ sản xuất nội địa luôn có tác động hai mặt. Nếu bảo hộ quá lâu và quá cao sẽ làm cho sản xuất trì trệ. Song, nếu xoá bỏ bảo hộ quá nhanh sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, hàng nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường nội. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng chính sách bảo hộ đúng đắn vừa đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định thương mại, vừa bảo đảm cho các ngành sản xuất trong nước thích nghi, quen dần với môi trường không có bảo hộ.
Muốn vậy, khi thực hiện các chính sách bảo hộ chúng ta cần phải chú ý đến các vấn đề sau:
Một là, chỉ bảo hộ những mặt hàng mà sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, có tiềm năng phát triển về sau, tạo được nguồn thu ngân sách và giải quyết lao động.
Hai là, bảo hộ phải được thống nhất thực hiện cho mọi thành phần kinh tế, kể cả các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ba là, chính sách bảo hộ phải được quy định cho từng trường hợp, từng thời gian và không bảo hộ vĩnh viễn cho bất kỳ hàng hóa nào.
Bốn là, bảo hộ thị trường trong nước nhưng phải phù hợp với các tiến trình tự do hoá thương mại và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Năm 2015 được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước chuyển mình quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam với việc tham gia sâu và rộng hơn sân chơi quốc tế khi Việt Nam dần thực hiện các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định FTA trong ASEAN (AFTA và ASEAN+). Hy vọng rằng Việt Nam sẽ tận dụng được các lợi thế và khắc phục được những trở ngại mà các Hiệp định FTA mang lại khi tham gia vào thương mại quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Amstrong, S., 2012, “South Korean trade: beyond ‘free’ trade deals”, truy cập tại http://www.eastasiaforum.org/2012/12/19/south-korean-trade-beyond-free-trade-deals/ ( ngày 25 tháng 2 năm 2015);
2. Brenton, Paul and Miriam Manchin. 2002. “Making EU Trade Agreements Work: The Role of Rules of Origin.” CEPS Working Document No. 183. Brussels: Centre for European Policy Studies (March); Cheong, I., Kim, H., Cho, J., “Business Use of FTAs in Korea”, RIETI;
3. Francois, J., Manchin, M., Luong, V.T, Le, T.D., Hoang, M.P., Hoang, M.C., 2011, “Đánh giá tác động tổng thể của tự do hoá thương mại dịch vụ với nền kinh tế Việt Nam”, MUTRAP – Dự án hộ trợ thương mại đa biên.