TS. Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính):

Kinh nghiệm từ công tác quản lý, điều hành giá giai đoạn 2016-2020 (*)


Thực tiễn triển khai công tác điều hành giá trong những năm qua có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc quản lý, điều hành giá trong giai đoạn tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong giai đoạn 2016-2020, việc quản lý, điều hành giá trong nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, công tác quản lý, điều hành giá cả thị trường cơ ban đã đáp ứng được chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

Cụ thể, so với năm trước, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2016 tăng 2,66%, năm 2017 tăng 3,53%, năm 2018 tăng 3,54%, năm 2019 tăng 2,79% và năm 2020 tăng 3,23%. Thực tiễn triển khai công tác điều hành giá trong những năm qua có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc quản lý, điều hành giá trong giai đoạn tới gồm:

Một là, công tác quản lý, điều hành giá có vai trò quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô của nước ta và cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Để thực hiện tốt công tác này cần tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, xăng dầu... là các mặt hàng có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về giá nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý nhà nước, đảm bảo tính thực thi, đầy đủ công cụ pháp lý trong các trường hợp cần thiết.

Ba là, nhằm thực hiện tốt các phương hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, thời gian tới, việc triển khai quản lý giá cả các mặt hàng cần được thực hiện nhuần nhuyễn hơn nữa dưới sự điều phối của Bộ Tài chính là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về điều hành giá và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo sát với tình hình là công cụ quan trọng, đắc lực nhất cho việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có các chính sách về quản lý, điều hành giá. Việc dự báo được các yếu tố kinh tế tác động đến mặt bằng giá, đánh giá được tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản điều hành giá chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

(*) Trích lược từ bài "Định hướng quản lý, điều hành giá cả thị trường giai đoạn 2021-2025" đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021.